ClockThứ Hai, 31/08/2015 07:12

Thành quả sau một chặng đường…

TTH - Suốt chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển, Tòa án Nhân dân (TAND) hai cấp tỉnh Thừa Thiên Huế không ngừng nỗ lực vượt khó khăn, đạt được những thành quả to lớn, đảm bảo công tác xét xử đúng pháp luật, bảo vệ công lý…

Các cán bộ đạt thành tích xuất sắc được trao bằng khen

Xây dựng và phát triển

Ngày 13/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 33 thiết lập các Tòa án quân sự, đánh dấu sự ra đời của ngành Tòa án Việt Nam (nay là hệ thống). Trải qua các thời kỳ cách mạng, ngành TAND không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử.
Cùng với hệ thống TAND cả nước, TAND hai cấp tỉnh Thừa Thiên Huế ra đời sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ban hành sắc lệnh số 13 ngày 21/4/1946 với tên gọi là Tòa án Quân sự Thuận Hóa. Trải qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và thời kỳ xây dựng đất nước, có nhiều thời điểm hợp, tách tỉnh, TAND 2 cấp tỉnh sau ngày tái lập (01/7/1989) đến nay đã “ghi dấu” những bước phát triển và trưởng thành. Khi mới thành lập, TAND tỉnh biên chế gồm 27 cán bộ, công chức, trong đó có 4 thẩm phán. Ban lãnh đạo chỉ có một đồng chí chánh án không có phó chánh án. TAND cấp huyện cũng trong tình trạng thiếu lãnh đạo và thẩm phán. Cơ sở vật chất, trang thiết bị thiếu thốn. Đội ngũ thẩm phán, thư ký chưa được đào tạo bài bản. “Những ngày còn hoạt động ở vùng tạm chiếm rất khó khăn, gian khổ, dù phải luồn lách qua hệ thống đồn bốt dày đặc của địch, nhưng các cán bộ Toà án vẫn dũng cảm vượt qua để mở những phiên toà điển hình ngay trong vùng căn cứ du kích. Chúng tôi luôn ý thức phải kế thừa truyền thống hào hùng của thế hệ đi trước, nỗ lực hết mình để phát triển, hoàn thành tốt nhiệm vụ” - bà Đào Thị Mai Hường, Phó Chánh án phụ trách TAND tỉnh chia sẻ.
Mỗi cán bộ người lao động TAND hai cấp tỉnh Thừa Thiên Huế đều nghiêm túc nghiên cứu, học hỏi nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, xây dựng tập thể vững mạnh. Nhất là từ khi thực hiện đường lối đổi mới, hệ thống Tòa án đã quán triệt, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, từng bước đổi mới tổ chức hoạt động, trải qua nhiều giai đoạn cải cách, tăng cường củng cố kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật để tập trung nâng cao chất luợng xét xử và các mặt công tác khác, góp phần vào việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.
Đến nay, TAND hai cấp trong tỉnh đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, hệ thống TAND được thành lập đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp huyện với 166 cán bộ, công chức và người lao động. Trong đó có 49 thẩm phán, 61 thư ký, 13 chuyên viên, thẩm tra viên và 43 cán bộ khác. Hầu hết cán bộ, công chức đều đã được chuẩn hóa về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, tin học và ngoại ngữ. Những năm gần đây, TAND tỉnh ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin (CNTT) vào các lĩnh vực hoạt động chuyên môn và quản lý, điều hành; trang bị đầy đủ các thiết bị CNTT hiện đại như mạng LAN, mạng DAR (ghi âm phiên tòa), scan bản án, xây dựng trang thông tin điện tử…; tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo kỹ năng và nâng cao trình độ khai thác, sử dụng các phương tiện CNTT vào công tác quản lý và hoạt động của Tòa án. Dưới sự hỗ trợ của TAND tối cao và Dự án Judge (Canada) TAND tỉnh đã nỗ lực, tiến hành các hoạt động cải cách hành chính - tư pháp trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam.
Những thành quả
Dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào TAND Thừa Thiên Huế đều thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chính quyền Nhân dân, trấn áp kịp thời các phần tử phản cách mạng, việt gian, gián điệp, trừng trị nghiêm khắc đối với các tội phạm xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, tài sản của Nhân dân, xâm phạm trật tự an toàn xã hội. Điển hình, Tòa án Thuận Hóa đã xử tử hình Dương Công Kỉnh, kẻ làm tay sai chỉ điểm cho Pháp bắt và đàn áp hơn 200 cán bộ cách mạng và Nhân dân, gây tác hại lớn cho phong trào cách mạng ở Huế. Qua các thời kỳ, cùng với sự phát triển về mọi mặt, thông qua công tác xét xử, TAND hai cấp ngày càng củng cố niềm tin cho Nhân dân. Hàng năm, TAND hai cấp tỉnh Thừa Thiên Huế thụ lý, giải quyết gần 3.000 vụ án các loại. Chất lượng xét xử các loại án ngày càng được nâng lên. Thẩm phán TAND hai cấp đã thực hiện hòa giải thành công nhiều vụ án dân sự, hôn nhân & gia đình, kinh doanh thương mại, lao động và đối thoại trong án hành chính, hàn gắn những mâu thuẫn, góp phần không nhỏ trong việc ổn định trật tự xã hội. Việc xét xử các loại án đảm bảo khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không kết án oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm. Nhiều năm qua, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế là đơn vị tiêu biểu, xuất sắc. Nhiều tập thể và cá nhân được tặng thưởng những danh hiệu cao quý như Cờ thi đua TAND, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương lao động hạng Ba, Nhì… 
Bài, ảnh: Quỳnh Anh
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp công dân tại Hương Xuân

Ngày 28/3, ông Lê Trường Lưu - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã có buổi tiếp dân tại phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà. Cùng dự buổi tiếp dân có UVTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy Đặng Ngọc Trân và lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, TX. Hương Trà, lãnh đạo phường Hương Xuân và một số phòng, ban liên quan.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tiếp công dân tại Hương Xuân
Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ

Đó là khẳng định của UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình tại hội nghị tổng kết thực hiện các Quyết định số 75/2013/QĐ-TTG ngày 06/12/2013 và Quyết định số 35/2017/QĐ - TTG ngày 25/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ về chế độ, chính sách và công tác bảo đảm đối với tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ tìm kiếm, quy tập (TKQT) hài cốt liệt sĩ (HCLS) ngày 27/3 tại Nghệ An.

Thực hiện tốt hơn việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ
Gần 1.000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động

Ngày 28/3, tại hội trường của Trường đại học Luật, Đại học Huế, Tòa án Nhân dân (TAND) tỉnh tổ chức phiên tòa lưu động xét xử phúc thẩm hai vụ án hình sự về tội danh “Trộm cắp tài sản” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” dưới sự tham dự của gần 1.000 sinh viên của trường.

Gần 1 000 sinh viên Trường đại học Luật tham dự phiên tòa xét xử lưu động
Return to top