ClockThứ Tư, 19/06/2019 14:36

Thầy giáo viết báo và đạt giải cao

TTH - Không phải là những người cầm bút chuyên nghiệp, họ đến với những bài báo bằng sự đam mê, mong muốn được sẻ chia và bằng trách nhiệm của một người thầy. Chuyện thầy giáo Trần Văn Toản ở Trường THPT chuyên Quốc Học Huế vừa dạy văn, vừa viết báo và vừa đạt được giải thưởng cao tại một cuộc thi toàn quốc là một minh chứng.

Thầy giáo Trần Văn Toản đoạt giải Nhất cuộc thi "Tấm gương làm theo lời Bác"

 Thầy giáo Trần Văn Toản

Đến với một cuộc thi

Thầy giáo Toản đạt giải nhất cuộc thi “Những tấm gương tâm huyết, sáng tạo học và làm theo lời Bác” lần thứ II, năm học 2018 – 2019 là một tin vui đối với giáo viên và học sinh Trường THPT chuyên Quốc Học. Đó là cuộc thi lớn, do Báo Giáo dục và Thời đại phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam và Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) tổ chức với 15 ngàn tác phẩm dự thi và “Người ươm mầm nhân ái” của tác giả Trần Văn Toản là tác phẩm duy nhất đạt giải nhất.

Thầy Toản kể, nhận được thông báo là hào hứng tham gia. Trong đầu tôi hiện lên những con người, những gương mặt và những việc làm mà mình đã nghe, đã  được “mục sở thị”. Và, nhân vật mà thầy giáo Toản nhớ đến ngay là một người phụ nữ nhỏ nhắn có cái tên rất đẹp Tôn Nữ Quỳnh Dương mà anh vô cùng quý mến. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất khi bắt tay thực hiện tác phẩm chính là thuyết phục nhân vật đồng ý để viết về mình. “Tôi đã nhiều lần gặp cô Tôn Nữ Quỳnh Dương, nghe cô kể về các học trò của mình, nhưng khi quyết định chọn cô là nhân vật trong tác phẩm dự thi thì phải mất khá nhiều thời gian mới được cô đồng ý”. Thầy Toản cho hay.

Thầy Toản kể lại: Một ngày mùa đông xứ Huế lạnh tái tê. Đội cơn mưa dầm dề về Phú Thượng, một xã ở ven thành phố Huế, tôi gặp cô Dương như lịch đã hẹn. Trong căn phòng làm việc của nhà bảo trợ học sinh nghèo hiếu học, chị tất bật với bao công việc cuối năm. Biết  ý định của tôi, chị tỏ ra ngại ngùng rồi từ chối: “Ui, mình đã làm được chi mô, thầy  đừng viết nữa, ngại lắm”… Nghe lời từ chối của chị tôi có phần lưỡng lự, bởi chị không thích đưa tên mình lên báo. Nhưng quen biết và thấu hiểu tấm lòng thảo thơm tất cả vì học sinh nghèo mà hiếu học hơn 30 năm nay của chị, tôi không thể không cầm bút…

Cô giáo Tôn Nữ Quỳnh Dương trong tác phẩm dự thi của thầy Toản là người mẹ của 135 trẻ em nghèo ở Nhà Bảo trợ học sinh nghèo hiếu học - Phú Thượng (Phú Vang), được bảo lãnh của gia đình cố giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Đinh Thông, Việt kiều ở Úc. Qua ngòi bút yêu thương, thấu hiểu và đồng cảm của Trần Văn Toản, hình ảnh cô giáo Quỳnh Dương khắc in trong tâm trí bao người đọc là một tấm lòng bao dung và sự hy thầm lặng. Như lời kết ấm áp thấm đậm giá trị nhân văn trong bài viết của thầy Toản, lặng lẽ và âm thầm, cô giáo Quỳnh Dương đã chắt chiu từng hạt phù sa, những hạt mầm thương yêu cho hôm nay, chồi non thành lộc biếc trong cuộc lữ hành lắm truân chuyên và cũng thiết tha tâm nguyện…

Viết với niềm đam mê

Từ lúc còn là một sinh viên, Trần Văn Toản đã đam mê viết lách. Trở thành giáo viên dạy văn của Trường THPT chuyên Quốc Học, mặc dù bận rộn với nghiệp phấn trắng, bảng đen nhưng anh vẫn luôn cháy sáng niềm đam mê viết báo. Trần Văn Toản thường xuyên cộng tác với nhiều cơ quan báo đài địa phương và Trung ương. Hằng năm, anh đều có các bài nghiên cứu phục vụ công tác dạy học đăng trên các tập san Sở Giáo dục - Đào tạo và các tạp chí của ngành, như: Văn học và tuổi trẻ, Tài hoa trẻ, Giáo dục và Thời đại. Đó là các bài viết cảm nhận các tác phẩm văn học trong chương trình; trao đổi phương pháp dạy học văn… Riêng năm học 2018 - 2019, Trần Văn Toản đã tuyển chọn được 8 bài văn hay của học sinh đăng tải trên tạp chí Tài hoa trẻ - chuyên đề của Báo Giáo dục - Thời đại.

Viết là niềm đam mê nên anh không thấy khó khăn. Thường thì mỗi tháng, thầy Toản cũng tranh thủ viết khoảng từ 3 đến 4 bài cho các báo. Anh chia sẻ: “Dạy học và làm báo có nhiều điểm tương đồng khi cùng làm người dẫn chuyện để câu chuyện trở nên sinh động đến với người đọc và học sinh. Đi và viết cũng là cách  tìm cảm hứng để cho bài giảng giàu tính nhân văn, thấm đượm hơi thở của cuộc sống; dẫn chứng qua đó cũng cụ thể hơn để học sinh dễ cảm thụ, rung động”.

Không chỉ là những vấn đề liên quan đến chuyên môn, thầy giáo Trần Văn Toản còn có khá nhiều bài viết rất nghiêm túc, sâu sắc về đề tài giáo dục từ chuyện đổi mới giáo dục phổ thông, thi giáo viên dạy giỏi, thi cử, cơ sở vật chất trường học, giáo dục học sinh cá biệt... đến trách nhiệm của giáo viên, phụ huynh và bệnh thành tích trong giáo dục.

Cộng tác viên là nhà giáo, mỗi người một vẻ nhưng đều là những người thầy, người cô đầy trách nhiệm, luôn trăn trở với sự nghiệp giáo dục. Họ đều mong muốn cho giáo dục nước nhà ngày càng phát triển thông qua các bài viết tâm huyết của mình. Có thể tìm thấy bóng dáng của họ qua người thầy đam mê viết báo -  Trần Văn Toản. Song hành dạy học và viết báo, chắc chắn từ bục giảng, thầy giáo Toản sẽ tiếp tục mang đến những lời giảng thân thương đến học trò và từ ngòi bút, anh sẽ mang đến nhiều bài báo hay lay động người đọc, người nghe.

Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cô học trò nhỏ đam mê robot

Trần Nguyễn Bảo Ngọc, học sinh lớp 5/1, Trường tiểu học Vĩnh Ninh cùng các đồng đội đã vượt qua các đối thủ khi tranh tài tại cuộc thi robot quốc tế - Global Robotics Games dành cho học sinh tiểu học tại Singapore.

Cô học trò nhỏ đam mê robot
Hành trình bao gạo nghĩa tình của thầy giáo trẻ

Bao gạo nghĩa tình của thầy giáo trẻ Trần Văn Anh bắt đầu từ năm 2015 đến nay đã được 9 năm đồng hành cùng với quý người già neo đơn, nghèo khó. Đây là chương trình giúp đỡ và bảo trợ đến những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các địa phương Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Nam Đông, A Lưới (Thừa Thiên Huế) và Hải Lăng (Quảng Trị).

Hành trình bao gạo nghĩa tình của thầy giáo trẻ
Nữ sinh Huế đạt giải kiến trúc Loa Thành

Với đồ án “ReCircle - Không gian nghệ thuật thời trang bền vững”, bạn Văn Thị Mỹ Phương, sinh viên Khoa Kiến trúc, Trường đại học Khoa học, Đại học Huế xuất sắc đạt giải ba tại giải thưởng kiến trúc Loa Thành năm 2023.

Nữ sinh Huế đạt giải kiến trúc Loa Thành
Thỏa đam mê & phát triển toàn diện

Để tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh sau những giờ học tập căng thẳng, các trường học đã hình thành nhiều mô hình câu lạc bộ (CLB), từ CLB học thuật đến sở thích. Không chỉ thỏa niềm đam mê, rèn luyện các kỹ năng cơ bản, các CLB còn giúp học sinh hình thành năng lực, phẩm chất từ sớm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Thỏa đam mê  phát triển toàn diện

TIN MỚI

Return to top