ClockThứ Tư, 07/12/2022 06:32

Thành phố trực thuộc Trung ương: Nhiều ý kiến đồng tình với mô hình 3 quận, 2 thị xã, 4 huyện

TTH - Phương án mô hình thành lập thành phố trực thuộc Trung ương được nhiều người quan tâm. Mới đây, tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10, hầu hết các ý kiến thống nhất cao với Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, đề xuất tên gọi Thành phố Huế và chọn phương án 3 quận, 2 thị xã, 4 huyện.

Tạo bước đột phá, sớm hoàn thành mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương

Mô hình thành lập cũng cần xem xét các yếu tố lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, đặc điểm tự nhiên. Ảnh: H. Hải

Các phương án cho mô hình thành phố

Mô hình thành lập thành phố trực thuộc Trung ương dựa trên nguyên tắc thành lập các đơn vị hành chính (ĐVHC) đó là tôn trọng hiện trạng, đồng thời xem xét các yếu tố lịch sử, văn hóa, phong tục, tập quán, đặc điểm tự nhiên và điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương. Không phát sinh tăng ĐVHC cấp huyện, cấp xã và hạn chế sự xáo trộn giữa các ĐVHC. Việc thành lập các ĐVHC; tiêu chí phân loại đô thị và các tiêu chuẩn về trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị khu vực thành lập quận, phường. Mở rộng hợp lý phạm vi của các quận, phường nhằm hướng đến mục tiêu phát triển vùng lõi nội thị của thành phố trực thuộc Trung ương, góp phần phát triển kinh tế - xã hội một cách đồng bộ, bền vững.

Theo Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phương án mô hình thành lập thành phố trực thuộc Trung ương trình tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI có 2 phương án.

Trong đó, phương án 1 gồm 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện. Với phương án này, TP. Huế sau khi sắp xếp, thành lập có 32 phường chia thành 2 quận: Quận phía Bắc gồm 13 phường, quận phía Nam gồm 19 phường. Thành lập thị xã Phong Điền trên cơ sở địa giới hành chính của huyện Phong Điền. Thành lập quận Hương Thủy gồm 7 phường. Nhập huyện Nam Đông và huyện Phú Lộc thành 1 huyện mới. Thị xã Hương Trà sẽ có 10 ĐVHC cấp xã do chuyển xã Dương Hòa từ TX. Hương Thủy. Giữ nguyên hiện trạng 3 ĐVHC cấp huyện là Quảng Điền, A Lưới và Phú Vang.

Với phương án này, số ĐVHC cấp huyện không tăng, giảm 10 ĐVHC cấp xã.

Tại Tờ trình của Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, phương án 1 được đánh giá phân loại đô thị loại I đạt khoảng 80,05 điểm. Đánh giá tiêu chuẩn trình độ phát triển cơ sở hạ tầng đô thị đối với khu vực dự kiến thành lập quận phía Nam đạt 21/25 tiêu chí, quận phía Bắc đạt 19/25 tiêu chí, quận Hương Thủy đạt 16/25 tiêu chí.

Phương án 2 gồm 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện. Mô hình này tương tự phương án 1, chỉ giữ nguyên hiện trạng TX. Hương Thủy và TX. Hương Trà. Đánh giá phân loại đô thị đạt 83 điểm.

Về phương án lựa chọn tên gọi, phương án 1 là Thành phố Huế, phương án 2 là Thành phố Thừa Thiên Huế. Ngoài ra, còn dự kiến phương án tên gọi của các ĐVHC cấp huyện, cấp xã.

Đảm bảo được mục tiêu trong sự hài hòa, hợp lý

Góp ý vào các phương án, tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 10, hầu hết các ý kiến đều có sự thống nhất cao với Tờ trình của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và đề xuất tên gọi Thành phố Huế và chọn phương án 1.

Lãnh đạo huyện A Lưới đồng tình cao với phương án 1 và cho rằng, khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương cần tính đô thị cao, có nhiều đô thị vệ tinh, và phương án này đáp ứng được các tiêu chí đó.

Một số ý kiến khác lưu ý trong quá trình hoàn thiện đề án cần nghiên cứu, tính toán lại việc tách một số địa phương như xã Dương Hòa thuộc TX. Hương Thủy về TX. Hương Trà, vì giao thông kết nối từ xã đến TX. Hương Trà còn khó khăn; cân nhắc việc sáp nhập xã Thủy Tân và phường Thủy Lương (TX. Hương Thủy), vì Thủy Tân có thể lên phường nếu được quan tâm đầu tư. Đồng thời, cần chú trọng bảo đảm tổ chức, thế trận an ninh - quốc phòng sau khi sắp xếp các ĐVHC để bảo đảm sự ổn định, phát triển...

Ở buổi thảo luận tổ, ông Nguyễn Đại Viên, Giám đốc Sở Xây dựng cũng có ý kiến làm rõ thêm nguyên tắc về ĐVHC, đó là mỗi mô hình cần tối thiểu 2 quận và đảm bảo không tăng thêm ĐVHC cấp huyện.

“Trong quá trình tham mưu, chúng tôi đã rà soát từng chỉ tiêu trong mỗi phương án. Muốn toàn tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, trước hết phải được phân loại trở thành đô thị loại I. Trong 52 chỉ tiêu tối thiểu phải đạt 75/100 điểm. Ngoài ra, làm thế nào nâng cao chất lượng hạ tầng đô thị, như giao thông đô thị, cấp nước, thoát nước là bài toán quan trọng trong thời gian đến”, ông Viên nhấn mạnh.

Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy, việc điều chỉnh, sắp xếp địa giới hành chính phải trải qua nhiều bước, thủ tục, trình tự khác nhau, trong đó, phải bảo đảm được mục tiêu đưa tỉnh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương và sự hài hòa, hợp lý. Thời gian tới, Ban Thường vụ sẽ chỉ đạo Ban cán sự đảng UBND tỉnh nghiên cứu, rà soát trong việc xây dựng, hoàn thiện Đề án, xin ý kiến các bộ, ban, ngành Trung ương thẩm định.

Lê Thọ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Phong Điền nhất trí chủ trương thành lập thành phố trực thuộc Trung ương

Chiều 12/3, HĐND huyện Phong Điền tổ chức kỳ họp chuyên đề lần thứ 9 khóa VII, nhiệm kỳ (2021 - 2026) để xem xét, cho ý kiến về chủ trương thành lập thành phố trực thuộc Trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phong Điền nhất trí chủ trương thành lập thành phố trực thuộc Trung ương
Hạ tầng đồng bộ cho thành phố trực thuộc Trung ương

Thời gian qua, toàn tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án (DA) hạ tầng đô thị, hạ tầng giao thông nhằm quy hoạch tốt không gian đô thị và đầu tư kết cấu hạ tầng đạt chuẩn thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Hạ tầng đồng bộ cho thành phố trực thuộc Trung ương
Thái Lan có thêm 3 thành phố gia nhập Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu

Tờ Thailand Business News ngày 24/2 trích dẫn thông báo từ Tổng cục Du lịch Thái Lan (TAT) cho hay, Bangkok, Khon Kaen và Yala vừa trở thành thành viên của Mạng lưới Thành phố Học tập Toàn cầu (GNLC) của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO), ghi nhận nỗ lực của các thành phố này trong việc thúc đẩy học tập suốt đời.

Thái Lan có thêm 3 thành phố gia nhập Mạng lưới thành phố học tập toàn cầu
Return to top