ClockThứ Tư, 04/01/2017 05:46

Thấp thỏm dưới mỏ đất

TTH - Hơn một năm trở lại đây, người dân thôn Tân An Hải (xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc) thấp thỏm lo sạt lở khi sống ngay dưới chân mỏ đất đang được khai thác của Công ty TNHH Lộc Lợi (gọi tắt Cty Lộc Lợi).

Nơm nớp lo sợ

Sau những cơn mưa lớn của trận lũ vừa qua, “dấu tích” còn lại ở thôn Tân An Hải dọc Quốc lộ 49B qua xã Lộc Bình là lớp bùn đất dày làm lấp cống, chảy vào ruộng vườn.

Nhiều phương tiện cơ giới múc đất trên đồi cao, bên dưới người dân nơm nớp lo sợ

Ông Trần Chạy, một hộ dân cho biết: “Do Công ty Lộc Lợi khai thác lấy lớp đất bề mặt nên đã gây ra tình trạng bụi bặm khi trời nắng và nước, bùn đất tràn vào nhà người dân khi gặp mưa lớn. Điển hình là trận mưa lũ vừa qua, bùn đất từ trên đồi chảy xuống, tràn vào nhà dân, chảy xuống khu nuôi trồng thủy sản gây chết cá”.

Điểm khai thác của mỏ đất có nơi cách nhà người dân từ 200-300m, điểm gần nhất có 4 hộ cách mỏ khoảng vài chục mét. Nước mưa từ trên đồi cao mang bùn đất đổ xuống, chảy mạnh làm xói lở một số điểm ven Quốc lộ 49B. Nhà ông Chạy nằm dưới chân đồi nên khi mưa lớn, nước tràn vào nhà. “Sống ở dưới này lo sạt lở đất lắm, đọc báo đài thấy trong Nha Trang sạt lở chết người. Bà con có phản ánh, công ty có cho xe về đào mương rãnh “nắn” dòng chảy nhưng mưa lớn thì chảy tràn lan hết, ngăn sao được”, ông Chạy lo lắng.

Cạnh đó là hộ gia đình ông Ngô Quang Pháp. Trận mưa lớn vào đầu tháng 12 vừa qua, nước tràn vào chuồng heo, ngập khoảng 0,5m. Cả gia đình phải huy động lực lượng trổ nước, di dời đàn heo 25 con. “Bà con chủ yếu làm nông, khai thác thủy sản. Cả đàn heo 25 con của tui vì nước ngập mà đổ bệnh, bỏ ăn. Khi mưa lớn, cả nhà sợ nước tràn, sạt lở đất nên lúc nào cũng nơm nớp lo lắng”, ông Pháp cho biết.

Thời gian vừa qua, tình trạng cá lồng nuôi chết hàng loạt ở khu vực xã Lộc Bình, Vinh Hiền, khiến nhiều hộ dân trắng tay, thua lỗ, cuộc sống khó khăn. Người dân cho rằng, môi trường nước có thể bị ảnh hưởng bởi mỗi lúc mưa lớn, nước, bùn đất từ trên mỏ đất chảy qua Quốc lộ 49B rồi xuống khu vực nuôi trồng thủy sản. “Gia đình tui nuôi 2 lồng cá mú, hồng, thời điểm bình thường thì bán được khoảng 50 triệu đồng. Sau trận mưa lớn vừa qua, nguồn nước ô nhiễm, bùn đất vào trong mang làm cá chết, số còn lại bị lờ đờ nên phải kêu thương lái về bán tống bán tháo được 10 triệu đồng”, ông Phan Văn Ân, một hộ nuôi cá lồng bức xúc.

Tại thôn Mai Gia Phường (xã Lộc Bình) cũng có một mỏ đất làm vật liệu san lấp trước đây được cấp cho DNTN Phú Lộc, đã thu hồi giấy phép khai thác. Tại hiện trường vẫn có một máy xúc cỡ nhỏ. Việc khai thác sâu vào chân đồi gây nguy cơ sạt lở đất, đổ nhiều cột điện.

Xảy ra sự cố tràn bùn đất

Trong những ngày nắng ráo, nhiều phương tiện cơ giới gồm xe múc, xe tải chở đất bắt đầu hoạt động rầm rộ trở lại tại mỏ đất của Cty Lộc Lợi. Nhiều xe múc được đưa lên đồi cao chót vót để lấy đất. Tháng 9/2015, UBND tỉnh cấp phép cho Cty Lộc Lợi khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp bằng phương pháp lộ thiên tại thôn Tân An Hải, với công suất khai thác 20.000m3/năm. Theo quyết định cấp phép, mỏ đất này có diện tích 5ha, trữ lượng khai thác 427.429m3­, mức sâu khai thác 15m tính từ bề mặt địa hình. Ông Lương Thế Vĩnh, Phó  Chủ tịch UBND xã Lộc Bình cho biết: “Từ trước đó, quá trình thăm dò đến đi vào khai thác chính thức (tháng 9/2015), đã gây nguy cơ về tình trạng sạt lở đất, nước bùn tràn ra tuyến Quốc lộ 49B, ảnh hưởng đến nhà dân. Ở dưới khu vực chân mỏ có 15 hộ dân sinh sống. Trận mưa lớn vừa qua, khi người dân phản ánh sự cố tràn bùn đất, địa phương đã báo cho phía Cty Lộc Lợi. Họ điều hai xe múc ủi tạo rãnh phía sau khu mỏ nhằm nắn dòng chảy, giảm lượng bùn đất tràn vào nhà dân”.

Cũng theo ông Vĩnh, vào những ngày nắng, Cty Lộc Lợi có tiến hành điều xe tưới nước để giảm bụi. Mùa mưa, địa phương cũng cắt cử lực lượng, phương tiện cảnh giới ở những điểm xung yếu, dễ xảy ra tình trạng tràn đất và có sẵn phương án di dời người dân trong trường hợp cần thiết.

Theo quyết định cấp phép của UBND tỉnh, Cty Lộc Lợi phải thực hiện đầy đủ nội dung báo cáo tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường tại dự án khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp ở thôn Tân An Hải đã được Sở TNMT phê duyệt. Trong báo cáo tác động môi trường, phía công ty đã đào hệ thống mương thu nước và hố lắng với thể tích 50m3 ở phía Tây Nam khu mỏ, để hạn chế ảnh hưởng của nước mưa chảy tràn. Nước mưa được thu gom bằng hệ thống mương sau đó dẫn đến hố lắng trước khi chảy ra các bề mặt của địa hình xung quanh. Công ty cũng bố trí hệ thống mương thu nước ở tầng trên cùng khu mỏ nhằm hạn chế nước tràn từ bên ngoài vào. Tuy nhiên, qua những trận mưa lớn vừa qua, tình trạng tràn bùn đất vẫn xảy ra. Người dân sống ở khu vực bên dưới khu mỏ đang nơm nớp lo lắng về sạt lở đất có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Hà Nguyên

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Thanh tra việc cấp phép, quản lý, khai thác mỏ khoáng sản đất làm vật liệu san lấp

Ngày 2/8, Chánh Thanh tra tỉnh Lương Bảo Toàn cho biết, Thanh tra tỉnh vừa công bố quyết định thanh tra về việc cấp phép, quản lý, khai thác mỏ khoáng sản đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn giai đoạn từ năm 2017 đến năm 2022 tại Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp & PTNT, các đơn vị khai thác khoáng sản và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Thanh tra việc cấp phép, quản lý, khai thác mỏ khoáng sản đất làm vật liệu san lấp
Quản lý, giám sát mỏ đất làm vật liệu san lấp

Ngoài việc hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác khoáng sản, các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hoạt động khai thác mỏ đất làm vật liệu san lấp (VLSL) theo quy định.

Quản lý, giám sát mỏ đất làm vật liệu san lấp
Return to top