ClockThứ Năm, 17/03/2011 14:00

Tháng ba hoa vàng nở

TTH - Không hiểu sao, mỗi khi nhắc đến sắc hoa, giữa vô vàn muôn hồng nghìn tía, tôi lại cứ hình dung về cái màu vàng trong vườn hoa giản dị của mẹ. Bắt đầu từ vườn cải vàng ươm từ độ Tết xưa mẹ trồng. Dưới cái rét nồng khay của những ngày áp Tết, khi mà thiên hạ đang chộn rộn với những mai đào cúc trúc về chưng làm đẹp thì chị em tôi lại tẩn mẩn với những ngồng cải chuẩn bị trổ hoa. Để đến chiều ba mươi cắt những cọng hoa dài nhất kết thành một bình to rực rỡ chưng giữa cái bàn đá nhỏ xíu làm bàn tiếp khách ba ngày Tết. Và còn cơ man nào là vàng tươi rực rỡ ngoài vườn kéo dài đến tháng ba khiến căn nhà nhỏ cứ sáng lên, khi mà hàng xóm đã lả tả rơi những hào hoa năm mới xuống vườn.

Thành phố dịu dàng nơi tôi sống cũng nhiều sắc vàng hoa. Chẳng biết từ bao giờ, tôi thường quen để ý đến những độ hoa vàng về lại phố như những hẹn hò chờ đợi tình nhân. Hoa vàng ở Huế không nồng cháy như dã quỳ ở cao nguyên, không lang thang bập bềnh lãng tử như điên điển ở miền Tây sông nước mà dịu dàng dạ thưa đúng điệu đà cốt cách của người Huế tự thuở xưa. Bắt đầu một mùa vàng hoa thường bao giờ cũng là những hàng bông điệp trước cổng chợ Đông Ba. Cả một mùa đông đùn đùn xanh lặng lẽ để đến khi đất trời bắt nắng, đột nhiên bỗng một hôm bùng lên cái sắc vàng dữ dội. Cả một đường hoa dậy lên. Hương sắc nồng nàn làm duyên thêm câu ca ân tình xứ Huế Chợ Đông Ba xưa mình qua…Du khách ngược xuôi vào chợ mà nghe như đi giữa đường thơm. Nên phố thị của Huế không bị cái xô bồ chen lấn mà trở nên dịu dàng khó tả.


Rồi đến góc đường Trần Hưng Đạo - cầu Phú Xuân cạnh bến xe Nguyễn Hoàng, mấy năm gần đây khiến người đi đường chững lại bởi mấy sắc vàng hoa lạ tên kèm theo những buồng muồm muỗm thả rơi theo gió đẹp long lanh. Những chùm hoa rơi một cách hồn nhiên mà yểu điệu đến thục nữ. Đi ngang qua cứ muốn lượn xe vòng trở lại không biết bao nhiêu lần. Công viên Huế thường mượn sông Hương làm bình phong. Giữa bãi cỏ xanh mềm mại của đất trời, dòng hoa vàng rơi xuống dịu dàng bên sắc nước thẫm xanh khiến đất trời như hoà quyện đắm say. Nắng và gió tháng ba lại dịu dàng như mời mọc. Thử hỏi như thế khiến ai cầm được lòng yêu???

Lang thang chút xíu ra ngoại thành, ánh mắt người đi được đãi một bữa vàng hoa đến mê mải của những vườn hoa thôn dã dịu dàng bình dị. Đó là những luống cúc, vạn thọ đơn giản nhưng nồng nàn. Hoa này người Huế trồng không phải để chưng mà chỉ để dâng bàn thờ vào lễ lạt hội rằm, cúng kị. Tháng ba là tháng mà thứ hoa này rộ hơn cả. Rộ lên không phải chỉ bởi màu sắc rực rỡ mà còn bởi cái nắng đầu mùa không quá hanh nồng khiến màu hoa càng như tươi tắn hơn lên. Rộ lên bởi cái nồng ấm của thời gian khiến bước chân người đi như thong thả, để có thể chiêm ngưỡng từng cánh hoa mà không vội vã trốn rét của mùa đông và nắng oi của mùa hè. Nên, không biết tự lúc nào, hồn hoa và lòng người cứ quyện vào nhau như thể là bè bạn.
Tháng ba là lúc hoa vàng nở. Cái màu hoa tô điểm thêm cho đất trời. Cũng là màu hoa nhắc nhớ những người xa đâu đó đang lẩn chìm trong vùng hoài niệm. Cũng là màu nhắc nhớ một mùa yêu…
Đông Hà
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ

Triển lãm Mỹ thuật trẻ 2024 vừa diễn ra tại Trường đại học Nghệ thuật thu hút được rất nhiều sự chú ý của các họa sĩ trẻ và người yêu nghệ thuật với nhiều tác phẩm mới lạ. Giữa những tác phẩm đầy màu sắc, “Không Không Kó Không” của Hoàng Thanh Khiêm là một tác phẩm sắp đặt khá nổi bật, và càng đáng chú ý hơn nữa khi tác giả là một chàng trai trẻ sinh năm 2009.

“Không Không Kó Không” và tiếng nói tuổi trẻ
220 năm quốc hiệu Việt Nam

“220 năm quốc hiệu Việt Nam – những chặng đường lịch sử (1804-2024)” là chủ đề cuộc hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức, diễn ra sáng 23/4 tại TP. Huế.

220 năm quốc hiệu Việt Nam
Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên Huế ngày 22/4 cho biết, trong khuôn khổ các hoạt động năm Du lịch quốc gia 2024 và Kỷ niệm 70 năm Ngày chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024) diễn ra tại Điện Biên, đơn vị đã đưa triển lãm chuyên đề “Huế - Di sản văn hoá, điểm đến tiềm năng” giới thiệu đến với công chúng.

Đưa triển lãm di sản văn hóa Huế đến Điện Biên

TIN MỚI

Return to top