ClockThứ Hai, 14/12/2015 20:19

Thầy Bảy nuôi dạy trẻ

TTH - Vượt qua nhiều trở ngại, dị nghị, thầy Bảy vẫn làm tốt công việc nuôi dạy trẻ, luôn được đồng nghiệp, phụ huynh tin tưởng, học trò yêu mến.

Thầy Bảy dạy học trò múa, hát

 
Về xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy hỏi thầy Phạm Văn Bảy dạy mầm non thì từ trẻ con tới người già ai cũng biết. 
Sinh năm 1988 ở Hoằng Hóa, Thanh Hóa, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm mầm non Trường đại học Hồng Đức – Thanh Hóa, tháng 11/2010 thầy Bảy về nhận công tác tại Trường mầm non Phú Sơn (TX Hương Thủy) cho đến bây giờ.
Thầy Bảy nhớ lại: “Khi đăng ký thi vào ngành sư phạm mầm non, gia đình mình phản đối giữ lắm. Bố mẹ hướng mình đi học sư phạm nhưng là cấp 2, cấp 3 thôi. Tuy bị phản đối, mình vẫn giữ lập trường, vì thấy sức học cũng như năng khiếu cá nhân phù hợp với môi trường giáo dục mầm non và hơn hết mình rất yêu trẻ con. Sau một thời gian thuyết phục, bố mẹ cũng đồng ý. Khi đi học, ở lớp có 5 bạn là nam nên thấy mình không bị cô lập, càng học mình càng thấy hứng thú”.
Mới về trường, mọi chuyện đều bỡ ngỡ, những gì được học và thực tế không giống nhau. Ngay từ ngày đầu tiên nhận lớp, phụ huynh có vẻ rất ái ngại khi giáo viên phụ trách lớp con mình là nam còn học trò thì sợ hãi không chịu nói chuyện với thầy. Bằng sự ân cần và năng khiếu bắt chuyện với trẻ con, thầy Bảy nhanh chóng được những đứa trẻ yêu mến.
Đến một vùng đất hoàn toàn xa lạ, không hề có lấy một người thân để nhận công tác, lại là một trường miền núi còn khó khăn, gặp không ít trở ngại nhưng thầy Bảy chưa từng có ý định từ bỏ công việc. “Lúc trước, những người dân trong xã còn trêu chọc em là “chị Bảy” hay “bông hoa đẹp nhất trường”. Kệ ai nói gì thì nói, miễn mình làm tốt công việc mình yêu thích. Có người còn khuyên là kiếm công việc khác chứ đi dạy trẻ rồi ế vợ cho coi. Thế mà vào công tác được hơn một năm, cô Phú (đồng nghiệp cùng trường) “đã say” em như điếu đổ, giờ vợ chồng em đã có hai cháu rồi đấy”, thầy Bảy hài hước kể.
 Múa hát hay vệ sinh cho các cháu lúc đầu cũng hơi khó khăn vì số lượng cháu thì đông mà lại là nam giới không khéo léo như các cô. Nhưng khi đi học thầy Bảy cũng đã xác định đó là công việc của một người nuôi dạy trẻ nên cố gắng để bắt nhịp và làm tốt công việc. “Nữ làm được thì nam cũng làm được, khi mình yêu trẻ, yêu công việc thì không quá khó như nhiều người vẫn nghĩ. Không chỉ riêng mình mà rất nhiều thầy đã làm tốt đó thôi. Giờ có được lựa chọn lại mình vẫn chọn nghề dạy trẻ. Sự đam mê, nhiệt huyết với nghề và tình yêu đối với lũ trẻ đã ngấm vào máu mình rồi”, thầy Bảy tâm sự.
Chứng kiến cử chỉ âu yếm, nhẹ nhàng dỗ dành từng đứa trẻ, ân cần đút từng thìa cơm cho những cháu lười ăn cho đến các động tác khi múa, hát, làm quản trò cho các cháu mới thấy thầy Bảy nuôi dạy trẻ không kém ai. Dạy mầm non không đơn giản, bởi lứa tuổi này các cháu chưa có ý thức kỷ luật thích là nghe theo không thích là khóc, rồi nhiều cháu giành đồ chơi với bạn không được là đánh bạn, cắn bạn… Sự nỗ lực của thầy Bảy trong suốt năm năm qua là không hề nhỏ. Không những thế, lớp thầy Bảy phụ trách luôn đứng đầu trong các hoạt độngvăn nghệ, trò chơi… của trường.
Cô Nguyễn Thị Bòng, Hiệu trưởng Trường mầm non Phú Sơn nhận xét: Không những có nghiệp vụ sư phạm rất tốt thầy Bảy còn là một giáo viên nhiệt tình, năng nổ và mến trẻ. Thầy Bảy hiện là tổ trưởng tổ chuyên môn mẫu giáo, ba năm liền là chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Từ khi về công tác ở trường cho đến bây giờ, chưa phụ huynh nào phàn nàn về khả năng nuôi dạy trẻ của thầy. Trong trường có một giáo viên nam rất thuận lợi, những công việc nặng nhọc cần đến bàn tay đàn ông đều do thầy Bảy đảm nhận. Nhà trường cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện phân công thầy Bảy phụ trách lớp lớn (5 tuổi), mỗi lớp như vậy đều có hai giáo viên thì thầy Bảy chủ yếu phụ trách về công tác giáo dục.
Bài, ảnh: Trần Thanh Thảo
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

TIN MỚI

Return to top