ClockThứ Ba, 18/11/2014 15:01

Thầy đã thay đổi cuộc đời tôi

TTH - Ngay từ hồi còn là học sinh cấp hai tôi đã rất yêu thích môn văn học cổ. Tôi đặc biệt thích thơ của Bà Huyện Thanh Quan. Đọc thơ của bà khiến cho tôi có cảm giác mình được gần hơn với một cuộc sống đã trở thành quá khứ nhưng rất đẹp, rất đáng yêu.

Khuynh hướng thích học văn của tôi có lẽ bộc lộ từ năm đầu cấp, nhưng vì không ai để ý, cộng thêm tính lơ tơ mơ nên kết quả cũng chỉ làng nhàng. Tính tôi hồi đó tương đối rụt rè. Những điều thầy, cô giáo đặt ra tôi đều có thể giải đáp được nhưng tôi lại thiếu hẳn sự mạnh dạn để xung phong trả lời trước lớp. Mồ côi mẹ từ năm 6 tuổi, mẹ kế lại hay chì chiết chê bai nên tôi vẫn mang mặc cảm về bản thân. Tuổi đang còn non nớt, tôi cũng chẳng ý thức được gì về những giá trị tinh thần lẫn tư chất của mình.

Cho đến một ngày, năm đó tôi vừa lên lớp 7 chưa được bao lâu… Dạy văn lớp chúng tôi là thầy Thám. Vẻ ngoài không có gì đặc biệt nhưng thầy lại có đôi mắt ngời sáng khi giảng văn. Thầy giảng bài rất thu hút, nhất là khi thầy bình giảng, phân tích về các tác phẩm văn thơ cổ. Hôm đó là tiết trả bài tập làm văn của tuần trước, bài làm đầu tiên của năm học mới. Như mọi khi, tôi bình thản, hơi có chút lơ đãng - ngồi chờ nhận lại bài làm của mình. Đột nhiên, tôi nghe như thầy có nhắc đến tên mình... Gì thế này, tôi ngơ ngác.
Thầy đang gọi tên tôi thật. Chính xác, thầy đang nhắc lại câu hỏi một lần nữa:
- Trong lớp này, em nào tên là N.?
 Cả lớp đổ dồn mắt về phía tôi, còn tôi thì hơi ngơ ngác pha lẫn hồi hộp. Đến lúc cả lớp đồng thanh chỉ về phía tôi. Thầy nhìn tôi, thoáng có chút ngạc nhiên thú vị. Thầy cười, rồi buông một câu nhận xét, làm tôi vừa ngượng vừa... quê:
- Sao làm văn hay thế mà chẳng hề thấy hoạt động gì vậy em?!
Trời ạ, cứ như có một luồng điện vừa kích vào tim tôi vậy. Đây chẳng phải là một sự kiện lớn lần đầu xảy ra trong đời tôi là gì? Được thầy gọi đích danh, không phải la mắng, phê bình mà là để khen nữa chứ! Rồi thầy công bố bài văn của tôi được điểm nhất lớp, đó là bài tập làm văn bình giảng bài thơ “Thăng Long thành hoài cổ” của Bà Huyện Thanh Quan... Hôm đó tôi được thầy giao cho làm sơ-mi (một vinh dự của những học sinh có điểm nhất các môn học hồi đó, được làm việc thống kê, ghi điểm vào sổ điểm theo thứ tự điểm từ cao nhất xuống thấp nhất của cả lớp).
Kể từ đó trở đi, tôi như vượt thoát ra khỏi cái lốt vịt xấu xí. Tôi học chăm hẳn lên, không còn cái tính hay rụt rè e sợ, trái lại ngày càng tự tin hơn về sức học của mình và dần dẫn đầu môn văn của lớp. Thỉnh thoảng, trong giờ học văn, tôi vẫn bắt gặp ánh mắt biết cười của thầy Thám khi thấy tôi năng động, hoạt bát, tuy vậy tôi không còn cảm thấy e ngại, ngượng ngùng, bởi tôi biết thầy đang vui vì đã làm thay đổi được một con người...
Những năm học trung học đệ nhất cấp ở Nữ Thành Nội, ngoài thầy Thám, tôi còn may mắn được học văn với cô Hoàng Thị Thương, cô giáo dạy văn năm tôi học lớp 9. Cô Thương cũng là một giáo viên mà tôi luôn thầm ngưỡng mộ, mến yêu. Đó là hai người thầy đã khắc sâu dấu ấn lên tình yêu văn học của tôi từ buổi đầu đời và khiến tôi nhớ mãi đến giờ! Cảm ơn các thầy, các cô đã dạy dỗ dìu dắt những bước chân non chập chững của bao lứa học trò Nữ Trung học Thành Nội buổi ấy, trong đó có tôi. Cảm ơn thầy Thám, cô Thương, những người thầy, cô đã đem tình yêu văn học gieo mầm trên cánh đồng hoang sơ là mảnh hồn tôi-một con bé sớm mồ côi mẹ, không được vỗ về thương yêu-để những cằn khô của cuộc đời không có cơ hội xâm lấn…
Từ Nguyễn
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Làm gì cũng cần có sự chuẩn bị trước”

Đó là chia sẻ của ông Võ Quang Huệ, cố vấn cấp cao của Tập đoàn Vingroup đến sinh viên, giảng viên Đại học Huế trong buổi tọa đàm “Dặm đường tôi đi: Hành trình từ BMW, Bosch đến Vinfast” do Khoa Kỹ thuật và Công nghệ - Đại học Huế tổ chức sáng 19/4.

“Làm gì cũng cần có sự chuẩn bị trước”
Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học

Với mục tiêu đào tạo các thế hệ học sinh phát triển toàn diện, cùng với đầu tư cơ sở vật chất, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) TP. Huế triển khai nhiều giải pháp trong đổi mới giáo dục tiểu học (TH), giúp học sinh tiếp cận phương pháp giảng dạy hiên đại, phát triển các khả năng hội nhập, như kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, ngoại ngữ, giao tiếp…

Hiệu quả từ đổi mới giáo dục tiểu học
Tổ chức ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam

Chiều 17/4, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Thuận An phối hợp Trường tiểu học Phú Tân (phường Thuận An, TP. Huế) tổ chức chương trình Ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam.

Tổ chức ngày sách và văn hoá đọc Việt Nam
Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12

Trong hai ngày 16 và 17/4, tất cả học sinh lớp 12 trên toàn tỉnh tham gia làm bài thi khảo sát theo đề chung, được tổ chức như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây được xem là bước khảo sát kiến thức trước khi bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Tổ chức thi thử tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12
Return to top