ClockThứ Ba, 29/05/2018 06:37

Thay sách giáo khoa năm học 2018-2019 chỉ là tin đồn

TTH - Thông tin thay toàn bộ sách giáo khoa trong năm học 2018-2019 ở các cấp chỉ là đồn thổi...

Nhiều băn khoăn khi lùi thời gian giảng dạy sách giáo khoa mớiSách giáo khoa sẽ không còn vị trí độc tôn trong giảng dạy

Học sinh vẫn học SGK bình thường trong năm học 2018-2019

Chuẩn bị kết thúc năm học, nhiều người hoang mang khi có thông tin, năm học 2018-2019, học sinh các cấp sẽ học chương trình sách giáo khoa (SGK) mới. Điều này khiến một số trung tâm nuôi dưỡng trẻ em trên địa bàn lo lắng, bởi nhiều trung tâm có từ 30 – 40 em ở các cấp học đều dùng SGK luân phiên. SGK trở thành  “tài sản chung” của bọn trẻ và chúng luôn có ý thức giữ gìn để chuyền nhau sử dụng. Đôi khi xin được nguồn tài trợ, một số trung tâm nghĩ đến chuyện thay SGK đã quá cũ cho các em, nhưng cũng chỉ được năm bảy bộ là cùng. Thế nên, nghe thông tin năm học 2018-2019 thay SGK đồng loạt ở các cấp, nhiều trung tâm bán tín, bán nghi. “Chúng tôi hỏi các trường tiểu học, THCS, nơi các cháu theo học, trường thông tin chưa có chủ trương. Thực tình, nếu thay sách đúng như lời đồn thổi thì chúng tôi hoàn toàn bị động vì chưa lên kế hoạch xin kinh phí thay sách gửi các nhà tài trợ”. Bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc Làng SOS Huế trao đổi.

Câu chuyện thay SGK cứ đồn thổi và nỗi lo lắng cứ lan tỏa ở tiểu thương các chợ. Nhiều chị "buôn thúng, bán mẹt", không quên dặn “khách hàng” xin sách cũ cho con nên buồn hơn trước thông tin thay sách. Nhiều người nhẩm tính, một nhà từ 2 đến 3 đứa con, tùy vào cấp học, mua sách mới cũng phải trên 500.000 đồng, nên xin sách cũ vẫn là lựa chọn tối ưu. Những người không xin được SGK thường mua sách ở quầy sách cũ, giá sẽ dễ chịu hơn rất nhiều. Chị Nguyễn Thị Giang, buôn bán tại chợ Trường An, có con năm nay lên lớp 7 Trường THCS Hùng Vương (TP. Huế) than thở: "Nghe thông tin thay SGK mới mà tiểu thương trong chợ đều lo. Năm mô bọn em cũng đi xin sách cũ cho con học, mỗi thứ mỗi tý, cộng lại khá nhiều tiền nên đỡ đồng nào hay đồng nấy".

Từ năm học 2019-2020, mới bắt đầu thay sách giáo khoa cho học sinh lớp 1. (Trong ảnh: Học sinh Trường tiểu học Lê Lợi trong giờ học)

Dân lao động lo theo kiểu “tiếc rẻ” vì không tận dụng được nguồn sách “cho không”. Người có tiền lại sợ mua phải “sách cũ” (xuất bản từ những năm trước). Chị Nguyễn Diệu Thúy, chủ quầy sách Cửa Việt ở đường Trần Phú, TP. Huế buồn rầu: “Nhiều người đến mua sách cho con mà đòi bằng được SGK mới. Tôi có giải thích thì họ nghi ngờ, nghĩ mình nói cho được việc để bán sách nên vào xem SGK thì nhiều nhưng không mua”.

TS. Phạm Văn Hùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Thông tin thay sách giáo khoa năm học 2018-2019 không chính xác. Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bắt đầu từ năm học 2019-2020, (thực hiện sớm hơn 1 năm so với kế hoạch) học sinh lớp 1 sẽ học bộ sách giáo khoa mới. Các năm tiếp theo sẽ lần lượt đến lớp 6 và lớp 10. Sở đã phổ biến, quán triệt tinh thần này để giáo viên, cán bộ quản lý của ngành chuẩn bị tâm thế, thực hiện chương trình SGK mới một cách tốt nhất. Vì vậy, mọi điều kiện từ cơ sở vật chất đến đội ngũ giáo viên đã được ngành chuẩn bị kỹ lưỡng.

Vẫn còn khá nhiều việc đi kèm với chương trình thay SGK. Điểm mới lần này là Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức tập huấn cho giáo viên các môn học theo hình thức tập trung tại T.Ư trước thời điểm triển khai chương trình SGK mới 6 tháng. Từ đó, địa phương có thời gian tập huấn, bồi dưỡng đại trà cho giáo viên. Công tác rà soát, xác định nhu cầu giáo viên theo lộ trình thực hiện mới và có biện pháp giải quyết số giáo viên thừa, thiếu từng cấp học, môn học vẫn đang được tiến hành trước ngày 30/6/2018.

Trước những tin đồn thất thiệt, giáo viên chủ nhiệm ở một số trường đã trao đổi, giải thích cặn kẽ cho phụ huynh về lộ trình thay SGK của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ đó, phụ huynh có phương án tìm SGK cho con tùy vào “hầu bao” của mỗi gia đình.

Quốc hội đồng ý triển khai chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo hình thức cuốn chiếu tuần tự. Theo đó, năm đầu tiên áp dụng với lớp đầu cấp tiểu học, năm thứ hai đối với lớp đầu cấp THCS và năm thứ ba với lớp đầu cấp THPT. Quá trình áp dụng chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới sẽ hoàn thành sau năm năm kể từ năm bắt đầu triển khai. Thời hạn bắt đầu áp dụng chậm nhất là từ năm học 2020- 2021 đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp THCS và từ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT.

Bài, ảnh: Huế Thu

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đường dây nóng đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp lễ Quốc khánh 2023

Sở Giao thông Vân tải (GTVT) vừa công bố các số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân về hoạt động vận tải và đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (ATGT) trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 và Tháng cao điểm ATGT cho học sinh đến trường năm học mới 2023-2024

Đường dây nóng đảm bảo trật tự an toàn giao thông dịp lễ Quốc khánh 2023

TIN MỚI

Return to top