ClockThứ Năm, 05/09/2019 06:15

Thầy khuyết tật dạy trò khuyết tật

TTH - Suốt 14 năm nay, người thầy khuyết tật Trần Công Đông (trú tại thôn Hiền Sĩ, xã Phong Sơn, huyện Phong Điền) miệt mài chạy xe hơn 20km để đến với bục giảng đặc biệt: Dạy nghề điêu khắc mộc mỹ nghệ cho học sinh khuyết tật.

Thầy Sáu làm khuyến học“Gieo chữ” trên non

Thầy Trần Công Đông tận tâm dạy nghề điêu khắc mộc mỹ nghệ cho các học viên khuyết tật​

Nỗ lực vươn lên

Trần Công Đông vốn là một cậu bé khỏe mạnh trong gia đình 6 anh chị em, có ba là thương binh hạng 1, thương tật 81%, mẹ buôn bán tần tảo quán xuyến cả gia đình. Hạnh phúc chẳng tày gang, năm 2 tuổi, sau một trận sốt kéo dài, Đông bị biến chứng teo cơ liệt nửa người. Sau gần 3 năm được mẹ chạy chữa, Đông còn bị teo một chân, kinh tế gia đình cũng khánh kiệt sau những lần chữa trị cho đứa con trai nhỏ đáng thương.

Từ nhỏ, Đông đã là con ngoan trò giỏi, được xóm giềng và bạn bè thương yêu. Những năm học tiểu học, do không thể tự đạp xe, cậu học trò được người thầy giáo tận tụy ngày ngày chở đến lớp. Trần Công Đông nhớ lại, nhiều lúc cũng mặc cảm, tự ti vì khiếm khuyết... Hôm nào đi học bị bạn trêu “bại”, “què” là y rằng hôm đó về khóc ướt gối. Lớn lên suy nghĩ dần khác đi, bạn bè đã trưởng thành cũng không còn xốc nổi chọc ghẹo nữa. Đông luôn tâm niệm, sống thật tốt thì đời chẳng đến nỗi bạc đãi. "Cha là “người thầy” đã truyền động lực sống, vươn lên cho tôi rất nhiều. Ông có nhiều thương tích về thể xác, một mắt mù, một mắt mờ, cụt cả hai tay, trên người chằng chịt vết sẹo lớn nhỏ. Vậy nhưng, ông là người lạc quan và mạnh mẽ, luôn cố gắng tự chăm sóc cho bản thân, vượt lên mọi nghịch cảnh”, thầy Đông xúc động nói.

Học xong phổ thông, chàng trai trẻ vào TP. Hồ Chí Minh làm nghề lắp ráp điện tử một năm. Nhưng nhận thấy mình cần có một cái nghề gì đó gắn bó lâu dài, lại có thể ở gần quê nhà hơn, Đông về Huế xin học nghề tại Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Tìm học nghề đúng với sở trường và đam mê, Đông học rất nhanh, niềm vui lớn nhất là chỉ sau 7 tháng học, đã có thể tạc được cặp song long chầu nguyệt.

Khấp khởi vui mừng, định bụng đem thành phẩm ấy về khoe với người cha già kính yêu, nhưng chưa kịp thực hiện thì cha anh qua đời. Thương tiếc cha bao nhiêu, Đông càng quyết chí học hành bấy nhiêu. Ngoài học trên lớp, anh còn mày mò học thêm trên sách vở, mạng internet. Sau 3 năm, tốt nghiệp nghề điêu khắc mộc mỹ nghệ loại giỏi và học thêm về nghiệp vụ sư phạm, được giữ lại trung tâm để đứng lớp, truyền dạy “lửa nghề” cho những lớp học viên sau này.

Dạy nghề và nghị lực sống

Những học viên tại lớp điêu khắc mộc mỹ nghệ của trung tâm chủ yếu là các bạn thanh niên khuyết tật, câm điếc, một số em bị thiểu năng trí tuệ. Nhưng thầy và trò “bắt sóng” nhau bằng niềm đam mê với điêu khắc gỗ và ý chí vươn lên.

Trong lớp học, bên cạnh tiếng đục đẽo miệt mài của học viên là tiếng “lộc cộc” của đôi nạng vang đều theo từng nhịp bước của người thầy giáo tới chỗ ngồi của từng em học viên. Việc học nghề đối với người bình thường đã khó, đối với người khuyết tật còn khó hơn.

Với các em bị khuyết tật ở chân, việc đứng lâu để đục đẽo sẽ khá khó khăn; các em bị câm điếc thì không thể giảng giải nhiều, chỉ đưa hình ảnh và thầy làm mẫu để các em làm theo. Thầy bảo: “Tôi thấy thương cho khiếm khuyết của các em nên luôn tâm niệm muốn làm người thầy dạy cho các em cái nghề để kiếm sống. Ngoài ra, tôi còn muốn các em luôn có nghị lực sống mạnh mẽ, tự tin làm chủ, phát triển thế mạnh của bản thân”.

Thầy giáo Đông tận tình hướng dẫn, chỉnh sửa, nắn nót từng đường đi trên các thớ gỗ. Từ những khúc gỗ “trơ”, thầy dẫn dắt các em sử dụng đôi bàn tay khéo léo để biến thành những bức tranh gỗ mai lan cúc trúc, long lân quy phụng hay tạc tượng Phật Di Lặc, Đạt Ma. Qua sự rèn giũa, đôi tay của các em đã trở nên dẻo dai và thành thạo hơn.

Em Nguyễn Minh Quân (trú tại xã Phú Lương, Phú Vang), đã học nghề được 2 năm, bày tỏ: “Mỗi khi được “hóa thân” vào những khúc gỗ, được tạc nên những bức tranh, hình dáng theo trí tưởng tượng, em lại thấy mình như được sống trọn trong niềm vui và đam mê. Đó cũng là nhờ thầy Đông đã tận tình dạy dỗ em và các bạn. Thầy còn là người quan tâm đến đời sống, tâm tư, tình cảm của từng thành viên trong lớp. Thầy cũng là tấm gương để những đứa trẻ khuyết tật chúng em phấn đấu, nỗ lực vươn lên, quên đi những khiếm khuyết, sự mặc cảm, tự ti để hòa hợp với cộng đồng xã hội”.

Làm nghề "đưa đò” chừng ấy năm, thầy Đông tâm sự vui nhất là khi nhận được cuộc điện thoại đã tìm được việc hay mở được cửa hàng riêng từ những học viên đã ra nghề. Với thầy, không chỉ các em mà chính thầy cũng là người được nhận lại nhiều, đó là cái tình và còn cả khát khao vươn lên của những học viên tật nguyền.

Những năm qua, người thầy giáo khuyết tật đã được trao tặng nhiều giấy khen, bằng khen về những thành tích vượt khó vươn lên trong lao động học tập 2007 – 2009, có thành tích xuất sắc trong công tác bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi năm 2018, đặc biệt là bằng chứng nhận nghệ nhân quốc gia năm 2014. Thầy còn tích cực tham gia các phong trào thể dục thể thao người khuyết tật. Năm 2007 đến 2013, thầy liên tục giành huy chương đồng, huy chương bạc môn cầu lông hạng mục đơn, ngồi xe lăn quốc gia. Với bộ môn này, năm 2011, thầy Đông vinh dự được sang Indonesia để tham dự ASEAN Para Games.

Ông Trần Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật tỉnh, cho hay: “Thầy Đông là một người chịu khó, ham học hỏi. Thầy còn là một người thầy giáo tâm huyết, luôn hết lòng với những người trò. Nhiều lớp học viên của thầy đã ra nghề và có cuộc sống ổn định”.

Bài, ảnh: Phước Ly

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

“Hoa đời thường” vẫn lặng lẽ tỏa hương

Đã có những khoảng lặng rất lâu sau khi tôi đọc các bài báo viết về những bông hoa đời thường đăng trên Báo Thừa Thiên Huế. Dòng chảy cuộc sống với bao bộn bề lo toan, nhưng có những con người vẫn như con ong lặng lẽ hút mật dâng cho đời. Với họ, sống là để cho đi…

“Hoa đời thường” vẫn lặng lẽ tỏa hương
Bí thư chi bộ đảng xuất sắc

Bí thư Chi bộ 9 thuộc Đảng bộ phường An Hòa (TP. Huế) Hà Văn Báu là 1 trong 20 đảng viên đến từ các chi, đảng bộ trực thuộc Thành ủy Huế vinh dự được Ban Thường vụ Tỉnh ủy tặng Bằng khen vì đạt thành tích xuất sắc 5 năm liền, giai đoạn 2015 – 2020.

Bí thư chi bộ đảng xuất sắc
“Kiện tướng nông dân” trên xã biên giới

Trong con mắt đồng nghiệp, bạn bè và người dân trên địa bàn, chị Phan Thị Hương (tổ 2, tổ dân phố 1, thị trấn A Lưới) là “kiện tướng nông dân” nơi xã biên giới còn nhiều khó khăn.

“Kiện tướng nông dân” trên xã biên giới
Cô trưởng thôn được dân bản tin, quý

30 năm tuổi đời, người phụ nữ dân tộc Tà Ôi Hồ Thị Tường có 8 năm tuổi Đảng và 7 năm giữ vai trò trưởng thôn Diên Mai, xã A Ngo (A Lưới). Tháng 2/2020, Tường là một trong số đảng viên trẻ tuổi nhất được Tỉnh ủy tặng Bằng khen đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liền.

Cô trưởng thôn được dân bản tin, quý
42 lần hiến máu tình nguyện

“Phường thông báo nguồn máu để cứu sống các bệnh nhân đang thiếu hụt trầm trọng do dịch COVID-19, tôi nghĩ mình nên làm một điều gì đó để chung tay chống dịch và tôi chọn đi hiến máu. Đây là lần hiến máu thứ 42 của tôi”, chị Huyền Tôn Nữ Thị Lài, hội viên phụ nữ tổ 3, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Phú Hòa, TP. Huế chia sẻ.

42 lần hiến máu tình nguyện

TIN MỚI

Return to top