ClockThứ Tư, 07/09/2016 08:32

Thay đổi tư duy để giảm nghèo bền vững: Cho “cần câu”, tránh ỷ lại

Theo cách tính mới, tỷ lệ hộ nghèo nước ta đã tăng từ dưới 5% năm 2015 lên gần 10% năm 2016. Do đó, để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020, các cấp, các ngành, địa phương cần thay đổi phương pháp tiếp cận giảm nghèo, tránh tình trạng cấp, phát, nặng tính cho không, khiến người dân ỷ lại, không muốn thoát nghèo như hiện nay.

Tuyên dương hộ thoát nghèo, chú trọng hỗ trợ tư vấn, kỹ thuật cho các hộ sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý... là hàng loạt giải pháp mà các địa phương đã triển khai. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn không ít khó khăn trong việc giúp người dân giảm nghèo bền vững.

Tuyên dương hộ thoát nghèo

Trong giai đoạn 2010 - 2015, Việt Nam đã giảm tỷ lệ nghèo từ 15% xuống 5%. Tuy nhiên việc giảm nghèo chưa có tính bền vững, cứ 3 người thoát nghèo thì có 2 người có nguy cơ tái nghèo. Do đó, các cấp, các ngành, địa phương đang từng bước thay đổi phương pháp tiếp cận để có thể đạt được mục tiêu giảm bền vững trong giai đoạn tới.

Lãnh đạo Bộ đội biên phòng tỉnh Lai Châu trao bò giống cho bà con xã biên giới Bản Lang, huyện Phong Thổ. Ảnh: Nguyễn Công Hải-TTXVN

Tại huyện Lục Ngạn, Bắc Giang trong giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ hộ nghèo tại 13/30 xã, thị trấn đã giảm xuống 34% nhưng theo kết quả mới công bố, tỷ lệ này hiện nay là hơn 50%. Theo ông Trương Văn Năm, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn, một trong những nguyên nhân ảnh hưởng đến hiệu quả của giảm nghèo là tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào nguồn hỗ trợ của một số hộ nghèo. Để khắc phục, huyện Lục Ngạn đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc khen thưởng hộ tự nguyện xin thoát nghèo. 44 gia đình trên địa bàn làm đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo đã được tuyên dương, trở thành động lực thúc đẩy nhiều hộ dân khác mạnh dạn tìm hướng sản xuất, nỗ lực vươn lên. Đồng thời, huyện cũng đẩy mạnh xã hội hóa, tập trung các nguồn lực nâng cao dân trí; chuyển dịch cơ cấu kinh tế hợp lý, lựa chọn mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp để nhân rộng...

Cùng với nỗ lực thay đổi tâm lý ỷ lại của người dân, các địa phương cũng tăng cường việc hỗ trợ tư vấn kỹ thuật cho các hộ tham gia các mô hình sản xuất mới nhằm giúp bà con nâng cao hiệu quả kinh tế. Đơn cử, như nhóm sản xuất mô hình 2G, trồng gừng và gấc, của chị Trương Thị Thủy, Ái Thượng, huyện Bá Thước, Thanh Hóa.

“Việc trồng gừng và gấc nhằm mục đích cải tạo vườn, tận dụng các phế thải nông nghiệp và của gia súc để làm phân vi sinh bón cho cây trồng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Vấn đề quan trọng nhất là nhóm sản xuất đã lập kế hoạch và nâng kỹ năng quảng bá sản phẩm cũng như đầu ra cho sản phẩm”, chị Trương Thị Thủy chia sẻ.

Bà Lăng Thị Hoa, Chủ nhiệm hợp tác xã Hợp Lực, chuyên sản xuất phở khô thị trấn Phủ Thông, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn, cũng cho biết: “Trước đây, việc tiêu thụ sản phẩm của cơ sở gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, từ khi được tư vấn kỹ thuật, cơ sở chú trọng hơn đến việc xây dựng thương hiệu, ghi rõ xuất xứ khi đóng gói hàng hóa, nên hiệu quả tiêu thụ sản phẩm tốt hơn, nhất là bán cho khách du lịch. Nhờ đó, đã thu hút 20 hội viên hội phụ nữ tham gia, thu nhập ổn định khoảng 3 - 4 triệu đồng/tháng, góp phần giúp các hội viên hợp tác xã thoát nghèo”.

Nhiều “lực cản”

Mặc dù đã xác định cần thay đổi hướng tiếp cận để đạt mục tiêu giảm nghèo bền vững nhưng tại nhiều địa phương, công tác này vẫn gặp nhiều khó khăn mà nguyên nhân chính vẫn là tâm lý ỷ lại xuất phát từ chính sách nặng tính cho không kéo dài.

Theo ông Lãn Xuân Huyên, Phó Giám đốc Sở LĐTBXH Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng đang triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người nghèo như: Các chương trình 135, 30a của Chính phủ; chính sách ưu đãi tín dụng; bảo hiểm y tế cho hộ nghèo, hỗ trợ về giáo dục, đất sản xuất, nước sinh hoạt; chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm; chính sách hỗ trợ tiền điện; hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo trong sản xuất bằng giống lúa lai, ngô lai, phương tiện sản xuất và nhiều hộ được hỗ trợ giống vật nuôi... Do có nhiều ưu đãi, nhất là việc cấp không từ giai đoạn 2010 - 2015 nên đến nay, nhiều hộ dân tại địa phương vẫn nặng tâm lý ỷ lại, không muốn thoát nghèo.

Cùng với đó, sự chồng chéo trong chính sách cũng đang là một “lực cản” ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác giảm nghèo. Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, trong vòng 10 năm qua, Nhà nước đã ban hành khoảng 80 văn bản chỉ đạo, định hướng, văn bản quy phạm pháp luật về chính sách giảm nghèo. Đó là chưa kể mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lại có những chính sách, chế độ ưu đãi riêng đối với hộ nghèo. Đơn cử như chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo quyết định 134 và 167 trên cùng một địa bàn nhưng các mức hỗ trợ khác nhau.

Đối với chương trình dạy nghề cũng có tới hơn chục đơn vị tổ chức dạy nghề hỗ trợ hộ nghèo như: Dạy nghề 1956 trước đây, dạy nghề nông thôn mới, dạy nghề Chương trình 30a... Tương tự, với những dự án xây dựng hạ tầng, từng xuất hiện tình trạng mỗi dự án triển khai một hợp phần dẫn đến các công trình đầu tư dàn trải, chậm đưa vào sử dụng.

Ông Dương Viết Phan, cán bộ dự án hỗ trợ giảm nghèo PRPP, cho rằng, điểm yếu khi thực hiện các dự án giảm nghèo tại các vùng sản xuất là vấn đề xây dựng thương hiệu và đầu ra của sản phẩm. Nhiều vùng tập trung quá vào việc đầu tư khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, sản lượng nhưng chưa tập huấn cho người dân, cộng đồng phương pháp lập kế hoạch và tiêu thụ sản phẩm dẫn đến “được mùa rớt giá”.

Theo ông Ngô Trường Thi, Chánh Văn phòng Quốc gia giảm nghèo (Bộ LĐTBXH), bài học về giảm nghèo giai đoạn vừa qua cho thấy, địa phương nào cấp ủy quan tâm chỉ đạo, phát huy được vai trò của cộng đồng và chính người nghèo thì kết quả giảm nghèo ở đó đạt hiệu quả tốt. Chính vì vậy trong giai đoạn 2016 - 2020, cùng với việc tiếp tục đầu tư, hỗ trợ cơ sở hạ tầng thiết yếu, tạo khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ bản của người dân, hỗ trợ tạo sinh kế cho người nghèo, thì vấn đề quan trọng là đổi mới cơ chế, cách làm thay vì hỗ trợ từ trên xuống như trước.

Theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016 - 2020, cả nước hiện có hơn 2,3 triệu hộ nghèo (chiếm tỉ lệ 9,88% so với tổng số hộ dân cư trên toàn quốc) và hơn 1,2 triệu hộ cận nghèo (chiếm tỉ lệ 5,22%) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016 - 2020. Trong khi đó Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 đặt mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo cả nước bình quân 1 - 1,5%/năm (riêng các huyện nghèo, xã nghèo giảm 4%/năm; hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 3 - 4%/năm).

Theo Báo Tin tức

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm nghèo bền vững từ Chương trình mục tiêu Quốc gia

A Lưới tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, có hiệu quả các nguồn vốn từ 3 chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG). Huy động các nguồn lực để đẩy mạnh tiến độ xóa nhà tạm, phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm xuống dưới 12,01%.

Giảm nghèo bền vững từ Chương trình mục tiêu Quốc gia
A Lưới
Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia

Sáng 28/2, UVTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình đã có buổi làm việc với UBND huyện A Lưới về kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) Giảm nghèo bền vững và Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi.

Đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các Chương trình mục tiêu Quốc gia
Hiệu quả từ công tác giảm nghèo

Năm 2023, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tỷ lệ giảm nghèo toàn TP. Huế đạt trên 157% so với chỉ tiêu HĐND thành phố giao với số hộ giảm 533/338 hộ, đạt trên 394% kế hoạch cấp tỉnh giao (533/135 hộ), góp phần cùng với cả tỉnh thực hiện tốt mục tiêu giảm nghèo bền vững (GNBV) trên địa bàn.

Hiệu quả từ công tác giảm nghèo
Giảm nghèo từ mô hình hỗ trợ sinh kế

Bằng nhiều giải pháp và cách làm cụ thể, thời gian qua số hộ nghèo trên địa bàn phường Đông Ba, TP. Huế ngày càng giảm, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững (GNBV) của thành phố.

Giảm nghèo từ mô hình hỗ trợ sinh kế
Return to top