ClockChủ Nhật, 04/08/2019 06:46

Tháo cái tường rào

TTH - Lần thứ hai trong vòng 2 năm, câu chuyện phá dỡ tường rào ở đôi bờ sông Hương lại được đặt ra. Lần trước vào năm 2017, đó là chủ trương phá dỡ bỏ hệ thống hàng rào các công viên dọc bờ bắc sông Hương. Còn lần này, đối tượng tháo dỡ là những hàng rào quanh trụ sở các cơ quan, doanh nghiệp trên tuyến phố chính Lê Lợi ở bờ nam Hương giang.

Hệ thống hàng rào bảo vệ công viên Thương Bạc và Phú Xuân dọc bờ bắc sông Hương dài khoảng 1,2 km, được xây dựng từ năm 1982 bằng bê tông cốt thép. Đó là công trình công cộng, vậy nên tháo dỡ cũng đơn giản, là công việc của Trung tâm Công viên cây xanh sau khi đã có chủ trương. Còn hàng rào quanh các trụ sở, đồng nghĩa với việc đã có chủ, nên không chỉ ra quân là được mà phải vận động các cơ quan, doanh nghiệp trên đường Lê Lợi tự tháo dỡ.

Cái tường rào có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với người Huế. Từ làng lên phố, từ nhà nhỏ tới nhà to, từ nhà ở người dân đến cơ quan, công sở đều cố gắng bao bọc bởi những tường rào. Càng “kín cổng cao tường”, nghĩa là càng thâm nghiêm, cơ mật càng tốt. Xét về mặt phong thủy, đó cũng là điều hay khi mà mỗi cuộc đất - ngôi nhà đều cần được bảo vệ, che chắn, tránh các “tác động xấu” từ môi trường bên ngoài cũng như giữ gìn nội khí. Bởi vậy, có thể xem việc tổ chức tháo dỡ hàng rào công viên trước đây hay cơ quan, công sở hiện nay là mạnh dạn và mang tính đột phá.

Còn nhớ, khi tiến hành tháo dỡ hệ thống hàng rào bảo vệ công viên dọc bờ bắc sông Hương, ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND thành phố Huế, cho rằng: Công trình này xem như hoàn thành sứ mệnh lịch sử, đã đến lúc cần dẹp bỏ, do yếu tố thẩm mỹ không còn bảo đảm theo thời gian, gây mất mỹ quan đô thị, cản trở việc tiếp cận, vào vui chơi bên trong công viên dọc bờ sông Hương của công chúng.

Thực tế cho thấy, sau khi phá bỏ hàng rào công viên, khẩu độ hệ thống vỉa hè dọc tuyến này đã được mở rộng nhiều mét, tạo không gian tốt hơn cho người đi bộ và du khách, nhất là những dịp lễ hội lớn như Festival Huế, hay hội chợ, chợ hoa ngày tết... Không chỉ tạo không gian mở cho mọi người, việc tháo dỡ hàng rào còn tăng tính thẩm mỹ cho đô thị. Người dân và du khách thấy dễ chịu và thiện cảm hơn nên từ đó, họ đã vào công viên dạo mát, vui chơi nhiều hơn. Người ta đang chờ điều tương tự sẽ diễn ra ở bờ nam sông Hương.

Thành phố Huế đã và đang tiến hành chỉnh trang để ngày càng xanh, sạch, đẹp và sáng. Không chỉ với những dự án tốn kém nhiều công của mà nó được bắt đầu bằng những việc làm tưởng chừng đơn giản nhưng lại mang tính cách mạng, thể hiện cách nhìn và tiếp cận mới mang tính văn hóa cao. Việc phá dỡ cái hàng rào ngăn cách là một minh chứng, tạo nên sự thông thoáng cho đôi bờ sông Hương và qua đó, giúp cho con người có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với dòng Hương thơ mộng.

ĐAN DUY

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn

Lâu nay lễ hội đua thuyền cuả tỉnh và TP.Huế trong các ngày lễ được tổ chức qui mô lớn trên sông Hương đoạn trước Phu Văn Lâu. Theo tôi tổ chức đua thuyền trên khúc sông trước công viên Trịnh Công Sơn thì hợp lí hơn.

Nên tổ chức đua thuyền trước công viên Trịnh Công Sơn
Đến hẹn lại... đua

Đã thành thông lệ, đúng vào dịp kỷ niệm giải phóng 26/3, sông Hương lại dậy sóng với lễ hội đua ghe truyền thống thành phố Huế. Người Huế gọi dịp này là đua ghe 26/3 để phân biệt với lễ hội đua ghe truyền thống tổ chức vào dịp Quốc khánh 2/9, có quy mô toàn tỉnh.

Đến hẹn lại  đua
Huế xưa Huế mới

“Huế cổ kính, mà luôn luôn mới mẻ, bất ngờ. Ai đã từng dành trọn buổi sớm mai sương khói hay buổi chiều tà mát mẻ đi một vòng dọc hai bờ sông Hương mới cảm nhận được sức sống kỳ diệu của thành Huế bây giờ… Huế đi lên từng ngày, dần xứng tầm là một đô thị di sản, một trung tâm văn hóa, giáo dục, du lịch và y tế chuyên sâu tương lai của nước nhà, của khu vực” - Đó là những cảm nhận sâu sắc của một người bạn xa về một Huế “muôn đời đẹp và thơ”.

Huế xưa Huế mới
Cầu... nối lòng dân

Chuyện thật đáng mừng cho đất nước ta là có hàng trăm cây cầu được xây mới trong những năm vừa qua đến từ sự đóng góp của cá nhân người dân, nhóm thiện nguyện, doanh nghiệp. Điều đó cho thấy lời kêu gọi Nhà nước và Nhân dân cùng làm là giải pháp hiệu quả cho những thách thức lớn về phát triển cơ sở hạ tầng trong mọi thời kỳ.

Cầu  nối lòng dân
Đặc sản của Huế

Nếu nói đến đặc sản Huế chắc nhiều người nghĩ ngay đến ẩm thực, tức là nghĩ đến cái “dạ dày”. Ai tinh tế hơn thì nghĩ đến chiều sâu văn hóa, ví dụ như di sản (vật thể và phi vật thể), thậm chí là giọng nói; trang phục.

Đặc sản của Huế
Return to top