ClockThứ Bảy, 21/07/2018 13:45

Thận trọng khi ồ ạt trồng thanh trà

TTH - Chưa bao giờ phong trào trồng thanh trà ở phường Hương Vân (Hương Trà) lại phát triển ồ ạt như mấy năm gần đây. Từ chân đất cao đến nơi thấp trũng, đất màu thậm chí đất ruộng đều được người dân “tranh thủ” trồng thanh trà.

Cựu chiến binh “mê” thanh trà

Công bố và dán nhãn cho thanh trà Hương Vân

Phát triển “nóng”

Không riêng tổ dân phố (TDP) Lại Bằng- nơi nổi tiếng với cây đặc sản thanh trà Lại Bằng, ngay ở TDP Sơn Công, Long Khê, diện tích cây có múi cũng tăng nhanh. Nhà ít chục cây, nhà nhiều vài sào với hy vọng cây thanh trà sẽ mang lại thu nhập lớn.

Ông Hồ Cử (TDP Lại Bằng 1) chuyển đổi 3 sào đất sản xuất lúa hai vụ ở xứ đồng Tằm để trồng thanh trà. Hơn 3 năm trồng, cây đang phát triển thuận lợi thì cuối năm 2017, sau đợt lũ gây ngập úng kéo dài khiến toàn bộ diện tích trồng thanh trà của gia đình ông chết hàng loạt, thiệt hại gần 10 triệu đồng. Dù biết nguyên nhân thiệt hại do thanh trà trồng ở vùng thấp trũng, song gia đình ông vẫn tiếp tục mua giống để trồng đợt mới.

Gia đình ông Phan Văn Pháp ở TDP Sơn Công 1 xác định “làm lúa, lạc không ăn thua” nên năm 2017 chuyển đổi 6 sào đất màu sang trồng thanh trà. Đợt lũ cuối năm ngoái, vườn nhà ông may mắn chỉ chết 12 gốc (1 sào) nên sau lũ, ông chiết cành từ những cây thanh trà lâu năm trong vườn để trồng mới.

Ông Pháp bộc bạch: “Nhà tui làm 2 sào lúa chỉ lãi hơn 2 triệu đồng nhưng trồng 2 sào thanh trà thu nhập trên 50 triệu đồng lại khá an tâm về đầu ra. Hiện so với các cây trồng khác thì không có cây nào thu nhập cao hơn cây thanh trà”.

Chủ tịch Hội Nông dân phường Hương Vân, ông Hồ Thái Anh cho hay: “Nguyên nhân dẫn tới cây thanh trà mở rộng diện tích ồ ạt thời gian qua là do hiệu quả kinh tế mang lại. Nếu mỗi ha đất trồng lúa và lạc mỗi năm cho thu nhập từ 40-70 triệu đồng thì trồng thanh trà mang lại 350-400 triệu đồng. Điều này khiến phong trào trồng thanh trà phát triển rộng khắp, bất chấp khuyến cáo của chính quyền địa phương”.

Rủi ro cao

Năm 2017, thanh trà Hương Vân đã đăng ký xây dựng nhãn hiệu với 3 hộ tham gia. Theo đánh giá của UBND phường, giá trị sản phẩm thanh trà sau khi có nhãn hiệu cao hơn. Năm 2018, địa phương dự kiến xây dựng nhãn hiệu thanh trà cho khoảng 15-20 hộ.

Sức tiêu thụ mạnh, đầu ra rộng mở, giá bán cao và ổn định là nguyên nhân chính khiến nhiều nông dân trên địa bàn phường Hương Vân “bỏ” cây lúa, cây lạc để chuyển sang trồng cây có múi.

Cây thanh trà có mặt ở vùng đất Lại Bằng từ năm 1972-1973, đến năm 2014, diện tích thanh trà ổn định với 95 ha. Sau năm 2014, thanh trà được bà con mở rộng thêm 20ha và phần lớn diện tích trồng mới này không nằm trong quy hoạch, chủ yếu ở vùng thấp trũng. Đợt lũ năm 2017, 15/25 ha trồng mới bị chết do ngập úng. Ngay sau lũ, bà con đã “phủ kín” toàn bộ diện tích thiệt hại và trồng mới thêm 5 ha. Đến nay, Hương Vân có trên 530 hộ trồng thanh trà trên diện tích 120 ha, trong đó, hộ có diện tích lớn nhất khoảng 1 ha.

Đại diện lãnh đạo phường thừa nhận bên cạnh hiệu quả mang lại, việc bà con trồng tự phát ồ ạt cây thanh trà cũng bộc lộ những khó khăn. Điều dễ thấy là nông dân tự ý chuyển đất lúa, đất lạc sang trồng cây có múi nhưng không theo quy hoạch làm ảnh hưởng tới môi trường, hạ tầng sản xuất (do tán rộng nên các loại cây trồng khác bên dưới khó phát triển). Mặt khác, cũng do nhu cầu về giống cây thanh trà tăng cao nên nhiều hộ sản xuất giống tự phát, kém chất lượng hoặc bà con mua cây giống trôi nổi trên thị trường về trồng không những không mang lại hiệu quả mà còn thiệt hại cho sản xuất.

Ông Hoàng Tấn Thành, Phó Chủ tịch HĐND phường Hương Vân cho biết: Hiện với 95 ha thanh trà đã cho thu hoạch, việc tiêu thụ trái cây có múi trên địa bàn tương đối thuận lợi. Riêng vấn đề người dân tự ý phát triển ồ ạt cây thanh trà thì hàng năm chúng tôi đều có thông báo, đi kiểm tra và vận động người dân chưa nên trồng do chân đất thấp, thường úng ngập. Mặt khác, những diện tích này phường không biết có phù hợp không vì chưa được các sở ngành liên quan kiểm tra, đánh giá.

“Người dân vẫn biết rủi ro tương đối lớn “được ăn cả ngã về không”, tuy nhiên, khuyến cáo không ăn thua. Địa phương lại không thể can thiệp, cấm họ trồng thanh trà được”, ông Thành nói.

Bài, ảnh: Liên Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thận trọng nơi công cộng

Đã có nhiều vụ cướp giật tài sản, trộm cắp ở công viên, nơi công cộng được lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật. Song, để tình trạng này không tiếp diễn, bản thân mỗi người dân cần chủ động tự bảo vệ tài sản của mình.

Thận trọng nơi công cộng
Thận trọng khi đưa thông tin trẻ em lên mạng xã hội

Trên không gian mạng, nhiều phụ huynh lại vô tư trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân của con. Thế nên, cũng cần phải cảnh giác trước các trường hợp tội phạm công nghệ cao lợi dụng hình ảnh này nhằm mục đích xấu, dẫn đến hệ lụy vô cùng khó lường.

Thận trọng khi đưa thông tin trẻ em lên mạng xã hội
Thận trọng khi chọn trung tâm tư vấn du học

Du học ngày càng được nhiều phụ huynh và học sinh quan tâm, xem đây là cơ hội học tập, trải nghiệm ở môi trường giáo dục ưu việt. Tuy nhiên, thị trường du học vẫn còn nhiều bất cập, đòi hỏi người có nhu cầu phải tỉnh táo để “chọn mặt, gửi vàng”.

Thận trọng khi chọn trung tâm tư vấn du học
Gần tết, thận trọng với tiền giả

Càng gần Tết Nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người dân càng tăng, đây là thời điểm tội phạm liên quan đến tiền giả gia tăng. Vì thế bên cạnh sự kiểm soát của các cơ quan chức năng, người dân cũng cần cảnh giác trong thanh toán bằng tiền mặt.

Gần tết, thận trọng với tiền giả
Giải bài toán giáo viên ồ ạt nghỉ việc, cách nào?

Gánh nặng "cơm áo" cộng với áp lực lớn từ thành tích của học sinh, của lớp, của trường và cả việc cảm thấy đơn độc khi lên tiếng về những tiêu cực trong môi trường giáo dục khiến nhiều thầy cô phải “dứt áo”.

Giải bài toán giáo viên ồ ạt nghỉ việc, cách nào
Return to top