ClockThứ Năm, 18/03/2021 14:00

Thành công nhờ sự nỗ lực

TTH - “Từ suy nghĩ, hành động và kết quả đạt được, chị Trương Thị Vện, hội viên Chi hội Phụ nữ tổ 12, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Thủy Dương là một trong những điển hình của phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc của Hội LHPN thị xã”, chị Nguyễn Thị Mỹ Nhung, Chủ tịch Hội LHPN thị xã Hương Thủy đánh giá.

Xuất thân trong gia đình thuần nông, chị Trương Thị Vện kết hôn và cùng chồng xây dựng gia đình riêng với gia tài vỏn vẹn vài sào đất ruộng. “Tằn tiện lắm cũng chỉ đủ ăn. Việc mua sắm tiện nghi cho gia đình và sửa soạn cho bản thân chỉ là ước mơ xa vời với tôi lúc đó. Có sức khỏe mà cam chịu cuộc sống giật gấu vá vai vậy không đành. Trăn trở đó khiến tôi luôn tìm cách vươn lên”, chị Vện nhớ lại.

Bàn bạc, tìm hiểu kỹ, vợ chồng chị Vện quyết định vay mượn đầu tư trang trại nuôi chim cút. Lúc đó các mô hình nuôi chim cút còn ít, thị trường tiêu thụ dễ dàng. Ban đầu chị Vện bàn với chồng đầu tư 500 con chim cút giống về nuôi. Dù nghiên cứu, tìm hiểu nhiều kiến thức sách vở và trên mạng internet, song do chưa có kinh phí đầu tư thiết bị nuôi hiện đại, thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên con giống chậm phát triển, tỷ lệ đẻ trứng thấp, chưa kể nhiều con bị chết. “Nhờ chuẩn bị tâm lý đối mặt với những rủi ro ban đầu ngay từ khi quyết định xây dựng mô hình, nên vợ chồng tôi không bị sốc”, chị Vện tâm sự.

Chị rà soát lại quá trình nuôi, tìm đến những mô hình khác để học hỏi thêm kinh nghiệm, đồng thời tích cực tham gia các lớp tập huấn trang bị kỹ thuật chăn nuôi do Hội LHPN các cấp phối hợp tổ chức. Chị Vện chia sẻ: “Đợt nào cũng vậy, kết thúc lớp tập huấn, tôi đều chủ động xin số điện thoại của các cán bộ thú y, gặp vướng mắc gì trong chăn nuôi, tôi lập tức điện để nhờ được tư vấn, hướng dẫn và hỗ trợ”.

Từ kiến thức, kinh nghiệm có được cộng với sự chăm chỉ và quyết tâm vượt khó, mô hình đầu tư chăn nuôi chim cút của chị Vện bắt đầu thành hình, thành dạng. Từ thất bại ban đầu, chị Vện nhận ra hạn chế của việc đầu tư chăn nuôi vào một loại gia cầm đơn lẻ, nếu bị thất bại sẽ không có nguồn thu khác bù đắp. Đó là lý do chị dùng toàn bộ số lãi ban đầu từ chăn nuôi chim cút để đầu tư thêm gà, vịt. Hiện nay, mô hình chăn nuôi tổng hợp của chị Vện luôn duy trì từ 3.000 con chim cút thịt và cút giống cùng hàng trăm con heo, gà, vịt.

Chủ động được trong phát triển mô hình chăn nuôi tổng hợp, chị Vện lại nghiên cứu tìm hiểu thị trường, mạnh dạn đầu tư thêm hệ thống máy ấp trứng gà, vịt hiện đại và trồng nấm các loại. Mấy năm gần đây, chị mở rộng thêm lĩnh vực kinh doanh thức ăn gia súc, gia cầm. Trung bình hàng tháng, trừ các khoản chi phí, vợ chồng chị Vện thu lãi hàng chục triệu đồng. Không chỉ chạm đến ước mơ xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm tiện nghi đầy đủ, chị Vện còn có điều kiện nuôi con ăn học đến nơi đến chốn.

Làm giàu thành công, chị Vện sẵn sàng chia sẻ “bí quyết” cho chị em phụ nữ. Không chỉ hướng dẫn cách chăm sóc gia súc, gia cầm theo kinh nghiệm bản thân có được, chị còn hỗ trợ con giống, thức ăn chăn nuôi ban đầu cho những phụ nữ khó khăn.

“Tôi nghĩ có nhiều cách để phát triển kinh tế, nên mỗi chị nên tìm cho mình một hướng đi phù hợp với năng lực, thế mạnh và điều kiện của mình. Điều tôi muốn truyền lửa cho chị em phụ nữ nhất đó là luôn nỗ lực vươn lên, không cam chịu cuộc sống khó khăn. Nếu có khát vọng sẽ có động lực, sức mạnh để vượt qua khó khăn và thử thách”, chị Vện bộc bạch.

Bài, ảnh: Tuấn Khoa

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Tiếp sức” cho phụ nữ, trẻ em nghèo

Bằng những hoạt động, mô hình cụ thể như hỗ trợ kinh phí học tập, hỗ trợ nhu yếu phẩm hàng tháng, hỗ trợ phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế... Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Đông Ba đã đồng hành, “tiếp sức” cho trẻ em, phụ nữ nghèo, đơn thân trên địa bàn phường để họ có thêm động lực, cố gắng, nỗ lực hơn trong cuộc sống.

“Tiếp sức” cho phụ nữ, trẻ em nghèo
Nỗ lực số hóa hồ sơ nghiệp vụ

Đến Đội HSNV Cảnh sát thuộc Phòng HSNV Công an tỉnh vào một ngày cuối tuần; cùng với cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị, Đại úy Dương Thị Mỹ Hạnh vẫn đang miệt mài, cẩn trọng tổng hợp, sắp xếp, phân loại các hồ sơ cần số hóa, ghép lại từng mảnh tài liệu cũ đang có hiện tượng rách, mục nát.

Nỗ lực số hóa hồ sơ nghiệp vụ
Áo dài Huế, một nét rất riêng

“Áo dài trở thành một nét văn hóa của phụ nữ Việt Nam nói chung. Với phụ nữ Huế nói riêng, áo dài là niềm tự hào, bởi áo dài Huế đã là một thương hiệu được “đóng đinh” trong lòng mọi người. Để áo dài được thăng hoa, tôn vinh thì sự lan tỏa, quảng bá của chị em, của hội viên phụ nữ trên toàn tỉnh là điều hết sức cần thiết. Hình ảnh người phụ nữ Huế trong chiếc áo dài truyền thống chính là một nét đẹp, một nét văn hóa rất riêng của Huế”, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ chia sẻ tại buổi gặp mặt phụ nữ Thừa Thiên Huế nhân dịp kỷ niệm 114 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3.

Áo dài Huế, một nét rất riêng
Những “đôi vai mềm” ở chợ đầu mối

Ở chợ Phú Hậu - chợ đầu mối lớn nhất Thừa Thiên Huế, không khí bán buôn bắt đầu tấp nập từ lúc 2 giờ sáng, khi ngày mới vừa chớm qua. Tiếp sau những chuyến xe hàng chở nông sản từ các miền Nam, Bắc ghé chợ là công việc bốc dỡ và vận chuyển hàng giúp các tiểu thương của các chị cửu vạn. Công việc vất vả, nhưng tiền công mỗi chuyến chở hàng nông sản của các chị cũng chỉ được vài ngàn đồng. Có phần nhẹ nhàng hơn nhưng cũng bám chợ vất vả không kém là chị em tiểu thương có sạp hàng ổn định hay các chị “chạy hàng” nhỏ lẻ. Dẫu vậy, khi nói về “ngày của mình”, các chị cũng chỉ đơn giản: Mong gia đình bình an và bản thân đủ sức khỏe để theo chợ, bám việc mỗi ngày.

Những “đôi vai mềm” ở chợ đầu mối
Return to top