ClockThứ Ba, 25/04/2017 14:12

Thay đổi cách học phù hợp với phương án thi mới

TTH - Theo phương án tổ chức kỳ thi trung học phổ thông (THPT) Quốc gia năm 2017 mà Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đã công bố, trừ môn ngữ văn, tất cả các môn còn lại đều thi theo hình thức trắc nghiệm. Đây là thay đổi lớn nhất và cũng gây lo lắng nhiều nhất cho thí sinh, đòi hỏi cách học của học sinh cũng phải có nhiều thay đổi.

Việc nắm chắc kiến thức cơ bản là điều cần thiết nhất để học sinh có thể xử lý nhanh và linh hoạt các bài tập

Thay đổi cách học

Đề thi ở các môn ngoài môn ngữ văn năm nay không có phần tự luận – phần kiểm tra kỹ năng viết, mà tập trung vào phần trắc nghiệm, đòi hỏi học sinh phải vượt qua được áp lực thời gian. Sự thay đổi này khiến nhiều học sinh ngỡ ngàng và khó bắt kịp nếu không dành nhiều thời gian ôn luyện. Đối với hình thức trắc nghiệm, khó khăn lớn nhất là học sinh phải vận dụng cả kiến thức và kỹ năng để tìm ra đáp án đúng trong khoảng thời gian tương đối ngắn. Theo ý kiến của một số giáo viên dạy toán THPT, việc nắm chắc kiến thức cơ bản là điều cần thiết nhất để có thể xử lý nhanh và linh hoạt. Võ Thành Đạt (lớp 12 chuyên toán 1, Trường THPT Chuyên Quốc Học) chia sẻ: “Em dành thời gian để đọc sách giáo khoa lại từ đầu, ghi nhớ những kiến thức cơ bản, cũng như thường làm các dạng bài nhiều lần, để hiểu sâu hơn, từ đó có phản xạ nhanh khi giải bài”.

Bên cạnh những phương pháp làm bài trắc nghiệm nhanh, phương pháp loại trừ đáp án, phương pháp phán đoán câu trả lời đúng, đối với từng môn, học sinh được giáo viên dạy các “mẹo” giải đề. Ở môn toán, mẹo sử dụng máy tính Casio trong một số trường hợp có thể thực hiện phép tính để giải nhanh bằng máy tính Casio (như bài toán tìm giá trị lớn nhất, giải phương trình bậc hai…).

Không chỉ các môn khoa học tự nhiên mà các môn khoa học xã hội năm nay cũng thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Với những môn khoa học xã hội như sử, địa, học sinh nên làm “sơ đồ tư duy” dựa trên nguyên lý từ “cây” đến “cành” đến “nhánh”, từ ý lớn đến ý nhỏ. Thông qua “sơ đồ tư duy”, học sinh biết cách tổng hợp và xâu chuỗi kiến thức theo trình tự và lý giải các mối quan hệ tác động giữa các vấn đề, sự kiện. Ở các câu hỏi, học sinh nên chú ý “từ khóa” để có thể giải quyết nhanh câu hỏi và tránh lạc đề.

Cô giáo Cao Thị Mai Huyền, giáo viên môn lịch sử Trường THPT Gia Hội, chia sẻ: “Hình thức thi trắc nghiệm đòi hỏi học sinh phải nhớ chính xác các kiến thức đã được học. Khi dạy, tôi thường dùng phương pháp vừa học, vừa thực hành. Sau mỗi bài và mỗi chương, tôi soạn sẵn các câu trắc nghiệm để học sinh làm tại lớp. Môn lịch sử có những câu hỏi khó, không đơn thuần chỉ học thuộc bài mà còn đòi hỏi phải xâu chuỗi kiến thức, có sự phân tích, đánh giá, tổng kết, tìm được mối liên hệ giữa các chương, bài”.

Luyện thi ở trung tâm

Thời điểm nước rút khi mà kỳ thi THPT Quốc gia 2017 cận kề, nhiều trung tâm luyện thi mở các lớp ôn tập, luyện thi cho học sinh với đa dạng cách thức học, bắt kịp cách thức thi mới năm nay và theo nhu cầu của phụ huynh, học sinh. Học sinh có thể lựa chọn theo học lớp chuyên luyện đề để theo kịp hình thức thi mới hoặc là lớp học kiến thức theo chương trình sách giáo khoa và nâng cao. Ngoài ra, các trung tâm còn mở lớp theo hình thức học đại trà (dưới 80 học sinh) hoặc lớp học kèm (dưới 5 em), học phí theo đó dao động từ 300.000 – 800.000 đồng/học sinh/tháng.

Ở trung tâm luyện thi, học sinh được ôn lại kiến thức đã học trên lớp, mở rộng kiến thức nâng cao, có thời gian tương tác nhiều hơn giữa học sinh và giáo viên, và có thể trao đổi những thắc mắc trong quá trình tiếp thu bài học. Ngoài ra, với lượng thời gian nhiều hơn, học sinh được hướng dẫn các “mẹo” và phương pháp giải quyết bài tập. Đức Nhung, học sinh lớp 12 Trường THPT Hương Vinh cho biết: “Ngoài việc học trên lớp, em còn đăng ký luyện thi ở trung tâm để mở rộng kiến thức, được hướng dẫn phương pháp và có nhiều thời gian luyện đề. Em nghĩ, các môn thi trắc nghiệm đòi hỏi phải nhanh, nên ở các dạng bài cần làm thành thục để có phản xạ nhanh”.

Theo khảo sát tại một số trung tâm luyện thi trên địa bàn thành phố, số lượng học sinh theo học những năm gần đây có chiều hướng giảm đi, riêng môn sử năm nay số lượng học sinh đăng ký tăng lên. Một trong những nguyên nhân vì học sinh có nhiều sự lựa chọn học ôn thi, trong đó có luyện thi trực tuyến, chủ động được thời gian và tiết kiệm chi phí học tập hơn.

Mặc dù “mẹo” là con đường ngắn nhất để thí sinh làm bài thi nhanh, nhưng cần lưu ý, để sử dụng “mẹo” tốt mà không làm lệch lạc bản chất, học sinh cần phải học “chắc” để có nền tảng kiến thức tốt. “Mẹo” chỉ là cách để vận dụng kiến thức nhanh hơn và không được làm “ngắn” đi tư duy bài bản, đó mới là cách học hiệu quả về lâu dài, giữ được kiến thức tốt để sử dụng cho quá trình học tập, tư duy sau này.

Phước Ly

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Lùi lại” để sống bên con

Mùa thi cận kề, nhưng không ít phụ huynh đã bắt đầu thay đổi quan điểm, không còn quá kỳ vọng vào thành tích của con. Điểm cao cũng tốt, không cao cũng không sao miễn con vui khỏe là được. Tôi hiểu điều này khi mình cũng đang có hai con đang ở tuổi đến trường và cũng ở chung tâm trạng lo lắng khi tình trạng học sinh trầm cảm dẫn đến tự tử như một cách để giải thoát… đang lan truyền. Câu chuyện tưởng chừng đã cũ nhưng hệ lụy để lại đầy xót xa.

“Lùi lại” để sống bên con
Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó

Ngày 14/4, tại Công viên Tứ Tượng (TP. Huế), Quỹ Giáo dục Huế hiếu học (Quỹ) tổ chức trao học bổng học kỳ 2 năm học 2023 – 2024 cho các sinh viên, học sinh nghèo, vượt khó vươn lên trong học tập. Đến dự có UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân.

Trao học bổng hiếu học cho sinh viên, học sinh nghèo vượt khó
Giúp người dân hình thành các hành vi sức khoẻ

Sáng 10/4, tại Trạm Y tế phường Thuỷ Biều, TP. Huế, Trường đại học Y - Dược, Đại học Huế phối hợp với Tổ chức Arpan Global, Hoa Kỳ tổ chức ngày hội sức khoẻ (Health Fair) năm 2024.

Giúp người dân hình thành các hành vi sức khoẻ
Return to top