ClockThứ Sáu, 05/03/2021 10:34

Tháo “điểm nghẽn” và “điểm nóng”

TTH - Điểm đột phá và nhận được sự quan tâm nhất của dư luận của đề án là đề xuất thu hồi thêm đất liền kề dự án hạ tầng để bán đấu giá và tại định cư tại chỗ.

Những dự án kỳ vọng tạo sự đột phá cho hạ tầng giao thôngƯu tiên phát triển hạ tầng đô thịThêm nhiều dự án mới

Chỉ là một đề án của một địa phương, nhưng Đề án “Quản lý và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả” vừa được UBND TP. Hồ Chí Minh phê duyệt thu hút sự quan tâm của dư luận, bởi chạm đúng “điểm nghẽn” và “điểm nóng” trong quá trình triển khai các dự án chỉnh trang đô thị trên phạm vi toàn quốc.

Điểm đột phá và nhận được sự quan tâm nhất của dư luận của đề án là đề xuất thu hồi thêm đất liền kề dự án hạ tầng để bán đấu giá và tại định cư tại chỗ. Đa phần các ý kiến đều ủng hộ để xuất trên, bởi khắc phục được những hạn chế, bất cập của cách làm trước đây. Hơn nữa nó còn tạo điều kiện để tiến hành quy hoạch lại đô thị theo hướng hiện đại, văn minh; góp phần chỉnh trang bộ mặt đô thị; giảm bớt gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Thực tế ở nước ta hiện nay, khi triển khai các dự án hạ tầng, việc thu hồi đất được thực hiện theo nguyên tắc hạ tầng cần đất đến đâu thì cắm mốc, đền bù giải tỏa đến đó. Theo nguyên tắc này, có trường hợp bị thu hồi đất toàn bộ, có trường hợp thu hội một phần, có khi còn một diện tích rất nhỏ chỉ vài m2, nhưng vẫn tồn tại hợp pháp, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.

Điều này cũng nảy sinh nhiều bất cập, bất công bằng giữa các đối tượng. Người bị thu hồi toàn bộ đất phải chuyển định cư nơi khác hầu như chẳng được lợi gì từ hạ tầng mới đầu tư. Họ càng ấm ức hơn khi hạ tầng mới được đầu tư khiến giá đất khu vực họ phải di dời tăng vùn vụt, nhiều người giàu lên nhanh chóng. Hệ lụy, không ít công trình dậm chân tại chỗ, kéo dài thời gian, đội vốn xây dựng chỉ vì vướng giải tỏa một vài điểm, một số hộ khiếu nại về chính sách đền bù giải tỏa.

Trong khi đó, những người trước đây nằm ở vị trí phía sau, trong hẻm sâu giá trị đất đai thấp, nay “bỗng dưng” trở thành mặt tiền và được hưởng lợi toàn bộ giá trị đất đai tăng thêm từ sự đầu tư của Nhà nước mà chẳng tốn đồng nào.

Còn phía Nhà nước, để có nguồn vốn đầu tư phải huy động từ ngân sách một số tiền rất lớn để giải tỏa, đầu tư  xây dựng hạ tầng. Mà tiền của Nhà nước chính là nguồn nộp thuế của toàn xã hội; ngay cả tiền vay ưu đãi nước ngoài thì ngân sách Nhà nước cũng phải cân đối để trả nợ theo tiến độ, kỳ hạn. Như vậy vốn đầu tư cần phải đem lại lợi ích chung cho toàn xã hội, chứ không thể rơi vào một số ít người. Đó là sự bất bình đẳng, cần có sự điều tiết hợp lý nghĩa vụ, quyền lợi giữa Nhà nước và người dân; giữa những người bị thu hồi đất để thực hiện hạ tầng lẫn những người được hưởng lợi khi dự án xây dựng mới.

Với Thừa Thiên Huế, những vướng mắc trong đền bù giải phóng bằng thực hiện các dự án hạ tầng thời gian qua cũng gặp phải không ít. Trong thời gian tới, với việc khai thực hiện chương trình phát triển đô thị tỉnh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030, nhiều đô thị vệ tinh ở các địa phương sẽ được nâng cấp, mở rộng. Riêng đô thị Huế, ngoài việc đẩy mạnh chỉnh trang còn thực hiện Đề án mở rộng TP. Huế gấp 5 lần hiện tại với tổng diện tích khoảng 348,54 km2 và tiếp nhận 13 xã, phường thuộc các huyện, thị xã sáp nhập TP. Huế. Khi đó, vấn đề quy hoạch lại các đơn vị hành chính mới tiếp nhận gắn với chỉnh trang đô thị sẽ triển khai mạnh, với nhiều dự án nên gặp nhiều vướng mắc hơn, phức tạp hơn.

Nếu đề xuất của TP. Hồ Chí Minh triển khai thành công, nhân rộng, tiến tới luật hóa, tin chắc đây sẽ bước đột phá, khơi thông các điểm nghẽn, tăng nguồn lực đầu tư các dự án hạ tầng mới. Vấn đề còn lại là việc triển khai cần đảm bảo tính công khai, minh bạch, công bằng, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, các chủ đầu tư, người dân bị thu hồi đất lẫn người được hưởng lợi từ giá trị đất tăng thêm khi triển khai các dự án đầu tư hạ tầng phục vụ xã hội, dân sinh…

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chính sách về giá là điểm nghẽn của du lịch Huế

Trong khi nhu cầu của khách mong muốn thường là “ngon - bổ - rẻ” thì theo các đơn vị lữ hành, chính sách giá vé, giá lưu trú, một số dịch vụ của Huế rất khó để đưa khách đến hoặc giữ họ ở lại lâu. Muốn bứt phá, cần quan tâm điều chỉnh chính sách về giá.

Chính sách về giá là điểm nghẽn của du lịch Huế
Return to top