ClockThứ Năm, 07/01/2016 09:39

Thầy Đôn hát Kiều

TTH.VN - Dưới chân đèo Ngang, khuất trong làng Quảng Kim, tỉnh Quảng Bình, thầy giáo già Đặng Văn Đôn, một người Huế luôn được người làng kính trọng, vì say mê hát Kiều, sau khi nghỉ hưu, ông đã ở lại quê vợ để sưu tầm, biên soạn, phục dựng gánh hát Kiều cho người làng.
 

Ông Đặng Văn Đôn với cuốn kịch bản hát Kiều Quảng Kim do ông dày công sưu tầm và biên soạn

Bén duyên

Hát Kiều là hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian độc đáo duy chỉ có ở làng Quảng Kim, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Sử làng còn ghi, những khúc hát Kiều Quảng Kim có hơn 200 năm nay. Mỗi dịp tết thanh minh, cả làng tập trung ở nhà thờ họ lớn nhất, hoá thân thành các nhân vật trong truyện Kiều. Đạo cụ duy nhất của hát Kiều chỉ là chiếc trống con, nhưng dưới bàn tay tài hoa của các cụ, cùng giọng hát cao trong đặc trưng của người Quảng Kim, các sắc thái buồn, vui, giận, hờn, yêu thương… của các nhân vật được tái hiện rõ nét, sinh động. Để diễn hết tích Kiều, các “nghệ sĩ làng” phải diễn đến 3 đêm.

Từ năm 1935-1945, làng có hai đoàn hát Kiều do ông Đại và ông Từ Huệ phụ trách, đây là khoảng thời gian mà hát Kiều trong xã hưng thịnh nhất. Đến những năm kháng chiến chống Mỹ, chiếu Kiều Quảng Kim lắng xuống. Sau ngày đất nước hoà bình, niềm yêu thích hát Kiều của người làng chỉ còn trong ký ức, người làng thi thoảng mới được các cụ cao niên biểu diễn các trích đoạn trong những dịp gặp mặt đầu xuân. Thấy vậy, ông Từ Xuân Ấn (một người làng từng diễn vai Từ Hải – NV) đã mời thầy giáo Đặng Văn Đôn – vừa mới nghỉ hưu cùng sưu tầm các trích đoạn Kiều qua lời hát của các cụ.

Là người Huế, gốc Điền Hải, huyện Phong Điền, năm 1963, sau khi tốt nghiệp ngành Vật lý, Trường đại học Sư phạm Hà Nội, ông Đặng Văn Đôn về công tác tại cấp 3 thị trấn Ba Đồn, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Tại đây, ông đã gặp và kết duyên chồng vợ với bà Từ Thị Thanh Hồng, cô gái Quảng Kim xinh đẹp, đảm đang, rất mê hát Kiều. Mối tình của họ trải qua bao vất vả khi ông liên tục thay đổi nhiệm sở công tác. Sau giải phóng năm 1976, thời kỳ 3 tỉnh Thừa Thiên, Quảng Bình và Quảng Trị được sáp nhập thành một tỉnh có tỉnh lỵ đóng tại thành phố Huế, ông được điều về làm Phó Hiệu trưởng Trường trung học Sư phạm Huế, nay là Trường Cao đẳng Sư phạm Huế. Đến năm 1977, ông lại về làm Trưởng phòng Giáo dục huyện Hương Điền (thời kỳ chưa chia tỉnh, huyện Hương Điền là tên gọi của 3 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà). Năm 1983, ông xin về công tác tại Quảng Bình để được gần vợ gần con. Năm 1989, ông có quyết định về hưu, chọn mảnh đất Quảng Kim làm quê hương thứ hai làm nơi nghỉ chân về già.

Ông Đặng Văn Đôn (thứ 3 bên phải sang, hàng trước) vào vai Thúc Sinh cùng các thành viên CLB hát Kiều Quảng Kim

 

Ông Đôn kể: “Khi mới bắt đầu sưu tầm, nhiều lần tôi định bỏ cuộc bởi có quá nhiều dị bản Kiều. Cách hát mỗi người một khác, rồi cùng với lối nhớ không văn bản của các cụ cao niên, tôi đã ghi chép lại hàng trăm trang giấy. Công việc ấy tôi làm mất 4 năm. Sau khi đối chiếu dựa trên nội dung Truyện Kiều của Nguyễn Du, cùng lối diễn xướng dân gian kết hợp hát tuồng Quảng Bình, tôi cùng ông Ấn đã hoàn thiện kịch bản hát Kiều Quảng Kim với 65 trang, 32 điệu. Ngoài những làn điệu hát như hát lối, hát xướng, ngâm thơ, tôi còn sưu tầm thêm các điệu hát riêng của người Quảng Kim như điệu “la chớ”, điệu “dạo gót vườn đào”….”

Công việc sưu tầm, hoàn thiện kịch bản của ông nhận được sự đánh giá cao của các nhà sưu tầm văn hoá dân gian. Trong một lần đến Quảng Kim nghe hát Kiều, Tiến sĩ Nguyễn Tri Nguyên – nguyên Viện phó Viện Văn hóa nghệ thuật Việt Nam nhận xét : “Hát Kiều ở Quảng Kim mang nhiều nét độc đáo bản địa, khác với hát Kiều của Nghệ Tĩnh; là một kho tàng âm nhạc dân gian quý giá cần được bảo tồn và phát triển. Công việc sưu tầm và biên soạn kịch bản hát Kiều của người làng là nguồn tư liệu quý để phục dựng hình thức sinh hoạt dân gian đặc sắc này.”

Sau khi hoàn thiện kịch bản, năm 1993, ông Đôn cùng ông Từ Xuân Ấn thành lập CLB hát Kiều, tập hợp gần 25 cụ cao niên trong làng. Ông được người làng tin tưởng giao vai Thúc Sinh và quan huyện trong chiếu Kiều.

Hát Kiều bằng giọng Huế

Với lối hát mộc mạc, cùng chất giọng trời phú, người Quảng Kim hát Kiều làm mê đắm nhiều khán giả tại các sân khấu trong huyện, trong tỉnh. Thời gian đầu khi CLB thành lập, người nghe rất dễ nhận ra ông Đôn không phải người làng bởi lối phát âm nặng đặc trưng của người Huế, cùng chất giọng ngắn, trong vai Thúc Sinh. Ông Đôn nhiều lần từ chối vai Thúc Sinh nhưng người làng không lấy đó làm lý do để từ chối mà ngược lại, rất động viên ông. Họ yêu ông bởi sự tận tâm, sự chân thành và nỗ lực hết mình trong tập luyện.

Bà Giản Thị Thi- người đóng Thuý Kiều trong CLB chia sẻ: “Anh Đôn biết được nhược điểm của giọng hát nên anh hay ở lại sau mỗi buổi tập của CLB để nhờ bác Ấn (ông Từ Xuân Ấn- NV) luyện luyến láy cho. Vì thế mà giọng hát của anh tiến bộ rất nhanh. Trong các trích đoạn có nhân vật Thúc Sinh, anh Đôn dần xây dựng được hình tượng Thúc Sinh phong lưu, tài hoa đặc trưng của xã hội phong kiến. Khi anh hoá thân thành vai quan huyện, với tài ứng biến linh hoạt, cùng lối dẫn thoại ứng ngôn, không hát, anh để lại ấn tượng trong lòng khán giả hình ảnh một viên quan huyện xử án tham lam, mưu mô rất điển hình.”

Nay tuổi đã lớn, không còn đủ sức để ngồi trên chiếu Kiều, nhưng mỗi khi khách đến hỏi Kiều, ông sẵn sàng ngồi cả buổi để giảng giải tích Kiều. Nhìn đôi bàn tay lấm tấm những đốm nâu của người đàn ông năm nay đã 84 tuổi, lần giở những trích đoạn Kiều trong cuốn kịch bản đã nhuốm màu thời gian, những dòng chữ viết tay đều tăm tắp, những ghi chú cẩn thận cho từng nhân vật, từng cách hát mới thấy hết tâm huyết của ông trong việc gìn giữ văn hoá cho đời sau.

Chia tay ông trong chiều nắng nhạt, ông hẹn tôi tết âm lịch năm nay hãy về Quảng Kim để nghe người làng hát Kiều trong tiết thanh minh. 

Bài, ảnh: THÙY DƯƠNG
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

TIN MỚI

Return to top