ClockThứ Năm, 17/03/2016 14:27

Thanh trà chậm ra hoa, dân lo trễ lễ hội

TTH - “Thời điểm này năm ngoái, thanh trà đã to bằng quả quýt, nay nụ chỉ vừa nhú, lác đác vài chùm trổ hoa, chúng tôi lo lắm”, ông Hoàng Trọng Khá, một người trồng thanh trà ở Thủy Biều (Huế) lo lắng.

Do thời tiết

Làng Lương Quán là “cái nôi” thanh trà của xứ Nguyệt Biều. Nói là “cái nôi” bởi, Thủy Biều có khoảng 147 ha, với 800-900 hộ trồng thanh trà, chiếm khoảng 2/3 số dân, nhưng thanh trà ngon, thơm nhất vùng này phải kể đến Lương Quán. Vùng đất bãi bồi được bao bọc bởi phù sa hàng năm, cộng với mạch nước tươi mát đã làm nên hương vị riêng có của thanh trà Lương Quán.

Quét vôi gốc thanh trà giúp diệt mầm bệnh

Vào vụ thu hoạch, cao điểm tầm rằm tháng 8 hàng năm, ở Thủy Biều người ít cũng có vài gốc để ăn, tặng, người nhiều có thể kiếm hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng/mùa, như năm ngoái, gia đình anh Dũng, người có nhiều gốc thanh trà nhất Thủy Biều, thu nhập không dưới 100 triệu đồng. Nhưng đó là chuyện năm ngoái, còn năm nay, đã giữa tháng 3 nhưng dọc theo đường Bùi Thị Xuân đến bãi bồi, băng qua làng Đông Phước 1, 2 đến Lương Quán, những vườn thanh trà xanh ngắt hai bên đường chỉ thấy hoa, chưa thấy quả. Phải quan sát kỹ lắm mới thấy từng chùm thanh trà bắt đầu đậu, quả mới bằng ngón tay.

Quét thêm vôi vào gốc mấy cây thanh trà bên hiên nhà, ông Hoàng Trọng Khá lo lắng: “Chưa có năm nào thanh trà chậm ra hoa như năm nay. Tính theo âm lịch phải chậm mất cả tháng. Cứ đà này, mùa thu hoạch chắc phải kéo dài đến tháng 9, tháng 10, lúc đó mùa mưa gió, chẳng biết sao nữa!”.

Cùng tâm trạng, bác Đặng Đức Cảnh lo rằng, không chỉ thanh trà mà cả giống bưởi bành, vốn cũng là cây đem lại kinh tế cao cho nông dân Thủy Biều cũng có nguy cơ chậm thời vụ. Đến nay cũng lác đác ra hoa, đậu quả.

Theo Giám đốc HTX NN Thủy Biều - Hoàng Trọng Di, nguyên nhân khiến thanh trà chậm ra hoa hơn mọi năm là do những đợt rét kéo dài dưới 19 độ C từ trước và sau Tết Nguyên đán. Mấy ngày đầu tháng 3, trời tạnh ráo, nắng to nên thanh trà mới bung hoa, nếu không khả năng sẽ còn chậm ra hoa hơn.

Song, người có thâm niên và kinh nghiệm nhiều năm trong việc theo dõi, hướng dẫn chăm sóc thanh trà như ông Hoàng Trọng Di lại không tỏ ra quá lo lắng về hiện tượng chậm ra hoa. Ông Di cho rằng, quan trọng là lúc đậu quả. Nếu chăm bón tốt, không để quả rụng thì mùa dù muộn cũng sẽ bội thu.

Lùi thời gian tổ chức lễ hội thanh trà

Theo kế hoạch, lễ hội thanh trà dự kiến diễn ra khoảng giữa tháng 8 âm lịch, lúc thanh trà đang vào vụ để đảm bảo nguồn cung ứng, chất lượng thơm ngon, phục vụ du khách gần xa. Song, do thời gian từ lúc ra hoa đến khi thu hoạch phải mất từ 6-7 tháng nên UBND phường dự kiến sẽ lùi thời gian tổ chức lễ hội thanh trà khoảng 1 tháng, tầm tháng 9 âm lịch.

“Nếu thời tiết thuận lợi thì không sao, nhưng Huế thời điểm đó thường hay mưa lụt nên chúng tôi khá lo lắng trong việc tổ chức lễ hội cũng như thị trường tiêu thụ, đầu ra cho sản phẩm”, Chủ tịch UBND phường Thủy Biều - Hoàng Thăng Long bày tỏ.

Cũng theo ông Long, năm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến sẽ tổ chức hội thi “Trái thanh trà ngon” cho tất cả các vùng trồng thanh trà trên địa bàn tỉnh vào dịp lễ hội thanh trà, tuy nhiên, do trục trặc thời điểm ra hoa kết trái nên phường đã có văn bản, ý kiến đề nghị dời lại thời gian tổ chức hội thi.

“Chậm ra hoa có ảnh hưởng đến việc đậu quả, năng suất, sản lượng thanh trà liệu có giảm hơn so với trước?”. Không hẳn, ông Hoàng Trọng Di trả lời.

“Quan trọng nhất vẫn là khâu chăm bón, nếu thời tiết quá nắng hoặc quá lạnh đều không tốt cho cây thanh trà. Tôi cho rằng, cây thanh trà đã vượt qua được thời điểm quá lạnh, bây giờ chỉ lo nắng hạn kéo dài. Tuy nhiên, người dân nơi đây đã chuẩn bị sẵn nguồn nước, vòi tưới để đảm bảo thanh trà luôn đủ nước. Điều này còn quyết định đến chất lượng của thanh trà”, ông Di chia sẻ.

Một yếu tố khác khá quan trọng, quyết định đến năng suất, sản lượng cây thanh trà đó là bón phân, tạo nguồn dinh dưỡng cho cây sau khi ra hoa, kết trái. Lãnh đạo HTX NN Thủy Biều hiện đang nhập phân bón để cung ứng cho bà con, đồng thời tăng cường thông báo, hướng dẫn để người dân chủ động chăm sóc, tưới nước, bón phân, diệt trừ mầm bệnh cho cây thanh trà… Người trồng thì không ngừng theo dõi lịch thời vụ, hướng dẫn chăm sóc, nghiên cứu tài liệu, sách báo nâng cao kiến thức. Chính quyền địa phương tạo điều kiện thuận lợi để người dân có thể tham gia lễ hội thanh trà và tìm đầu ra cho thanh trà để được giá…Với những nỗ lực đó, chính quyền người dân Thủy Biều hy vọng, năm nay sẽ thêm năm nữa bội thu thanh trà.

Thủy Biều có 147 ha diện tích trồng thanh trà, trong đó có 140 ha cho trái thường xuyên, với sản lượng trung bình hàng năm từ 500-700 tấn, giá trị kinh tế ước đạt 140 triệu đồng/ha. Thanh trà Thủy Biều đã đăng ký nhãn hiệu tập thể và được chứng nhận là với tên gọi “Thanh trà Huế”.

Bài, ảnh: Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Rực rỡ đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam

Đông đảo người dự lễ hội điện Huệ Nam (điện Hòn Chén) đã tham gia lễ rước bộ từ Thánh đường Thiên Tiên Thánh giáo (352 Chi Lăng, TP. Huế) lên Nghinh Lương Đình trước khi xuống thuyền để di chuyển lên điện.

Rực rỡ đoàn rước bộ trong lễ hội điện Huệ Nam
Lễ hội điện Huệ Nam năm nay sẽ có đoàn rước bộ

Đoàn rước đường bộ xuất phát từ 352 Chi Lăng để di chuyển lên Nghinh Lương Đình. Cùng lúc, đoàn thuyền xuất phát từ 352 Chi Lăng lên bến Nghinh Lương Đình chờ để nhập đoàn đường bộ rước Mẫu lên điện Huệ Nam.

Lễ hội điện Huệ Nam năm nay sẽ có đoàn rước bộ
Lễ hội & bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số

Không chỉ đa dạng, lễ hội của cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã ít nhiều phản ánh được những ước vọng, sự cầu nguyện của con người đến các đấng thần linh về một cuộc sống ấm no. Đó là nhận định được các chuyên gia đưa ra khi bàn về việc nhận diện giá trị và hướng bảo vệ các lễ hội nói chung và lễ hội của cộng đồng dân tộc thiểu số nói riêng.

Lễ hội  bản sắc văn hóa cộng đồng dân tộc thiểu số
Return to top