ClockThứ Hai, 21/06/2010 07:02

Thất lạc giữa mùa hoa

TTH - Giữa chói gắt, bằng lăng cứ mỏng manh mà tím. Giữa âm ỉ nóng, bằng lăng vẫn cứ dịu dàng mà tím. Nói một cách khác đi, bằng lăng làm dịu lòng người bởi vẻ nhu mì thuần hậu. Có lẽ cũng vì thế mà bất cứ khi nào vào mùa cho hoa, bằng lăng lại làm lòng người chùng xuống…

Cũng vẫn là gam màu ấy thôi nhưng ngoài một chút xao động bồi hồi hệt như khi cây bằng lăng trước hiên nhà thả nhánh đầu tiên, tôi vẫn thấy mình trĩu hơn khi nhìn hoa ngát màu trên những thân cây đã đi qua nhiều năm, nhiều tháng. Hình như chỉ ở đó và khi đó, hoa mới nói bằng ngôn ngữ trải nghiệm của màu. Và tin cậy trò chuyện. 

Chẳng biết có phải là thế này không, nhưng mỗi khi mắt chạm vào hoa, tôi vẫn cứ ngỡ rằng bằng lăng đang nhắc về một gương mặt nào đó, một ký ức nào đó trong những quãng màu tâm trạng. Đôi khi là tím đoan trang. Tím dịu dàng. Đôi khi là rưng rức tím, ngan ngát tím nhưng cũng có khi được đẩy đến ranh giới của rực rỡ tím hay nghèn nghẹn tím, nhưng nhức tím. Tuỳ thôi. Nhưng bằng lăng cơ hồ lúc nào cũng gợi về nỗi nhớ…
 
Có những khi, trên những nẻo đường, góc phố thường qua, nhìn bằng lăng cánh mỏng, yên ả đến nao lòng giữa xanh, tôi lại thấy xao động đến nỗi đã có lúc tự hỏi mình rằng, vì sao có những khi vội vã đến thế? Vì sao có những lúc thờ ơ đến thế khi hoa tím ngoan hiền đến nhường kia?
 
Dẫu một mình hay đứng thành lối, dẫu chỉ một vài cành hay miên man, bằng lăng vẫn cứ đằm thắm như khe khẽ nhắc về. Một ánh mắt. Một tiếng thầm. Những tháng ngày đã qua. Một chiều đã xa. Cả những điều mà cho đến bây giờ vẫn được giữ như một dấu lặng cho riêng mình thôi…
 
 
 
Thế nên, đôi khi tự thấy mình chới với khi băng lăng lặng lẽ, hồn nhiên và hào phóng thả màu lên phố. Đôi khi trong màu hoa mỏng manh giăng mắc, chợt thấy mình ngột ngạt bởi những rung cảm không phải là đã cũ mà đã qua. Và hẳn nhiên không phải là nhớ vội. Có bao nhiêu nỗi nhớ như thế, xô dạt và chồng chéo trong không gian được đánh thức và dẫn lỗi bởi bằng lăng? Thế nên, đôi khi tôi thấy Hoàng Đăng Nhuận vẽ, không phải là bằng lăng nhưng đúng là về sự xô dạt ấy, chồng chéo ấy,với gam màu bàng hoàng, với rất nhiều hoài nhớ, như một cách gọi tên...
 
Ở một biên độ khác, nhiều khi tôi lại thấy màu hoa bằng lăng như những mảng vỡ loang trên toan, rồi diệu vợi chìm khuất, lặng lẽ đâu đó như trong sơn mài biến thể. Xa xót . Đau đáu . Và dung dị khiêm nhường đến độ không thể quên được. Ở một biên độ khác nữa, màu hoa đôi khi nhức nhối như cung thương của ca Huế. Xa vắng dằng dặc thế kia. Duy có một điều thật khác, ấy là tôi luôn thấy màu tím của hoa không nghiêng về bi luỵ mà ngân miên man, gọi miên man như là tình khúc…
 
Hiện hữu trong mùa nắng, gọi nhu mì và dịu dàng cho người, như một dâng hiến, kiên trì và cả nhẫn nại, thế nên tôi đã gọi đó là tím lạc màu trong một định nghĩa tình yêu theo cách của mình, giữa nắng và giữa gió miền Trung. Điều ấy giờ cũng đã xa xôi và vẹn nguyên như ký ức rồi. 
 
Đôi khi la đà trong khoảng miên man hiền hậu ấy, tôi nhận ra hình như là mình lẻ loi trong không hề cô đơn, biết mình vẫn hãy còn hao khuyết, biết mình vẫn đang tìm mãi một hư ảo nào đấy hình như là không có thực.
 
Rồi đôi khi, tôi thấy mình thất lạc bởi bằng lăng…
Hạnh Nhi
 
 
 
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Return to top