ClockThứ Tư, 01/06/2016 14:24

Thanh niên góp vốn làm hợp tác xã

TTH - Là mô hình hợp tác xã đầu tiên đi vào hoạt động do chính thanh niên góp vốn thành lập và đứng ra quản lý, Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ tổng hợp Hương Phong ở xã Hương Phong (A Lưới) đã và đang để lại nhiều dấu ấn trong việc phát triển kinh tế tại địa phương.

Ít nhất 5 triệu đồng/người

Lên xã Hương Phong, chúng tôi được người dân nơi đây kể về mô hình kinh tế tập thể của thanh niên ở địa phương. Từ ngày HTX Dịch vụ tổng hợp Hương Phong thành lập và đi vào hoạt động, việc quản lý bảo vệ nguồn tài nguyên rừng tốt hơn, người dân có việc làm với nguồn thu nhập ổn định.

Anh Phạm Thành Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX, cho hay: “HTX ra đời vào tháng 12/2014, dưới sự hỗ trợ của Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) và Liên minh HTX tỉnh. Nguồn vốn hoạt động của HTX chủ yếu do các thành viên trong HTX đóng góp. Mỗi thành viên tham gia HTX đều đóng góp cổ phần, ít nhất là 5 triệu đồng/người”.

Hỏi lý do thành lập HTX, anh Trung giãi bày: Hương Phong có điều kiện tự nhiên và tiềm năng rất thuận lợi cho việc phát kinh tế rừng và chăn nuôi. Tuy nhiên, các sản phẩm từ rừng như mây, keo và sản phẩm chăn nuôi của người dân làm ra chưa được đảm bảo, thường bị tư thương ép giá nên nhiều hộ chưa yên tâm sản xuất. Mặt khác, tình trạng khai thác mây và các sản phẩm khác từ rừng không bền vững, thiếu định hướng, kiểm soát và quản lý dẫn đến chất lượng sản phẩm không tốt, thu nhập thấp và có nguy cơ cạn kiệt tài nguyên rừng. HTX ra đời, vừa tạo ra việc làm cho thanh niên, vừa giúp người dân giải quyết đầu ra của sản phẩm không bị tư thương ép giá.

Tham gia HTX từ ngày đầu thành lập, anh Trần Văn Dương chia sẻ: “Thấy các anh em trong xã nói về tiềm năng và lợi ích của HTX đối với việc phát triển kinh tế cho thanh niên nên mình đăng ký tham gia làm thành viên. Từ ngày tham gia vào HTX, kinh tế gia đình ngày càng đi lên, có nguồn thu nhập ổn định từ việc trồng và bảo vệ rừng mây cho HTX.

Trong năm 2015, HTX Dịch vụ tổng hợp Hương Phong được Dự án BBC trả 107 triệu đồng từ việc trồng rừng sinh kế cho dự án. Hiện nay, HTX đã đầu tư 400 triệu đồng làm vườn ươm cây rừng bản địa, trồng được 20 héc ta mây dưới tán rừng, tạo việc làm cho xã viên và 5 người dân địa phương với thu nhập mỗi tháng từ 3 – 4 triệu đồng/người. Nhiệm kỳ 2014 -2019, HTX xác định tạo việc làm cho người dân trong vùng từ 10 – 20 lao động/năm, tăng thu nhập cho xã viên từ 8 – 12%, mỗi năm thu hút từ 5 – 10 thành viên mới tham gia  HTX.

Để hoạt động HTX minh bạch, ban quản trị xây dựng điều lệ HTX, phương án sản xuất kinh doanh, trong đó chú ý đến việc quản lý rừng bền vững. Các thành viên cũng nâng cao nhận thức về định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh theo thị trường, tạo bước đi chắc chắn và bền vững cho HTX. Hiện nay, HTX có 24 thanh niên đăng ký tham gia, trong đó có 17 người đóng góp cổ phần. Anh Trung cho hay.

Bà đỡ thúc đẩy kinh tế

Với phương châm HTX là cầu nối giữa các thành viên và người dân địa phương, HTX tổ chức thu mua lâm sản của người dân để phát triển kinh tế rừng.

Được sự hỗ trợ của tổ chức phi chính phủ WWF và Liên minh HTX tỉnh, HTX Dịch vụ tổng hợp Hương Phong đã tiến hành thu mua mây nguyên liệu từ các nhóm khai thác để bán lại cho Công ty sơ chế Mây Ngọc Minh. HTX xây dựng vườn ươm cây giống trên diện tích 5.000 m2 tại Làng Thanh niên lập nghiệp. Từ vườn ươm này, HTX đã cung cấp mây giống cho cộng đồng địa phương và các chương trình làm giàu dưới tán rừng tự nhiên ở các địa phương khác.

Anh Phạm Thành Trung cho hay, trong năm 2015, HTX đã ký kết hợp đồng chỉ đạo trồng rừng sinh kế và cung cấp cây giống cho các chương trình dự án như: Chương trình 135, chính sách hỗ trợ trực tiếp hộ nghèo, dự án BCC, Carbi. HTX cũng tiến hành thu mua keo, mây từ người dân địa phương. Nhiều người dân địa phương cũng có thu nhập bình quân từ 3 – 4 triệu đồng từ việc trồng keo, ươm mây giống cho HTX.

Ông Hoàng Văn Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Hương Phong cho biết: Mặc dù HTX Dịch vụ tổng hợp Hương Phong mới được thành lập nhưng đã giúp người dân tăng thu nhập và quản lý bền vững tài nguyên rừng ở địa phương khi tiến hành thu mua mây, keo của người dân tại chỗ. Đây là một mô hình kinh tế tập thể  điển hình của địa phương đi đầu trong việc phát triển và duy trì rừng mây tự nhiên, tạo sinh kế bền vững cho người dân tại địa phương.

Võ Thạnh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dấn thân vào những việc mới, việc khó

Trong khuôn khổ Tháng Thanh niên năm 2024, tuổi trẻ Thừa Thiên Huế đã tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua tình nguyện, tham gia đảm nhận nhiều công trình, phần việc thanh niên, góp sức trẻ cùng hệ thống chính trị thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Dấn thân vào những việc mới, việc khó
Tuyên dương 28 đảng viên trẻ tiêu biểu

Chiều 26/3, Tỉnh đoàn tổ chức chương trình thông tin chuyên đề về định hướng xây dựng và phát triển Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và tuyên dương đảng viên trẻ tiêu biểu năm 2024. Tham dự có ông Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Nguyễn Chí Tài, UVTV, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cùng đại diện các ban ngành, đoàn thể liên quan.

Tuyên dương 28 đảng viên trẻ tiêu biểu
Xung kích trên mặt trận kinh tế

Phát huy vai trò xung kích, các cấp bộ Đoàn ở Hương Trà đã có nhiều hoạt động tích cực tham gia xây dựng thị xã, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển. Nổi bật trong đó là phong trào phát triển các mô hình kinh tế do thanh niên làm chủ...

Xung kích trên mặt trận kinh tế
Return to top