ClockThứ Tư, 22/05/2013 09:56

Tháng tư sen nở

TTH - Cùng đã khá lâu rồi, cứ mỗi độ Phật đản, giữa dòng Hương Giang lại nổi lên bảy đóa sen hồng khổng lồ. Tôi nghe giải thích rằng, đó là tượng trưng cho bảy bước chân của đức Phật Thích Ca và là ý tưởng của quý tăng ni trẻ mà đứng đầu là thầy Thích Không Nhiên. Con sông Hương thơ mộng và trong xanh càng trở nên huyền diệu và mê hoặc bởi những đóa sen hồng giàu ý nghĩa kia do con người sáng tạo chào mừng kỷ niệm ngày sinh của đức Phật.

Sen nở trên hồ Tịnh Tâm. Ảnh: Minh Phương

Sen là biểu tượng của Phật. Mùa sen nở cũng là mùa Phật đản. Những bông sen được trân trọng cắm lên những bàn thờ Phật ở các chùa Huế và ở mỗi nhà. Hình bóng hoa sen cũng tìm gặp trong những đèn lồng được trang trí. Và sen cũng là Huế. Tháng tư Âm lịch, không lâu nữa là đến Rằm Phật đản, tôi có dịp đi về các vùng quê ở Hương Trà và Quảng Điền. Trên những cánh đồng chỉ còn trơ ra gốc rạ, bỗng bắt gặp những hồ sen nhỏ. Ngày hè chói chang, màu xanh của lá, màu hồng trắng của những đóa sen mới nở đem lại một cảm giác thật mát mẻ và dịu êm.

Không giống như ở xứ Đồng Tháp Mười vào tận bưng biền sâu tít, sen Huế đài cát, xênh xang ngay chốn đô hội. Kinh thành Huế có nhiều hồ và đó cũng là nơi ngự trì của các loài sen. Nổi tiếng nhất là hồ Tịnh Tâm. Xưa khi nhà Nguyễn còn thịnh trị, hồ Tịnh Tâm là nơi dành riêng cho Vua cùng các vương gia ngắm cảnh. Chuyện rằng, các quan lại đã dày công săn lùng và đã thả trồng ở Tịnh Tâm một giống sen trắng đặc biệt có hương thơm ngạt ngào và hương vị tuyệt ngon.

Qua hồ Tịnh Tâm bây giờ chỉ còn thấy nhiều bèo và dày đặc rau muống. Sen hồ Tịnh Tâm chỉ là hoài niệm đẹp. Vậy nhưng, sen Huế thì vẫn còn đó, cao sang và tiện ích trong muôn mặt của cuộc sống đời thường. Trộm nghĩ, sen là số một trong muôn loài hoa quý. Không có thứ gì ở sen bị loại bỏ. Lá sen gắn với đặc sản cơm gói lá sen. Củ sen là vị thuốc cho ai bị nhiệt, nóng gan. Đặc biệt hạt sen thì khỏi phải nhiều lời. Như tháng tư nóng bức này, buổi tối cứ muốn chạy ù về quê để thưởng thức món chè hạt sen ngọt thanh mẹ nấu cúng Rằm. Và còn nữa, trên cả là hoa sen mang vẻ đẹp thanh cao khó tả.

Cũng đã nhiều năm rồi, hình như cùng lúc khi sen hồng “nở rộ” dưới dòng Hương, ở một làng quê nơi miệt ngã ba Sình, họa sĩ Thân Văn Huy từ tình yêu và sự cảm nhận sâu sắc vẻ đẹp của hoa sen đã nảy ra ý tưởng làm hoa giấy từ chính chất liệu của hoa giấy Thanh Tiên. Bằng sự tinh tế của tâm hồn và đôi tay tài hoa, họa sĩ Thân Văn Huy đã sáng tạo ra những đóa sen giấy với sự tinh tế và thẩm mỹ cao. Và rồi, cũng đã nhiều năm, cứ mỗi độ xuân sang, tôi lại tìm về Thanh Tiên ghé thăm ông họa sĩ và những đóa sen hồng độc đáo kia. Hôm mới đây, bất chợt thấy vui và thân quen lạ khi bắt gặp gian hàng hoa sen giấy rộn ràng kẻ vào người ra của Thân Văn Huy ở Festival Nghề truyền thống Huế.

Lại nhớ về một người thầy của ngày xưa tuổi hoa niên. Nhà ở ven dòng sông Ngự Hà, ông thầy giáo của tôi có niềm đam mê đặc biệt về thưởng ngoạn hoa. Bao giờ trong nhà thầy cũng có bình hoa tươi. Dịp Rằm tháng tư về, ông chọn hoa sen. Ông đã già rồi, vợ lại không may mất sớm. Cả ngày có khi không gặp mặt con cái, chỉ một mình ông với ngôi nhà rộng thênh. Ông bảo, những lúc buồn và thấy lòng mình trống vắng thì ngắm nhìn hoa đẹp cũng là cách thư giãn của tuổi già. Ông thích hoa sen bởi vẻ đẹp, mùi hương và cả những ý nghĩa cao quý mà loại hoa này gởi gắm cho đời...

Quy luật muôn đời, sen chỉ nở vào mùa hè rồi tàn rụi vào cuối thu. Thì đây đã là thời khắc vào hạ. Lòng mình bỗng xao xuyến là khi bắt gặp cạnh bên cánh sen đồng nội của một thuở hồng hoang là những đóa sen hồng do con người tạo nên rực sáng trên dòng Hương Giang trong dịp Huế tưng bừng và lung linh sắc màu đón chào Phật đản.

Đình Nam
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top