ClockThứ Năm, 23/04/2015 17:14

Thất thoát sách quý

TTH - Hàng loạt tư liệu quý của các nhà nghiên cứu, các tư gia đang được ráo riết tìm mua. Chuyện mua bán chẳng mấy ồn ào nhưng nhiều cuốn sách, tư liệu quý - một phần gia tài văn hóa quan trọng của Huế - đã lặng lẽ theo chân các nhà sưu tầm rời khỏi Cố đô.

Hồ sơ địa bạ từ thế kỷ 19 được lưu giữ ở thư phòng của nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan

Ráo riết

Thư viện của gia đình nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan hiện lưu giữ trên 11.000 cuốn sách các loại, trong đó có nhiều cuốn sách quý được lưu truyền qua 3 đời, có cuốn đã hơn 250 năm. Trong gia sản sách vở do thân sinh ông Châu Phan để lại, được xem rất quý giá và đầy đủ là khoảng 100 bộ từ điển, trong đó có những bộ rất quý được xuất bản vào những năm đầu của thế kỷ 17, 18, 19 trong đó có nhiều văn bản, hồ sơ về địa bạ, văn bản trao đổi, sang nhượng đất dưới triều Nguyễn... Vì thế, đây là địa chỉ được các nhà sưu tầm sách ráo riết tìm mua. Ông Phan kể, mấy năm qua, phải đến 100 nhà sưu tầm ngoại tỉnh đặt vấn đề muốn mua lại số sách quý này nhưng ông đều kiên quyết từ chối.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, Huế là nơi cất giữ “tài sản” thư tịch rất quý, đặc biệt là những tài liệu thư tịch gốc của một số quan lại triều Nguyễn cung cấp những thông tin sử liệu quan trọng. Nhiều tư gia đang lưu giữ rất nhiều sách và tư liệu quý, trong đó có nhiều cuốn sách, tư liệu quý về Huế. Tuy nhiên, không phải ai cũng có đủ điều kiện để giữ lại những tủ sách quý giá và đồ sộ như ông Phan.

Cuốn sách xuất bản năm 1879 được gia đình ông Châu Phan gìn giữ qua mấy đời

Ông Hoa cho biết thêm: “Cách đây hơn 1 năm khi viết cuốn lịch sử báo chí Huế, tìm đến những gia đình mà tôi biết ngày trước họ có lưu trữ những tư liệu liên quan đến báo chí ngày xưa thì họ đã bán rồi. Có một dạo, những người sưu tập ở Sài Gòn ra Huế tìm mua sách báo với giá rất cao, đặc biệt là báo chí Việt Nam trước năm 1975. Hay cách đây không lâu, một gia đình đã bán bộ sách Ngự y với giá hơn 200 triệu đồng”.

Sưu tầm rồi lại bán đi. Lượng sách quý của Huế trao tay qua nhiều người, có cuốn còn ở Việt Nam hoặc có cuốn đã được đưa ra nước ngoài như một lẽ tự nhiên. Cách đây 2 tháng, bà Judith Henchy, Giám đốc thư viện Đại học Washington, Mỹ đã tìm đến nhà ông Nguyễn Xuân Hoa khi bà về Huế để mua những sách báo liên quan đến Huế.

Giữ sách không dễ

Rất nhiều người tìm mua sách ở các thư viện tư nhân. Những sách đó đều là sách quý, có thể có một vài bản hoặc chỉ một bản duy nhất. Có những người bán sách với giá khá cao. Vì thế, sách, tư liệu quý của Huế dần bị thất thoát, không phải mới vài năm nay mà âm thầm diễn ra cách đây vài chục năm. 

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan

Nhiều người cho rằng, yêu sách nhưng lưu giữ, bảo quản được chúng không phải là việc dễ trong điều kiện thời tiết của Huế rất dễ làm hư sách, nhất là sách cổ. Muốn giữ sách phải có phương tiện quá tốn kém. Như nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan, mỗi tháng mất vài triệu đồng để trang bị máy lạnh giữ cho thư phòng khô ráo.

Nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh vẫn chưa quên ký ức kinh hoàng với những thiệt hại mà trận lụt năm 1999 gây ra cho vốn “tài sản” mà ông rất mực nâng niu: trên 500 cuốn sách bị ngâm trong nước lũ gần 3 ngày trời. Đưa cho tôi xem những cuốn sách mang dấu tích của cơn lũ lịch sử, ông không thể lật giở từng trang khi giấy bị mục, rít cứng. Thế nhưng, ông vẫn một lòng yêu và cất giữ cẩn thận. “Tôi không bán mà tặng cho các bảo tàng, thư viện để được lưu giữ, vì bán thì không biết sách của mình đi về đâu”, nhà nghiên cứu Hồ Vĩnh chia sẻ. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Châu Phan, có nhiều lý do khiến người ta phải bán sách. Sách được giá, nhà dột không có tiền sửa thì phải bán để cứu những cuốn sách khác.

Có người đã bỏ công sức cả một đời để xây dựng tủ sách của gia đình. Hầu như tất cả tài sản, họ đều dồn mua sách, ngay cả vào những thời điểm khó khăn nhất. Khối lượng sách mà họ sưu tập được rất lớn với lượng thông tin có giá trị về mặt nghiên cứu khoa học. Đến bây giờ, có người tuổi đã cao, con cái không đam mê để trao truyền vì vậy, họ đã bán dần cho những người chơi sách cổ từ TP Hồ Chí Minh.

Minh Hiền
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia

Nhân Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ 3 năm 2024, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Thông tin – Truyền thông, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.

Sách Huế trong Hội Sách Quốc gia
Return to top