ClockThứ Tư, 28/08/2013 13:14

Tháng Tám mùa Thu

TTH - Cách đây mấy hôm, tôi đưa cả nhà ra quê nhân ngày giỗ ông nội các cháu. Buổi sáng đi chợ về, vợ tôi khoe: “Anh này, em có mua mấy quả thị để đặt cho ba. Thị thơm lắm, trong Huế em chưa thấy có bán. Em còn mua thêm để tặng cho mấy đứa nhỏ, mỗi đứa một quả để chúng ngửi cho vui”. Nghe vậy, mấy đứa cháu đã xúm xít vòng trong vòng ngoài. Bé Bưởi vừa đưa thị lên mũi hít hà vừa đọc “Thị ơi, thị rơi bị bà/ bà để bà ngửi chứ bà không ăn” (chuyện cổ tích Tấm Cám). Trong niềm vui đoàn tụ cả nhà, mùi thơm thị chín bỗng dưng thức dậy tuổi thơ tôi. Tháng Tám mùa Thu…  

Gia đình tôi cả ba đời liên tiếp “độc đinh” (con trai độc nhất) và cả ba đời đi ở đợ. Mãi sau cải cách năm 1954, cha tôi mới có ruộng đất. Tuổi thơ tôi thường được cha tôi kể cho nghe về quãng đời cơ cực của ông. Cha bị què, mẹ mất sớm nên cha phải đi làm thuê từ rất sớm để kiếm cơm nuôi mình, nuôi cha. Ngày đầu tiên đi làm thuê cho một chủ nhà xóm dưới, giữa buổi có “bữa lỡ”, mỗi người được một nắm xôi chấm với muối vừng. Ban sáng chỉ lót dạ mấy củ khoai lang giờ ngửi thấy mùi xôi vừng phưng phức nước bọt tứa ra. Cầm nắm xôi định đưa lên miệng, nhưng rồi lại thôi. Cha tôi một mực cắm đầu cắm cổ chạy như ma đuổi về nhà. Trống ngực đập thình thịch như muốn bay ra khỏi lồng ngực, giọng ngắt quãng “Xôi… phần của con… cha ăn đi kẻo đói”. Ông nội nhìn cha tôi “Con ăn đi cho có sức mà làm… cha không đói mô”. Hai cha con cứ đưa đẩy nhau nắm xôi mà không ai chịu ăn cả, ôm lấy nhau mà khóc. Nước mắt chan vào nắm xôi…

Ngôi nhà tranh vách đất của ông nội tôi là nơi tá túc của những người ăn mày mỗi khi đêm về. Ông nội thường bảo cha tôi “Sống phải tích đức con ạ. May ra mình còn có cái nhà, chứ không thì cũng như những người ăn mày, ăn xin này thôi. Mình giúp người, người giúp mình. Cái đức là ở đó con ạ”. Sau đó không lâu, trong một đêm mưa gió, nội đau bụng quằn quoại và đột ngột ra đi để lại đứa con trai duy nhất là cha tôi bơ vơ một thân một mình.
 
Có lần cha tôi kể: Sau khi nội mất, cha tôi đành lòng tìm nơi ở đợ. Dịp Tết đi chợ, giúp đội thúng cho nhà chủ. Thấy cha tôi cái quần cứ vá chùm, vá đụp, thương tình, chủ nhà mua cho một thước vải mộc nhuộm củ nâu để về may chiếc quần cọc mặc Tết. Trên đường về cha lấy làm háo hức, bước chân như chạy. Về đến nhà, hạ thúng tìm hoài mà không thấy tấm vải đâu cả, nó biến mất như ma vậy. Thì ra, do để trong thúng đồ hàng không có nắp đậy nên khi đi qua đồng gặp gió, tấm vải bay mất. Tết đó, cha tôi xem ra không có Tết.
 
Một lần cắt tóc cho cha tôi, thấy trên đầu toàn sẹo. Tôi hỏi, cha tôi mới kể: Dạo trước Cách mạng Tháng Tám, giặc pháp về làng bắt lính. Khi tập trung ở đồn Mỹ Trung cha bỏ trốn cùng một số thanh niên trong làng như ông Kỷ, ông Thó. Bọn Pháp truy bắt đem lại về đồn. Chúng tra tấn rất tàn bạo. Sẹo trên đầu là dấu tích của đòn thù đó con. Máu trên đầu chảy xuống không kịp vuốt, miệng hộc ra máu cùng với mấy cái răng cửa. Cha tôi nhe hai hàm răng rồi chỉ vào mấy cái răng bịt kim loại đã thay thế. Mãi đến giờ tôi mới thấu hiểu câu nói “đánh dạy con gì mà như Tây đánh dân mình rứa à” mỗi khi ông đến can ngăn người hàng xóm nóng nảy.
 
 Khác với ba đời “độc đinh” trước, cha tôi sinh những bốn người con trai và hai cô con gái. Hàng xóm cứ bảo gia đình tôi có “tứ quý, nhị nương” (4 trai, 2 gái) là tướng tốt. Trừ bà chị đầu, còn lại năm anh em tôi trước khi vào đại học đều trải qua quân ngũ. Cha tôi thường dạy các con: “Ngày trước cha ít chữ nên bị coi khinh, giờ đất nước hòa bình, dù có ăn rau các con cũng phải cố tốt nghiệp đại học”. Dù chỉ qua “bình dân học vụ” nhưng cha tôi rất chu tất cho việc học của các con. “Tuổi trẻ của cha cơ cực lắm rồi, muốn học nhưng không được. Nay các con được hưởng cuộc sống thanh bình như thế này là gấp vạn lần đời cha, nên cố mà học”.
 
 Sau khi rời quân ngũ, ba đứa em tôi theo học đại học ở Hà Nội. Những năm tám mươi cả nước đói kém. Để nuôi con ăn học xa nhà, cha tôi đã không ngại bán hết cả gia sản trong nhà, chỉ trừ ngôi nhà gỗ. Khi cái sập gụ (dân miền Trung gọi là rương - dùng để đựng thóc, bên trên thay giường nằm, thường đặt ở vị trí trang trọng giữa nhà) được người mua mang đi, cha tôi đứng ôm cột nhà khóc nức nở… Ngày cha tôi qua đời cũng là khi đứa em trai út của tôi tốt nghiệp đại học. Trước giờ hấp hối, bên các con, cha tôi đã để lại một bản di chúc bằng lời mà hàng năm đến ngày giỗ chúng tôi thường mở để cho con cháu trong nhà cùng nghe lại, rằng: “…Cuộc đời cha đến đây đã mãn nguyện lắm rồi… Các con nhớ nuôi dạy các con mình cho có lòng hiếu thảo… giờ cha sẽ… bay… đi… thôi…”.
 
 Huế, tháng Tám - 2013
Tâm Hành
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”

Đó là chủ đề của Trại sáng tác văn học, nghệ thuật do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật tỉnh khai mạc sáng 15/4 tại làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa (Phong Điền).

“Thừa Thiên Huế - Hành trình và khát vọng”
Ba luôn ở bên con

Một sớm mùa thu, tôi rẽ sương cũng mẹ đi vào lối vắng. Ở nơi đây, cảnh vật thường xuyên thay đổi, dù một năm mẹ con tôi đến những bốn, năm lần. Sự thay đổi ấy ứng với từng mùa, khi những hàng cây thi nhau lột xác, lũ chim chóc thay lời ca tiếng hát, mây trời và làn nước cũng thường biến đổi sắc màu theo từng tháng năm. Ở nơi đó, bên một dòng sông nhỏ có một khoảnh đất là nơi yên nghỉ của ba tôi. Thời gian thấm thoắt thoi đưa, thoáng chốc ngày ba từ giã cõi đời cũng đã ngót nghét gần mười năm. Mười năm đó, từ nỗi đau tận cùng đến đau đáu khôn nguôi, trong mẹ con tôi đã chuyển thành tĩnh lặng thương yêu.

Ba luôn ở bên con
Từ chuyến phượt khám phá làng Vân...

Gần đây, phượt trở thành trào lưu và sở thích của rất đông bạn trẻ. Xu hướng phượt không đơn thuần chỉ là trải nghiệm các cung đường khó hay khám phá văn hóa, vùng đất nơi mình đến mà còn kết hợp Teambuilding (xây dựng đội nhóm), các kỹ năng sinh tồn, đôi khi lồng ghép thêm hoạt động thiện nguyện.

Từ chuyến phượt khám phá làng Vân
Lão ngư kể chuyện đi biển

Những kinh nghiệm đi biển "xương máu" được truyền đời trong các gia đình ngư dân. Khi chưa có máy móc hiện đại, kinh nghiệm sóng nước là cứu cánh sinh kế của họ.

Lão ngư kể chuyện đi biển
Return to top