ClockThứ Bảy, 13/08/2016 13:56

Thẳng thắn nói, cầu thị tiếp thu

TTH - Điều đọng lại ở hội nghị xúc tiến đầu tư 2016 vừa được UBND tỉnh phối hợp với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức mới đây là những phát biểu, cách nhìn chân tình, thẳng thắn của đại biểu, lãnh đạo các bộ ngành, Chính phủ và cách tiếp thu bằng thái độ và cầu thị nhất của lãnh đạo tỉnh.

Không ngại “đụng chạm”

Gần đây, TS Trần Du Lịch được lãnh đạo tỉnh mời dự khá nhiều cuộc họp, hội nghị, hội thảo quan trọng, như hội nghị góp ý đề án xây dựng TP trực thuộc Trung ương, quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương... Diễn đàn nào, TS Trần Du Lịch cũng có cái nhìn phản biện và không ngại thể hiện quan điểm của mình. Và, gần như các ý kiến của ông đều nhận được sự tán dương của lãnh đạo tỉnh, các đại biểu và báo chí, truyền thông.

Ký thỏa thuận hợp tác với các đối tác, nhà đầu tư. Ảnh: Võ Nhân

Hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2016 cũng không ngoại lệ, khi ông thẳng thắn nêu quan điểm: Thừa Thiên Huế có quá nhiều tiềm năng, song hình như lãnh đạo tỉnh chưa có sự chuẩn bị chu đáo cho phát triển. Chính cách làm quá cẩn trọng khiến Huế mất nhiều cơ hội đầu tư. Bên cạnh đó, hiện còn nhiều dự án không khả thi, tỉnh cần quyết liệt thu hồi, vì khả năng triển khai thấp hơn ý định “xí phần” đất để cầm cố, vay ngân hàng sử dụng cho mục đích khác.

Và, khi ông nói: “Nếu Thừa Thiên Huế còn chỗ cho những doanh nghiệp làm ăn không chân chính, chắc chắn sẽ hết đất cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính”! Cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay và những cái gật đầu ủng hộ.

Không khí càng “nóng” lên khi TS Trần Du Lịch nêu quan điểm đối với việc thu hút nhà đầu tư chiến lược: “Hình dung đất là tờ giấy trắng, nhà đầu tư là họa sĩ. Nếu không chọn được họa sĩ giỏi, họa sĩ có tài, chắc chắn bức tranh Thừa Thiên Huế chỉ toàn những đường vẽ vô nghĩa, không có giá trị. Do đó, phải kêu gọi được nhà đầu tư chiến lược mới mong phát triển toàn diện”.

Ông ví ngành du lịch của Thừa Thiên Huế Huế mãi chưa tương xứng với tiềm năng là do cách làm chưa khoa học và quan trọng hơn là thiếu “sếu đầu đàn”. Giải pháp được chuyên gia kinh tế nêu là, cần bỏ tư tưởng làm du lịch kiểu điểm, khu mà phải quy hoạch lại và liên kết, kết nối với các tỉnh, thành phố khác để tạo ra vùng du lịch bằng những sản phẩm du lịch đặc sắc, không nơi nào có được. Phải biến vùng đất Cố đô Huế thành trung tâm du lịch của cả nước mới xứng với tiềm năng, thế mạnh mà thiên nhiên ban tặng.

Tinh thần đó, ngay trong phát biểu mở đầu, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nhìn nhận: “Chưa có hội nghị xúc tiến đầu tư nào tôi được nghe những tiếng nói thật, chỉ ra những điều rất thật, tại sao Thừa Thiên Huế sở hữu nhiều tiềm năng, lợi thế, song mức độ phát triển chưa thể sánh ngang với một số tỉnh, TP trong khu vực”.

Ông Thiên nói thêm: “Dù thành tựu phát triển hơn 30 năm qua là điều đáng ghi nhận, nhưng điều đó không có nghĩa là bằng lòng với những gì đang có. Sông Hương êm đềm lững lờ trôi ban ngày, nhưng ban đêm phải làm cho sông Hương, sôi động bằng các dịch vụ. Du lịch mà đêm không có chỗ chơi, tắt đèn đi ngủ sớm thì khó phát triển. Huế cũng cần loại bỏ dần kiểu làm du lịch bình dân, mà phải cần hướng đến những loại hình du lịch đẳng cấp để tương xứng với những giá trị lịch sử, văn hóa vốn có”.

Điều này trong phát biểu với tư cách đồng tổ chức hội nghị, Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà đã chỉ ra lý do tại sao ngành du lịch Thừa Thiên Huế mãi loay hoay tìm cách phát triển, trong khi những địa phương đi sau như Quảng Bình hiện đã đuổi kịp Huế về lượng khách đến và lưu trú. Ngay như Bình Định, dù không có tên trong bản đồ du lịch, nay cũng đang trở thành tỉnh có lượng khách không nhỏ trong khu vực miền Trung. “Nếu không có giải pháp tốt hơn, vài năm nữa, Huế sẽ tụt hậu so với một số tỉnh, TP lân cận”, ông Trần Bắc Hà khuyến cáo.

Thay đổi tư duy, tầm nhìn

Một doanh nghiệp khác khi được mời phát biểu tại hội nghị xúc tiến đầu tư 2016 không ngại chia sẻ, khi chưa đến Huế, ông nghe nhiều đến câu: “Đến Huế, muốn nhanh phải từ từ”. Hội trường khá nhiều tiếng cười sau câu nói này. Đây cũng là thực tế, khi mà một số sở, ban, ngành trên địa bàn vẫn còn tình trạng “dân cần nhưng quan chưa vội”?.

Người khác so sánh, ở một số nước, thủ tục đầu tư chỉ mất vài tiếng đồng hồ. Có địa phương trong nước chậm lắm cũng chỉ vài ngày. Huế dù có nhiều đổi mới, song, vẫn chưa thật sự bắt kịp, khi mà bộ máy cơ quan công quyền chưa hoạt động đều tay. Vẫn còn trường hợp trên tạo điều kiện nhưng dưới gây khó khăn.

Điều này cũng được một số lãnh đạo các bộ, ngành và Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ lưu ý với lãnh đạo tỉnh. Trong đó, nhấn mạnh, việc cải cách thủ tục hành chính là cần thiết, song bộ máy lãnh đạo từ cấp sở đến chuyên viên, nhân viên phải đổi mới. Nếu phát hiện trường hợp cán bộ làm khó dân, doanh nghiệp cần kỷ luật, thay người. Có giải pháp mạnh mới hy vọng thay đổi cái nhìn từ doanh nghiệp.

Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu lãnh đạo tỉnh, các sở ban ngành, địa phương liên quan cần đổi mới tư duy, xem việc của doanh nghiệp là việc của gia đình mình, không kể trong giờ hay ngoài giờ, lúc nào doanh nghiệp cần là hỗ trợ ngay tức khắc và phải giải quyết đến nơi đến chốn, tránh tình trạng hướng dẫn gặp ông này, bà kia, nhưng khi doanh nghiệp đến lại không giải quyết, chỉ đi lòng vòng...

Đón nhận các góp ý đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Cao khẳng định, tinh thần đổi mới đã được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND và lãnh đạo các sở, ban ngành quán triệt. Thay vì quản lý doanh nghiệp bằng hỗ trợ doanh nghiệp. Điều này đã được thể hiện ở một số dự án kêu gọi đầu tư thời gần đây. Sắp tới, tỉnh sẽ quyết liệt hơn, nhất là trong việc tiếp cận các thủ tục. Nếu đầu tư vào Huế, nhà đầu tư sẽ được tổ giúp việc và các cơ quan liên quan làm thay thủ tục. Lãnh đạo tỉnh sẵn sàng lắng nghe tất cả các góp ý, chia sẻ, đối thoại với doanh nghiệp để tìm cách khắc phục tốt nhất những vướng mắc.

Lãnh đạo tỉnh cũng thẳng thắn trong việc nhìn nhận các tồn tại mà đại biểu, lãnh đạo Chính phủ, các bộ ngành nêu và cam kết sẽ chỉ đạo, vận hành bộ máy cơ quan công quyền tốt hơn trong thời gian tới, để tránh điều tiếng về môi trường đầu tư tại Thừa Thiên Huế và để vùng đất Cố đô Huế có thêm nhiều nhà đầu tư chiến lược hơn.

LINH ĐAN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiếp thu tinh hoa để xây dựng văn minh đô thị

Phong trào xây dựng làng văn hóa trên địa bàn tỉnh được triển khai xây dựng với 5 tiêu chuẩn công nhận làng văn hóa: Có đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển; có đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú; có môi trường cảnh quan sạch, đẹp; thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng.

Tiếp thu tinh hoa để xây dựng văn minh đô thị
Bài học về sự cẩn trọng

Là chúng tôi đang đề cập đến “Cảm hứng tự hào miền Trung - Hoa trong đá”-tên gọi của bộ sưu tập nằm trong dự án Biti’s Hunter Street Blooming’ Central.

Bài học về sự cẩn trọng
Hội nghị của tinh thần dân chủ, trách nhiệm, trí tuệ, thẳng thắn

Được nhóm họp tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 5-9/10, Hội nghị Trung ương 13 đã diễn ra thành công tốt đẹp trong không khí hồ hởi, phấn khởi và phấn chấn. Các đồng chí Uỷ viên Trung ương và các đồng chí tham dự Hội nghị đã thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, thảo luận dân chủ, thẳng thắn, đóng góp nhiều ý kiến trí tuệ, xác đáng vào các báo cáo, đề án và những nội dung quan trọng của Hội nghị.

Hội nghị của tinh thần dân chủ, trách nhiệm, trí tuệ, thẳng thắn
Return to top