ClockThứ Tư, 06/04/2022 07:47

Tháo bỏ áp lực

TTH - Có trông chừng, nhưng không quá lo âu và cho con một không gian khá thoải mái trong suốt quá trình học tập là điều mà vợ chồng tôi “cam kết” thực hiện đối với hai cô con gái.

Có trông chừng, nhưng không quá lo âu và cho con một không gian khá thoải mái trong suốt quá trình học tập là điều mà vợ chồng tôi “cam kết” thực hiện đối với hai cô con gái. Thực ra, những điều này không phải là được thực hiện ngay từ đầu. Nó chỉ là một quá trình mà chúng tôi đã cùng trò chuyện, trao đổi và cả thảo luận cùng các con.

Tôi nhận ra con mình thường áp lực nếu chỉ nói về điểm số. Nhận ra điều mà con không thích, hoặc sẽ tỏ ra tránh né; hoặc thu mình lại nếu đưa ra một ví dụ, kiểu như một tương quan so sánh với con cái của những ai đó, như thế nào. Chuyển sang trò chuyện với con ở nhiều chủ đề khác nhau, từ các bài hát, quần áo đến bạn bè, các bài giảng nào đó thú vị, cô nào “dễ thương”, thầy nào “khó nhằn”… là cách để “lắng nghe” và bổ túc những điều con cần, hay đang thiếu. Việc tìm lớp học thêm, tìm người dạy kèm cũng trên cơ sở cùng thảo luận để hướng đến một kết quả tốt nhất mà con có thể.

Cách mà chúng tôi đồng hành cùng con, có thể không như nhiều cha mẹ khác và có thể không phải là tốt nhất, nhưng điều mà chúng tôi có là đã tạo được sự gần gũi và trong một khía cạnh nào đó, các con đôi khi đã xem cha mẹ như những-người-bạn tin cậy. Các con không phải học ở một trường đại học quá cao siêu nhưng chúng tôi chắc, dựa trên thiên hướng và sự lựa chọn của mình, các con có sự tự tin trong môi trường mới. Ở đó các con được thể hiện năng khiếu, năng lực và sự tự tin của mình trong tỏ bày, chia sẻ, nêu vấn đề và cùng các bạn phân tích, thực hành các bài tập và xử lý các tình huống trên giảng đường…

Bằng cách đó, chúng tôi đã đồng hành cùng con đi qua tuổi học trò, cũng như trong tuổi sinh viên. Thế nên, cũng như nhiều người, tôi đã cảm thấy quá đau xót với việc chọn ra đi bằng cách gieo mình từ trên cao của cậu bé 16 tuổi mấy ngày qua ở Hà Nội. Chắc chắn nhiều và rất nhiều bậc cha mẹ sẽ giật thột để ngoái nhìn lại chính mình trong việc đã cùng con, đồng hành cùng con trong suốt quãng thời gian đi học như thế nào, có cảm thấu và chia sẻ cùng con những áp lực học tập, áp lực tâm lý hay một lần nữa, đặt thêm vai con những mong muốn, kỳ vọng làm chúng nặng gánh...?

Nhưng trách nhiệm đâu chỉ ở phía cha mẹ? Những kỳ thi, những điểm số, những danh hiệu trong các lớp học, trong các nhà trường vẫn tạo một áp lực lên đối tượng trọng tâm là học trò. “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui” chỉ có thể thực hiện được khi nó trở thành một lực đẩy dựa trên sự thoải mái, hào hứng và thật sự là niềm vui của trò, của thầy và đương nhiên, trong một môi trường giáo dục thực sự tiên tiến nữa.

Lê An Bình

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Tuyển sinh đầu cấp và áp lực học trái tuyến

Tháng 6, các trường tiểu học và trung học cơ sở mới tổ chức tuyển sinh đầu cấp. Nhưng, nhiều phụ huynh đã rục rịch cả năm để lo cho con vào học được trường “như ý”. Điều này tạo nhiều áp lực cho các trường khi chương trình giáo dục phổ thông mới với sĩ số lớp học không được vượt quy định.

Tuyển sinh đầu cấp và áp lực học trái tuyến
Return to top