ClockChủ Nhật, 19/03/2017 05:36

"Thầy lang" của di tích Huế

TTH - Có thể ông là người duy nhất ở Việt Nam thờ Kazik tại tư gia. Khi thắp hương, tôi thấy một chai vodka Nga đã hơi phai mờ. Chai rượu ấy là của Kazik tặng, không còn bạn tri kỷ đối ẩm nên Phùng Phu vẫn để đấy cho đến bây giờ…

Kiến trúc sư Kazik (giữa). Ảnh: TL

Chuẩn bị cho bộ phim tưởng niệm 20 năm ngày mất của kiến trúc sư Ba Lan Kazimierz Kwiatkowski (tên thân mật là Kazik), chúng tôi tìm gặp nhiều nhân chứng mới hay, hình ảnh Kazik vẫn còn in đậm trong tâm khảm nhiều người Huế, nhất là với ông Phùng Phu, nguyên Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế.

1 - Những năm đất nước còn chiến tranh, Phùng Phu được cử đi học ngành kiến trúc tại Đại học Kiến trúc Kracow, Ba Lan. Đất nước thống nhất được 5 năm, ông từ Đại học Xây dựng ở Hà Nội chuyển công tác về Sở Xây dựng tỉnh Bình Trị Thiên (cũ). Rồi cuộc đời ông bỗng chuyển sang bước ngoặt khác. Đó là khoảng năm 1983, một hôm Phùng Phu đi qua Đại Nội, thấy một người đàn ông nước ngoài ngồi vẽ, ông buột miệng khen một câu bằng tiếng Ba Lan: “Ông vẽ rất đẹp”. Người đàn ông ngước lên ngạc nhiên: “Ông biết tiếng Ba Lan à?”. Phùng Phu trả lời: “Vâng, tôi học tại Ba Lan, Đại học Kiến trúc Kracow”. Thì ra họ cùng trường. Hai người nhanh chóng làm quen với nhau. Và, kiến trúc sư Kazimierz  Kwiatkowski đã bước vào cuộc đời Phùng Phu như vậy. Khi đã thân nhau, có hôm, Kazik nói với Phùng Phu: “Thôi ông đừng làm xây dựng nữa, hãy chuyển sang làm công việc bảo tồn di tích. Đó là nhiệm vụ cần kíp nhất lúc này”.

Lúc ấy, quần thể kiến trúc Cố đô Huế đang ở trong tình trạng nguy cấp. Những năm chiến tranh, kinh thành Huế bị tàn phá nặng nề. Sau ngày hòa bình, di sản kiến trúc này lại tiếp tục khoác một bản “lý lịch nghệ thuật” chẳng có gì tốt đẹp khi bị xem là là “bản sao chép vụng về của Tử Cấm Thành, Trung Quốc”. Người thì bảo đó là sản phẩm của bóc lột, xa hoa trên mồ hôi xương máu nhân dân của một chế độ phong kiến đã thối nát. Thậm chí có người đang làm những việc xâm hại di tích vẫn điềm nhiên nói rằng họ đang đả phá tàn tích phong kiến (?!).

Thế Tổ Miếu. Ảnh: Nguyễn Phúc Bảo Minh

Duyên do là từ năm 1980, khi thực hiện chương trình trùng tu các tháp Chăm ở khu vực miền Trung (chủ yếu ở Mỹ Sơn – Quảng Nam), Kazik đã nhiều lần ghé lại Huế và bị vẻ đẹp của quần thể kiến trúc Cố đô Huế chinh phục. Phùng Phu kể: “Hễ nghe những lời nhận xét quy chụp về di sản kiến trúc Cố đô Huế là Kazik phản đối gay gắt. Anh ấy bảo, Cố đô Huế không phải là bản sao của kiến trúc Trung Hoa. Nó là sản phẩm lao động sáng tạo của người Việt Nam. Nó rất gần gũi, hài hòa, không phô trương như Tử Cấm Thành. Di sản kiến trúc Huế là cả “đống vàng”. Nếu biết bảo tồn, phát huy nó có thể đem lại cuộc sống giàu có cho người dân Huế”. Kể lại lời “tiên tri” của Kazik, Phùng Phu vẫn còn rất ngưỡng mộ. Bởi trong thời điểm “nông nghiệp là mặt trận hàng đầu” thì khó có ai nhìn thấy tiềm năng kinh tế to lớn của những di sản văn hóa ấy.

Năm 1985, trong khi đang lo trùng tu Mỹ Sơn, Kazik vẫn tổ chức một lớp tập huấn về trùng tu bảo tồn di tích tại Huế, kéo dài 2 tuần. Hồi ấy ở Huế, chưa ai được trang bị kiến thức về bộ môn khoa học này. Giảng viên chỉ duy nhất Kazik, học viên thì có cả cán bộ lãnh đạo tỉnh. Lần đầu tiên họ được nghe các công ước quốc tế về bảo vệ di sản văn hóa, các nguyên tắc về trùng tu bảo tồn di tích, về bảo vệ tính chân xác của di sản… Năm 1988, Tổng Giám đốc Liên hiệp các xí nghiệp tu bổ Di tích Quốc gia Ba Lan thăm Huế, chương trình hợp tác trùng tu các công trình kiến trúc ở Cố đô Huế chính thức bắt đầu. Năm 1993, Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới, dư luận quốc tế bắt đầu chú ý đến Huế nhiều hơn. Từ nguồn kinh phí tài trợ của Hội những người yêu di sản Huế tại Pháp, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế mời Kazik hợp tác trùng tu. Ngay tại phòng ngủ của khách sạn Thành Nội, Phùng Phu lúc đó với tư cách là Phó Giám đốc trung tâm đã ký hợp đồng làm việc với Kazik, một lễ ký kết rất đơn giản so với bây giờ.

Ngày khởi công trùng tu Thế Tổ Miếu, Kazik mang khăn đóng, áo dài cùng đứng tế lễ. Ông Phùng Phu còn nhớ như in lời phát biểu của Kazik hôm ấy: “Thưa các bạn, hẳn các bạn sẽ thắc mắc vì sao tôi có mặt ở đây.

Tôi từ một đất nước xa xôi, khác biệt về phong tục tập quán, khác biệt về địa lý. Tại sao tôi có mặt ở đây? Thưa các bạn, chúng ta không phải người khác hành tinh. Chúng ta cùng sống trên trái đất này, nên chúng ta phải cùng nhau bảo vệ các di sản văn hóa của nhân loại. Đó là một sứ mệnh!”.

Kazik đã hiến dâng cuộc đời mình cho sứ mệnh đó. Tốt nghiệp Khoa Kiến trúc Đại học Bách khoa Kracow, Kazik đầu quân cho Liên hiệp các xí nghiệp Tu bổ Di tích Quốc gia Ba Lan - PKZ. Trong chiến tranh Thế giới  thứ 2, các thành phố cổ kính của Ba Lan như Warszawa,  Kracow bị tàn phá nặng nề. Việc trùng tu thành công các di sản văn hóa tại đây đã đem lại cho giới khoa học trùng tu Ba Lan những kinh nghiệm phong phú. Chính những con người của PKZ đã làm nên trường phái trùng tu khảo cổ học – tức bảo tồn tối đa tính chân xác của di tích. Nếu cần, họ gia cố, gia cường để bảo vệ di tích gốc, phần làm mới phải khác về vật liệu, hình dáng… để đời sau không lẫn lộn với nguyên trạng.

Trường phái PKZ được đánh giá cao trên thế giới. “Quân” của PKZ đã được mời trùng tu nhiều công trình tại Ai Cập, Ấn Độ… Ở đó họ được trả lương rất cao. Nhưng Kazik đã qua Việt Nam và chung thủy với đất nước này, chấp nhận mức lương thấp, điều kiện sống, sinh hoạt, làm việc khó khăn hơn rất nhiều. “Mỗi lần sang Việt Nam, tôi thấy Kazik và các đồng nghiệp của ông mang theo rất nhiều thứ…. kể cả thuốc chữa bệnh”, ông Phùng Phu nhớ lại. Vợ Kazik là một giáo viên toán, thu nhập của chồng ở Việt Nam chẳng đáng kể nên chị phải làm thêm, chi tiêu tiết kiệm, quán xuyến công việc gia đình để anh yên tâm công tác. Không những thế, Kazik còn đưa cả con trai của mình, cũng học ngành kiến trúc sang Huế làm việc. Ông thường tâm sự: “Người làm trùng tu di tích phải yêu di tích, phải gắn bó, tận tâm, phải trọn vẹn hiến dâng cho di tích. Đó không đơn thuần là công việc mà còn là sự thiêng liêng của một đời người”.

2 - Xong các cảnh quay trong khu cố cung, Phùng Phu dẫn chúng tôi sang khách sạn Thành Nội. Ông bảo ít khi ghé lại đây vì không chịu nổi hồi ức đau buồn cứa vào tim ông nhói buốt. Tại gian phòng đầu hồi này, ông đã vĩnh viễn mất Kazik. Hôm đó là ngày 19/3/1997. “Trưa hôm ấy ăn cơm xong ở quán bình dân mà chúng tôi đặt nấu theo tháng, Kazik về phòng, còn Patex - con trai anh đi uống cà phê với anh em cơ quan. Chúng tôi hẹn nhau 4 giờ chiều sẽ cùng tiếp bà Chủ tịch Hội những người yêu Huế tại Pháp. Đúng hẹn tôi đến ngồi đợi anh ngoài sân khách sạn, một lúc lâu không thấy, tôi vào phòng thì Kazik nằm bất động trên giường. Chúng tôi tức tốc đưa anh đến bệnh viện cấp cứu, nhưng tất cả đã quá muộn, bác sĩ bảo anh bị đột quỵ vì bệnh tim. Hồi đầu tháng 3, anh mang từ Ba Lan sang một bộ comple mới may, rất đẹp, nói sẽ mặc nó trong ngày khánh thành trùng tu Thái Miếu, vậy mà…”.

Trong ngôi nhà tại 11 Nguyễn Thị Minh Khai, TP. Huế, kiến trúc sư Phùng Phu lập một am nhỏ thờ Kazik. Có thể ông là người duy nhất ở Việt Nam thờ Kazik tại tư gia. Khi thắp hương, tôi thấy một chai vodka Nga đã hơi phai mờ. Chai rượu ấy là của Kazik tặng, không còn bạn tri kỷ đối ẩm nên Phùng Phu vẫn để đấy cho đến bây giờ. Phùng Phu bảo trong rất nhiều tên mà những người yêu mến đặt cho Kazik, nào là “Người rừng”, “Hiệp sĩ”, “Hiền nhân”… ông thích nhất là biệt danh “Thầy lang”. Mà kỳ lạ, Kazik trông rất giống nhân vật chính trong bộ phim Thầy lang, cũng của Ba Lan, hồi đó rất được khán giả Việt Nam hâm mộ. “Nếu xem phim Thầy lang, sẽ thấy tính nhân văn bao la trong một con người. Nhân vật Thầy lang tài giỏi nhưng rất khiêm nhường. Ông mai danh ẩn tích, chịu nhiều đa đoan, hoạn nạn chỉ để cứu người, không chút vụ lợi. Kazik cũng vậy. Anh đã đến Việt Nam, tận tụy cứu chữa các di sản văn hóa quý giá mà không đòi hỏi sự đền đáp nào”, ông Phùng Phu trầm ngâm.

Duy Hiển

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử

Thực hiện Nghị quyết số 29 – NQ/TW “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo”, phát triển phẩm chất, năng lực của người học, Trường THPT Hai Bà Trưng đã xây dựng mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, với việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, tham quan trải nghiệm và dạy học nội khóa tại thực địa.

Dạy học nội khóa tại di tích lịch sử
Cẩn trọng trong trùng tu Điện Thái Hòa

Là công trình di tích nổi tiếng và quan trọng bậc nhất ở khu vực Hoàng cung Huế, việc trùng tu công trình điện Thái Hòa được tiến hành cẩn trọng.

Cẩn trọng trong trùng tu Điện Thái Hòa
Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích

Làng cổ Phước Tích được bao bọc bởi con sông Ô Lâu, thuộc xã Phong Hòa (huyện Phong Điền), cách TP. Huế 40km về phía bắc. Làng được thành lập từ năm 1470, dưới thời Lê Thánh Tông. Cùng với khung cảnh thơ mộng, kiến trúc những ngôi nhà rường – vườn có giá trị, các thiết chế văn hóa đặc sắc… Ngôi làng này được công nhận di tích Quốc gia vào năm 2009 giờ đang được các cơ quan chức năng tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị công nhận di tích Quốc gia đặc biệt.

Lập hồ sơ di tích đặc biệt làng cổ Phước Tích
Return to top