ClockChủ Nhật, 29/11/2020 10:48

Tháp Bồ Đề - một công trình văn hóa tâm linh chưa nhiều người biết

TTH - Gần 130 năm đã trôi qua, tháp Bồ Đề vẫn tự tại tọa lạc nơi đồi thông cổ thụ đất Dương Xuân xứ Huế. Trước nó chưa có, và sau nó hình như cũng không thấy công trình nào tương tự…

Bí ẩn dưới lòng đất gò Dương Xuân sẽ được phát lộ

Tháp Bồ Đề

Từ Hiếu – ngôi danh lam cổ tự nổi tiếng được nhiều người ghé thăm mỗi khi đến Huế. Người ta đến vì cảnh sắc quá đỗi nên thơ hữu tình và đẫm chất thiền vị, đến để tận thấy ngôi chùa nổi danh vì đức “Hiếu” đến nỗi được vua ban tên để đặt tên chùa; đến để tìm hiểu thử xem vì sao ngôi chùa còn được mệnh danh là “chùa thái giám”… Thế nhưng, ở phía ngoài đối diện cổng tam quan của chùa, có một công trình xưa cũ nép mình giữa rừng thông già chưa hẳn được nhiều người biết đến. Đó là một ngọn tháp 3 tầng, hình vuông, có tên tháp Bồ Đề. Thông tin lưu dấu trên bia đá khắc dựng trước tháp cho thấy, ngọn tháp này được tạo lập từ tháng 3  năm Thành Thái thứ sáu-1894, tính đến nay đã gần 130 năm.

Nhưng vì sao lại có ngọn tháp này và lại được dựng tách biệt nơi rừng thông yên vắng như vậy? Tuổi thiếu niên, tôi cùng bạn bè đã nhiều lần vãng cảnh chùa, có khi picnic, cắm trại tại đây nhưng không mấy ai để ý đến ngọn tháp cũ kỹ và chẳng có gì nổi bật về mặt kiến trúc ấy, cứ nghĩ đó là một kiểu am miếu thờ tự gì đấy, mà am miếu thì ở Huế vô cùng nhiều, lại thường “linh thiêng khó thấu biết” cho nên người lớn vẫn thường nhắc bọn trẻ khôn hồn mà quấy phá, thế nên chúng tôi cũng tốt nhất là “kính nhi viễn chi”, không đứa nào dám tiến lại gần nhỡ xui xẻo phạm phải tội khuấy động chốn thờ tự các ngài…

Mãi cho đến khoảng những năm đầu thập kỷ 1980, trong một lần được nghe Hòa thượng Thích Đức Tâm (Trú trì các chùa Pháp Hải, Diệu Đế, Bảo Quốc…, Trưởng môn phái Tổ đình Từ Hiếu lúc ấy) nói chuyện, chúng tôi mới biết đó là tháp Bồ Đề. Tháp được dựng để thực hiện công năng thu nhận, lưu giữ kinh sách, tranh tượng… bị hư hỏng từ các tư gia, am, tự gần xa.

Văn bia tháp Bồ Đề

Bài văn bia khắc dựng trước tháp ghi lại cụ thể nguyên do và việc xây dựng tháp Bồ Đề như sau (bản dịch của Tạp chí Nghiên cứu và Phát triển, số 8 (142) - 2017):

“Lão nạp là Hải Thiệu ở chùa sắc tứ Từ Hiếu trộm xét rằng Thần kinh là đất quan trọng, chùa công và chùa núi đều là di tích bậc nhất cả. Tuy nhiên, tháp để chứa sách, chứa tượng xưa nay chưa có. Nay muốn xây dựng một ngôi tháp để tiện thu chứa sách, tượng hư hỏng, nhưng vật hạng phần nhiều ít ỏi, chưa thể sắp đặt. Nay gặp đệ tử là điển sự thái giám Nguyễn Xuân Phụng đem việc tâu lên, may được Hoàng thái hậu thánh minh soi xét… ban tiền và gạch để sung vào việc xây dựng và thuê mướn. Nhân đó, đặt tấm biển ba chữ “Bồ Đề tháp”… Kính mời các chùa, am, các nhà dân xa gần, ai có sách, tượng hư hỏng thì cứ đưa đến đây, chúng tôi sẽ đón tiếp tất cả đem chứa vào tháp, cho khỏi bị mất mát. Cái ý người xưa trân trọng và nuối tiếc ấy là ước nguyện của lão nạp vậy.

Minh rằng:

Tượng kinh hiền thánh, chứa cất có nơi.

Kính mà còn tiếc, mãi với đất trời.”

Kinh sách, tranh tượng là sản phẩm của văn hóa, do ngày ngày vẫn được lễ bái, nghiên cứu, trì tụng, nên theo quan niệm của nhà Phật trong chúng đã tích tụ, tàng chứa sự linh thiêng qua thời gian. Cho nên dẫu có hư hao cũng không nỡ mang đi tiêu hủy, vì làm như thế sẽ rất “tội”. Cũng chính với tâm niệm như vậy, Hải Thiệu Thiền sư đã khởi tâm dựng tháp để cất chứa để các hiện vật “khỏi bị mất mát”, còn “mãi với đất trời”. Bản thân việc làm ấy của Thiền sư Hải Thiệu cũng là một cách hành xử đậm tính nhân văn và ẩn chứa nhiều thông điệp để phật tử và người đời cùng chiêm ngẫm.

Gần 130 năm đã trôi qua, tháp Bồ Đề vẫn tự tại tọa lạc nơi đồi thông cổ thụ đất Dương Xuân xứ Huế. Trước nó chưa có, và sau nó cũng chưa thấy công trình nào tương tự. Thượng tọa Thích Nguyên Thành, Phó ban Giáo dục tăng ni Trung ương, Phó Viện trưởng Học viện PGVN tại Huế kể, ngày trước, ông đã từng cùng với một số người bạn xin vào tháp để tìm sách học. Ông đã tìm được một số bản sách quý, chỉ bị rách, mất một số trang, mang về chép bổ sung các trang bị thiếu khuyết, vậy là dùng được. Bên trong tháp còn thấy có nhiều tượng phật bằng gỗ được lưu chứa.... Câu chuyện của Thượng tọa Nguyên Thành khiến tôi chợt nghĩ, hơn 1 thế kỷ trôi qua, có thể trong lòng tháp đang tàng giữ nhiều hiện vật mà nếu khám phá biết đâu sẽ cho ta nhiều thông tin thú vị về văn hóa, về lịch sử của vùng đất Cố đô...

Đáng tiếc là một công trình độc đáo như vậy mà đến nay vẫn có rất nhiều người chưa biết, chưa hiểu, thậm chí còn lầm tưởng công năng của tháp. Thế nên, họ đã mang đến “ký gửi” đủ thứ, từ gương, kính, ngai, ngựa, trang bà, am cô, am cậu, cái bằng gỗ, cái bằng xi măng “quá đát” hoặc hư vỡ,... khiến nơi đây có nguy cơ trở thành một nơi tập kết “rác thải tâm linh”. Thật buồn và thật tiếc…

Bài, ảnh: HIỀN AN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Diện mạo mới từ các công trình thanh niên

Phát huy vai trò xung kích, tình nguyện và sáng tạo tuổi trẻ trong thực hiện phong trào “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, Huyện đoàn A Lưới tích cực triển khai những công trình, mô hình đoàn thanh niên tiêu biểu, góp phần thay đổi tích cực diện mạo huyện miền núi.

Diện mạo mới từ các công trình thanh niên
Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa

Phương hướng phát triển lĩnh vực văn hóa và bảo tồn di sản văn hóa của Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt chỉ rõ: Xây dựng hệ giá trị đặc trưng, giàu bản sắc văn hoá Huế, con người Huế trên cơ sở gìn giữ, bảo tồn, tôn vinh, phát huy những giá trị truyền thống, đặc trưng, tiêu biểu về văn hoá, lịch sử, con người Huế.

Quy hoạch và phát triển chú trọng bảo tồn bền vững các di tích, di sản văn hóa
Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

Cách đây vài năm, khi ngành văn hóa Huế tiên phong trong việc phục hưng áo dài truyền thống đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau, kể cả trái chiều. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tỉnh, sự kiên trì, đồng lòng của tập thể cán bộ, sự đồng hành của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể và người dân, đề án “Huế - Kinh đô Áo dài” bước đầu đã gặt hái được những thành quả nhất định.

“Tìm đường” để áo dài trở thành di sản văn hóa phi vật thể

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top