ClockThứ Sáu, 19/05/2017 05:41

Thất nghiệp vì thiếu kỹ năng

TTH - Nhiều cử nhân thất nghiệp do chỉ chăm chăm vào bằng cấp mà thiếu kỹ năng. Không ít lao động ảo tưởng vào năng lực bản thân, yêu cầu mức lương cao, điều kiện làm việc tốt... trong khi chưa chứng tỏ khả năng đáp ứng yêu cầu công việc của các nhà tuyển dụng.

Nhà tuyển dụng phỏng vấn lao động tại Trường cao đẳng Công nghiệp

8h sáng, tại sàn giao dịch việc làm, nhiều lao động tụm năm, tụm ba trước bảng chỉ tiêu tuyển dụng 20 nhân viên kinh doanh của một công ty thương mại. Họ bàn bạc: Công ty này có vẻ ăn nên làm ra, cứ thử vào phỏng vấn, biết đâu gặp may lại được tuyển. Tâm lý phỏng vấn cho vui, được thì tốt, không được cũng chẳng sao nên hễ công ty có mức lương cao, đông người nộp hồ sơ, lao động lại chen chân vào. Còn những công ty tuyển ít nhân viên thường "ế ẩm" vì người lao động nghĩ là công ty nhỏ, không hấp dẫn.

Nhiều ứng cử viên phỏng vấn xin việc lại đi tay không, không có hồ sơ xin việc, thậm chí, họ gửi email đến xin việc nhưng lại không có tiêu đề, trình bày không đúng thể thức văn bản, ngay cách thể hiện năng lực bản thân cũng chẳng gây ấn tượng với nhà tuyển dụng. Nguyễn Thị Lý, một trong những lao động tham gia phỏng vấn ở vị trí kế toán – văn phòng cho hay: "Tôi rất tự tin với tấm bằng tốt nghiệp loại giỏi. Tuy nhiên, lúc phỏng vấn, nhà tuyển dụng không để ý đến bằng cấp mà chỉ hỏi về khả năng xử lý văn bản, sự cố trên máy tính. Họ yêu cầu photocopy hồ sơ xin việc thành 10 bản, tôi loay hoay không làm được. Không đáp ứng yêu cầu này nên tôi bị loại...".

Kỹ năng xử lý tình huống là một trong những bước quan trọng để nhà tuyển dụng tìm ra ứng viên phù hợp. Công ty TNHH Minh Dương cần tuyển 6 nhân viên làm việc ở vị trí quản lý thực phẩm, nước giải khát. Tại sàn giao dịch việc làm, chị Hoàng Ngọc Hương, phụ trách nhân sự của công ty đang phỏng vấn Lê Thị Tuyết, tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế Huế. Tuyết tự tin: "Em thích làm nhân viên kinh doanh vì đây là công việc  năng động phù hợp với em. Khi nhà tuyển dụng hỏi lại, em hiểu gì về kinh doanh nước giải khát của công ty, có kỹ năng gì để nâng mức doanh thu, nếu gặp khách hàng khó tính phải xử lý thế nào..., Tuyết lúng túng: "Em chưa biết gì về công ty, về kinh doanh, nhưng em nghĩ tất cả các tình huống chị đưa ra em đều làm được…". Kết thúc phỏng vấn, chị Hương lắc đầu: "Rất nhiều bạn trẻ cứ trả lời em thích, em muốn... mà không tìm hiểu gì công việc mình sẽ làm nên khó lòng tuyển dụng. Hầu hết các ứng viên đều tỏ ra lúng túng, không giữ thái độ đĩnh đạc biết làm chủ những gì mình nói cho một cuộc phỏng vấn".

Cũng có không ít lao động trẻ tốt nghiệp đại học vài năm chưa tìm được việc làm vì… kén việc. Nhất là, một số sinh viên ở nhóm trường có chất lượng chuyên môn tốt, khi ra trường muốn có ngay những công việc lương cao, có khả năng khẳng định bản thân ngay lập tức. Thế nên, không ít lao động trẻ đến nộp hồ sơ ứng tuyển có tâm lý đòi hỏi doanh nghiệp đáp ứng một số yêu cầu về môi trường làm việc, điều kiện thăng tiến và các khoản lương, thưởng, phụ cấp… Trong khi, họ chưa chứng minh được năng lực cũng như khả năng đáp ứng yêu cầu công việc qua thực tế. Chính tâm lý kén chọn, chưa đánh giá đúng thực lực của không ít lao động trẻ khiến họ đánh mất cơ hội việc làm. Chị Nguyễn Thị Ngần, cán bộ nhân sự Công ty TNHH Viễn Đông cho rằng, những sinh viên tốt nghiệp loại khá, giỏi, cơ hội lựa chọn nghề nghiệp nhiều hơn. Họ có quyền cân nhắc lời mời của nhà tuyển dụng hay từ chối để chờ đợi công việc tốt hơn. Tuy nhiên, dù muốn, nhà tuyển dụng cũng không thể nhận người vừa chập chững làm việc vào vị trí cao của đơn vị nếu chưa qua thử thách công việc và thể hiện năng lực bản thân. Nếu chỉ biết đòi hỏi, lao động trẻ sẽ tự đánh mất cơ hội thử sức và tìm kiếm kinh nghiệm cho công việc và tương lai của mình.

Theo các nhà quản lý lao động, ngoài việc tìm hiểu kỹ thông tin về doanh nghiệp, lao động trẻ nên quan tâm đến nhu cầu tuyển dụng thực sự của họ. Chẳng hạn, có những doanh nghiệp đang cần gấp người có kinh nghiệm làm việc từ 2 – 3 năm để “lấp” vào vị trí đang thiếu, khi đó đối tượng sinh viên mới ra trường sẽ không phù hợp. Lao động học trường nào không quan trọng, điều quan trọng là phải thật sự nỗ lực, có đam mê với công việc của mình. Đừng để doanh nghiệp chọn mình mà hãy chủ động chọn doanh nghiệp sau đó chứng minh bản thân có đầy đủ năng lực tham gia vào đội ngũ đó.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Trải nghiệm thực tế, hoàn thiện kỹ năng

Giữa thời buổi công nghệ phát triển, việc tách con khỏi các thiết bị điện tử là vấn đề được nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Do vậy, thu xếp thời gian và công việc để đưa con đến trải nghiệm thực tế tại các không gian mỹ thuật là việc được nhiều cha mẹ quan tâm.

Trải nghiệm thực tế, hoàn thiện kỹ năng
Trưởng thành hơn từ những sân chơi

Những sân chơi được tạo ra không chỉ dừng lại ở mặt tranh tài để đạt giải thưởng, mà đó là nơi để mỗi sinh viên rèn luyện các kỹ năng và trưởng thành hơn.

Trưởng thành hơn từ những sân chơi

TIN MỚI

Return to top