ClockThứ Tư, 27/11/2019 14:26

Thanh niên xung kích phát triển kinh tế

TTH - Nhiều thanh niên ở thị xã Hương Trà xung kích phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp, tạo phong trào sâu rộng trong giới trẻ.

Người trẻ xung kíchDấu ấn tuổi trẻ

 Đoàn viên thanh niên Hà Văn Phi (xã Bình Thành) phát triển kinh tế bằng cách đầu tư vườn ươm keo giống

Nhiều mô hình thu trên 100 triệu đồng

Đều đặn hàng ngày, anh Trần Viết Hiền (thôn Quang Lộc, xã Hương Bình, TX. Hương Trà) với dụng cụ, giày ủng lên rừng cạo mủ cao su đang vào độ khai thác.

Hương Bình là vùng bán sơn địa, có lợi thế trong việc trồng rừng và cao su. Nắm bắt lợi thế đó, một tay Hiền gây dựng, chăm sóc hơn 2ha cao su. Sau nhiều năm “ươm mầm”, dù giá mủ cao su biến động nhưng với số diện tích đó đã mang lại cho Hiền lợi nhuận hơn 150 triệu đồng/năm.

“Sinh ra và lớn lên ở vùng gò đồi nên tôi hiểu vùng đất này khó khăn như thế nào, nhưng cũng có lợi thế để phát triển kinh tế nếu đầu tư đúng hướng. Quyết định trồng cao su, tôi phải tìm hiểu, học hỏi những người đi trước để nắm vững kỹ thuật trồng. Bây giờ hơn 2ha cao su đã “hái” được quả ngọt”, anh Hiền bày tỏ.

Ở Hương Bình, thanh niên phát triển kinh tế theo hướng trồng rừng, cao su như Hiền không ít. Bí thư Xã đoàn Hương Bình Cao Thọ Tuyến tỏ vẻ tự hào: “Các mô hình phát triển kinh tế trong thanh niên ở Hương Bình bây giờ khá nhiều. Nếu nói về thu nhập trên 100 triệu đồng/năm thì có hơn 10 thanh niên”.

Không chỉ khu vực bán sơn địa như Hương Bình, Hồng Tiến, tuổi trẻ ở miền xuôi Hương Trà cũng mạnh dạn đầu tư, triển khai nhiều mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao.

Anh Nguyễn Tấn Mạnh (tổ dân phố 1, phường Tứ Hạ, TX. Hương Trà) những ngày này đang bận rộn với việc trồng hoa cúc để phục vụ thị trường tết. Hoa cúc chỉ là thu nhập mùa vụ trong những mô hình phát triển kinh tế của Mạnh. Thông thường, Mạnh chủ động đầu tư nguồn vốn mua 20-30 con bò/tháng để vỗ béo, xuất ra thị trường.

Hiện nay, phát triển kinh tế nông nghiệp với người trẻ không dễ, đặc biệt là chăn nuôi. Do vậy, để thực hiện mô hình, Mạnh phải đi khắp nơi để học hỏi quy trình chăn nuôi, phương thức kiểm soát dịch bệnh lẫn tìm hiểu nhu cầu của thị trường. Với mô hình phát triển kinh tế của mình, mỗi năm Mạnh có thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Theo Nguyễn Tấn Mạnh, khó khăn trong việc phát triển kinh tế đối với người trẻ là yếu tố kinh nghiệm, đôi khi tính cách bộc trực cũng khiến họ dễ thất bại. Và để thành công với mô hình, Mạnh phải dành thời gian đúc rút kinh nghiệm, tạo ra hướng đi riêng.

Thống kê của Thị đoàn Hương Trà, hiện trên địa bàn thị xã đã xuất hiện hơn 15 mô hình kinh tế của thanh niên mang lại lợi nhuận từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Trong đó, nhiều mô hình tạo ra điểm nhấn cho từng vùng đất như, sản xuất bún Vân Cù (Hương Toàn), trồng rừng ở Hồng Tiến và Hương Bình, vườn ươm keo giống ở Bình Thành…

Phát triển kinh tế là tiêu chí cứng

Bên cạnh các phong trào như, thanh niên tình nguyện, tuổi trẻ sáng tạo, tuổi trẻ xung kích bảo vệ Tổ quốc…, phong trào phát triển kinh tế được Thị đoàn Hương Trà xem là nhiệm vụ trọng tâm. Hằng năm, Thị đoàn đều mời chuyên gia, giảng viên từ các sở, ban ngành, người khởi nghiệp tiêu biểu để trao đổi ý tưởng, cách làm hay với đoàn viên, thanh niên. Ngoài ra, còn mở các lớp tập huấn khởi nghiệp, lập nghiệp.

Trong quá trình phát triển kinh tế, đoàn viên, thanh niên luôn gặp khó khăn về nguồn vốn. Nhận thấy điều đó, Thị đoàn Hương Trà đã kết nối, tiếp nhận các nguồn vốn để tạo điều kiện cho đoàn viên, thanh niên vay vốn. “Hiện tại, thị đoàn có 13 tổ tiết kiệm vay vốn, dư nợ khoảng 11 tỷ đồng, các tổ tiết kiệm hoạt động rất tốt. Khi có vốn, các thanh niên mạnh dạn đầu tư thêm máy móc, mua thêm con giống, cây trồng để phát triển”, Phó Bí thư Thị đoàn Phạm Thị Ngọc Huế chia sẻ.

Theo Thị đoàn Hương Trà, phát triển kinh tế được xem là tiêu chí cứng trong mục tiêu hoạt động. Mỗi nhiệm kỳ, thị đoàn sẽ hỗ trợ từ 1-2 dự án khởi nghiệp trong thanh niên. Phát triển kinh tế ở trong thanh niên không chỉ dừng lại ở các mô hình, mà công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cũng được thị đoàn phối hợp với UBND thị xã triển khai, nhất là chú trọng công tác xuất khẩu lao động trong lực lượng đoàn viên, thanh niên.

“Từ đầu năm, Ban Thường vụ Thị đoàn Hương Trà đã phối hợp với Công ty TNHH Đầu tư và hợp tác quốc tế Daystar tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác tuyển sinh xuất khẩu lao động và du học Nhật Bản, Hàn Quốc; tổ chức hội thảo tư vấn xuất khẩu lao động cho hơn 500 đoàn viên, thanh niên; các tổ chức cơ sở đoàn phối hợp tổ chức 10 buổi tư vấn du học, xuất khẩu lao động cho hơn 680 lượt đoàn viên, thanh niên. Thanh niên sau khi đi xuất khẩu lao động có vốn đã mạnh dạn mở các mô hình phát triển kinh tế mới có hiệu quả”, chị Huế thông tin.

L.Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế

Phục vụ cho việc đánh giá, so sánh tiềm năng của xe máy điện trong lĩnh vực giao vận, UNDP (Chương trình phát triển Liên hợp quốc) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện dự án thử nghiệm xe máy điện giao hàng tại TP. Huế.

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế
Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí

Nguồn thu của các tòa soạn báo (kinh tế báo chí) hiện đang sụt giảm nghiêm trọng nên đã đến lúc cần thay đổi nội dung, hình thức truyền tải đến độc giả. Việc thay đổi phải linh hoạt theo từng tòa soạn nhằm mục đích kéo nhiều độc giả đến với mình, vì chỉ khi có độc giả thì sẽ có nguồn thu trở lại.

Đa dạng nội dung, hình thức truyền tải để phát triển kinh tế báo chí
Return to top