ClockThứ Sáu, 18/11/2022 13:55

Thầy giáo mặc áo blouse

TTH - Sân Trường đại học (ĐH) Y - Dược, ĐH Huế ngày thứ bảy khá yên ắng, nhưng phía khu giảng đường, tiếng của PGS.TS. Trần Đình Bình vẫn văng vẳng. 37 năm qua, hình ảnh và âm thanh ấy với nhiều thế hệ sinh viên đã quá quen thuộc. Còn năm nay, họ càng vui hơn khi người thầy của mình được Bộ Giáo dục và Đào tạo khen thưởng nhà giáo tiêu biểu nhân dịp Ngày Nhà giáo Việt Nam, khi thầy ở tuổi 60.

Khó xoay xở khi giáo viên đơn môn dạy tích hợpHướng đến tương lai ngành giáo dục Châu Á - Thái Bình DươngThầy giáo mê nghề biển

 PGS.TS. Trần Đình Bình tận tình hướng dẫn học trò thực hành

Chuyên gia “ăn gian” giờ

Đã quá giờ dạy, lớp chẳng ai muốn về, còn thầy Trần Đình Bình vẫn say sưa phân tích những thắc mắc của sinh viên. Dặn tôi chờ thầy mươi phút, nhưng sức hút của thầy với học trò lại kéo thời gian dài hơn. Thầy bảo, đó là đặc trưng của sinh viên y dược. “Ai cũng ham học. Nhiều khi lịch chỉ có 2 - 4 tiết, mà mình dạy lút cả buổi. Dạy thứ bảy, chủ nhật sướng vì thời gian thoải mái, không bị khống chế bởi tiếng chuông giảng đường”, thầy Bình nói.

Hồi mới quen PGS.TS. Trần Đình Bình, tôi biết thầy nhiều hơn trong công tác ở bệnh viện Trường ĐH Y - Dược Huế, với vai trò Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Gamma. Lâu ngày thành thân, thầy mới tâm sự, bản thân còn có trọng trách phụ trách bộ môn Vi sinh của trường, nhưng xin phép hãy gọi ông là một thầy giáo, bởi giờ phút trên bục giảng là lúc ông được thăng hoa nhất. Yêu nghề đến mức, nhiều sinh viên cứ gọi thân mật thầy là chuyên gia “ăn gian” giờ.

Vào ngành giáo dục năm 1985, đến nay tròn 37 tuổi nghề, 60 tuổi đời, PGS.TS. Trần Đình Bình luôn trung thành với quan điểm “giờ dạy là pháp lý”. Hầu như tất cả buổi dạy, ông đều đến sớm trước 5 phút. Đinh Thị Đoan Như, một cựu sinh viên của trường kể: “Thầy có câu nói nổi tiếng là “xin lỗi, vì lớp đã học trước 3 phút”, ai đến sau thì chịu khó chép bài bạn chứ thầy không giảng lại. Quen với cách ấy, từ buổi thứ hai học thầy, chẳng ai dám đi trễ”.

Có nhiều lần, quá tiết thầy Bình vẫn ngồi lại rất lâu với sinh viên. Đó là những trường hợp tưởng như buông xuôi với học phần. “Nhiều em thực hành không được, bảo chắc là không đủ điểm, chấp nhận học lại. Mình bảo, điểm số không quan trọng, muốn thầy cũng có thể cho, nhưng nền tảng sinh viên y dược đầu vào đều tốt, người ta làm được, thầy tin em cũng làm được. Nhờ lời động viên và ngồi lại với sinh viên tìm cách tháo gỡ, nhiều em đã tự tin hơn”, thầy Bình nhớ lại.

Nhiều đồng nghiệp khen cách chịu khó của thầy Bình. Ông khoát tay bảo, không phải chỉ riêng bản thân, mà các thầy cô ở trường đều luôn lấy cái tâm để dạy. Dạy ngành y cho sinh viên học là để làm nghề. Sinh viên làm chưa được phải cố gắng tìm cách để các em làm cho được, sau này mới ra hành nghề giúp bệnh nhân”. Triết lý của trường là “tri thức - nhân ái” vận vào ông, trở thành kim chỉ nam cho nghề nghiệp. Thầy Bình giải thích, “ăn gian” thêm giờ mà trường không cấm, học trò yêu cầu nên mình cũng không sửa đổi. Ngần ấy năm đứng bục giảng, không biết bao lần PGS.TS. Trần Đình Bình vượt giờ chỉ vì muốn sinh viên không bỏ cuộc.

Nhắc đến PGS.TS. Trần Đình Bình, Bác sĩ CKII Lê Duy Cát, nguyên Phó Trưởng khoa Chẩn đoán hình ảnh Bệnh viện TW Huế, người biết ông 43 năm qua gói gọn trong 2 chữ tuyệt vời, bởi từ chuyên môn, đạo đức, lòng yêu nghề đến tâm huyết với học trò của thầy Bình đều không có điểm trừ.

PGS.TS. Trần Đình Bình giảng bài trên lớp

Tất cả vì sinh viên

Nhiều lần ngang qua trường, tôi sửng sốt khi nghe thầy Bình dí dỏm nói với học trò mới học môn của thầy: “Xin lỗi, có ai không biết chữ xin mời lên ngồi bàn đầu”. Sinh viên cười vui, yên vị. Tôi thì thắc mắc đợi phải gặp cho bằng được PGS.TS. Trần Đình Bình để hỏi rõ. Sau giờ giảng, thầy bảo: “Đó là do em chưa nghe đủ. Nguyên nghĩa của câu nói ấy mà sinh viên không phản ứng là vì mình dặn học trò tất cả bài giảng đã có trong giáo trình, các em có thể tự đọc, mình không nói lại giáo trình mà chỉ bám khung giáo trình, giải thích những nội dung trong giáo trình rồi liên hệ thực tiễn nghề nghiệp”.

Cách giảng của thầy Bình khiến nhiều sinh viên không dám vắng, bởi đơn giản cái thầy giảng là kiến thức của học phần, nhưng không có trong giáo trình. Vắng học là mất bài, còn ngồi học cũng phải chú ý. Chỉ những trường hợp đặc biệt, PGS.TS. Trần Đình Bình mới có đặc cách để bổ sung kiến thức.

Ở tuổi 60, nhưng hầu như mỗi đêm ông đều thức đến 1 - 2 giờ sáng. Tôi hỏi thầy làm gì trong giờ khuya ấy? PGS.TS. Trần Đình Bình cười hiền, trả lời mình vừa làm nghiên cứu, vừa dạy học trò. Sinh viên y dược đa phần ham học, chỗ nào khó liền liên hệ thầy. Email, zalo thầy Bình thường xuyên có tin nhắn muộn. Có người thắc mắc liên quan bài giảng, có người hỏi về tình trạng lâm sàng của người thân, tất cả đều phục vụ cho việc học. Hễ sinh viên thích học cái gì và lúc nào mà ông có thể hỗ trợ, ông đều tận tình. Thầy Bình hài hước: “Mình bị khó ngủ nên giờ đó tận dụng để làm việc”.

PGS.TS. Trần Đình Bình tự đặt ra 4 yêu cầu, cũng là 4 kỹ năng mà người thầy giáo như ông cần rèn luyện, đó là phải rèn cách giao tiếp với sinh viên; đã lên lớp là phải ăn mặc, tóc tai nghiêm chỉnh. Phải luôn tôi luyện chuyên môn, đáp ứng cơ bản kiến thức trả lời các thắc mắc của sinh viên và phải thường xuyên cập nhật những kiến thức mới, kể cả kiến thức chính trị, xã hội để vừa dạy và dỗ sinh viên học hành, gắn bó với nghề. Những kiến thức ông có, đều không “giấu nghề” mà chia sẻ hết cho sinh viên. Ông đặc biệt dị ứng cách nói không biết, hoặc không làm được mà phải tự tìm hiểu để chỗ nào sinh viên khó hoặc cần, bản thân phải hướng dẫn.

Hết lòng với nghề giảng, nhưng PGS.TS. Trần Đình Bình không bao giờ lơ là nhiệm vụ của bệnh viện và nghiên cứu khoa học. Thời điểm cả nước căng mình đối mặt với dịch COVID-19, mỗi ngày ông pha 30 - 50 lít dung dịch rửa tay sát khuẩn phục vụ cho cán bộ, sinh viên, bệnh nhân ở trường và bệnh viện trường, thậm chí có ngày còn pha đến 100 lít hỗ trợ các đơn vị. Ngoài ra, ông cũng tích cực tư vấn công tác kiểm soát nhiễm khuẩn và tham gia nghiên cứu khoa học phục vụ chuyên môn.

Với PGS.TS. Trần Đình Bình, nếu có thể làm gì cống hiến cho xã hội thì hãy cứ làm, bởi từ cách làm ấy, sinh viên sau khi học y thuật có thể nhìn để học thêm y đạo, trở thành những y, bác sĩ tốt, phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe sau này.

PGS.TS. NGƯT. Trần Đình Bình sinh năm 1962 tại tỉnh Quảng Bình. 37 năm công tác tại Trường ĐH Y - Dược, ĐH Huế và bệnh viện trường, ông có hơn 300 bài báo trong nước và quốc tế về các nghiên cứu chuyên môn, được nhiều khen thưởng từ các cấp. Năm 2022, ông được Bộ GD&ĐT khen thưởng, vinh danh một trong các nhà giáo tiêu biểu của cả nước.

Bài, ảnh: Hữu Phúc

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Hành trình bao gạo nghĩa tình của thầy giáo trẻ

Bao gạo nghĩa tình của thầy giáo trẻ Trần Văn Anh bắt đầu từ năm 2015 đến nay đã được 9 năm đồng hành cùng với quý người già neo đơn, nghèo khó. Đây là chương trình giúp đỡ và bảo trợ đến những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các địa phương Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Nam Đông, A Lưới (Thừa Thiên Huế) và Hải Lăng (Quảng Trị).

Hành trình bao gạo nghĩa tình của thầy giáo trẻ
Tuyên dương thầy giáo dũng cảm cứu người

Sáng 20/11, tại Trường THPT Hương Vinh, Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức tuyên dương, khen thưởng thầy giáo Lê Ngọc Thùy, giáo viên dạy môn toán Trường THPT Hương Vinh về hành động dũng cảm cứu sống 3 người dân bị nước lũ cuốn trôi.

Tuyên dương thầy giáo dũng cảm cứu người
Thầy giáo “ô chữ”

Trong hơn 20 năm giảng dạy và công tác, thầy giáo Nguyễn Văn Cần, giáo viên môn vật lý Trường THCS Thủy Phương (TX. Hương Thủy) đã liên tục tìm tòi, sáng tạo nên nhiều đề tài hay, bổ ích cho giáo viên và học sinh.

Thầy giáo “ô chữ”
Thầy giáo dũng cảm cứu người trong lũ dữ

Thầy giáo Lê Ngọc Thùy, giáo viên môn toán Trường THPT Hương Vinh đã bất chấp hiểm nguy cứu được 3 người bị nước lũ cuốn trong vụ lật chìm ghe làm 2 mẹ con chết đuối diễn ra vào sáng 15/11 tại Đập Hậu – Sông Đào thuộc địa bàn phường Hương Vinh, TP. Huế.

Thầy giáo dũng cảm cứu người trong lũ dữ

TIN MỚI

Return to top