ClockThứ Tư, 28/09/2016 13:53

Thay thế Thông tư 30 bằng Thông tư 22 sát thực tế hơn

Thông tư 30 được triển khai trên cả nước trong hơn 2 năm qua đã làm giáo viên “kêu ca” nhiều nhất khi thực hiện đánh giá học sinh. Nay, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư 22 trên cơ sở hoàn thiện Thông tư 30 kỳ vọng sẽ tạo ra khí thế mới cho giáo viên và học sinh tiểu học.

Giáo viên dễ dàng đánh giá học sinh

Thông tư 30 có 2 mức để đánh giá học sinh: hoàn thành và chưa hoàn thành. Cách đánh giá như thế nặng về định tính, không khơi dậy đươc tinh thần phấn đấu và nỗ lực của học sinh.

Thông tư 22 sẽ khắc phục bằng 3 mức đánh giá: Hoàn thành tốt, hoàn thành và chưa hoàn thành. Xét về mặt tâm lý tiếp nhận, 3 mức này nhìn nhận rõ ràng hơn kết quả phấn đấu của học sinh, phụ huynh sẽ nắm bắt rõ hơn mức độ đạt được của con mình.

Việc đánh giá theo 3 mức sẽ được giáo viên thực hiện vào giữa kì, cuối mỗi học kì, cung cấp những thông tin phản hồi rất hữu ích liên quan đến quá trình học tập của học sinh, những lĩnh vực nào có sự tiến bộ, lĩnh vực học tập nào còn khó khăn. Đồng thời, giúp học sinh nhận ra mình thiếu hụt những gì so với chuẩn kiến thức, kỹ năng hay yêu cầu, mục tiêu bài học để cả giáo viên và học sinh cùng điều chỉnh hoạt động dạy và học.

Thông tư 22 cũng quy định thông qua quá trình đánh giá thường xuyên đến giữa và cuối mỗi học kì, lượng hóa mỗi năng lực, phẩm chất thành ba mức: Tốt, Đạt, Cần cố gắng (trước đây theo Thông tư 30 chỉ có 2 mức Đạt và Chưa đạt).

Việc lượng hóa này, cho phép giáo viên, cán bộ quản lý, cha mẹ học sinh xác định được mức độ hình thành, phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh sau một giai đoạn học tập, rèn luyện. Từ đó giáo viên, nhà trường có những giải pháp kịp thời giúp đỡ học sinh khắc phục hạn chế, phát huy những điểm tích cực để các em ngày một tiến bộ hơn.

Thông tư 22 được kỳ vọng sát thực tế, đánh giá giáo dục học sinh tiểu học cụ thể hơn. (ảnh minh họa)

Giảm bớt gánh nặng sổ sách

Khi ghi nhận những ý kiến của giáo viên về Thông tư 30, hầu hết chung “bức xúc” về vấn đề sổ sách quá nhiều, vừa vất vả, vừa ảnh hưởng đến thời gian giảng dạy cho học sinh.

Theo quy định trong Thông tư 22, sổ theo dõi chất lượng giáo dục sẽ được thay bằng bảng tổng hợp kết quả đánh giá giáo dục, đồng thời không quy định cứng nhắc bất kì loại sổ nào sử dụng trong quá trình đánh giá học sinh.

Giáo viên được trao quyền tự chủ theo dõi sự tiến bộ của học sinh, ghi chép những lưu ý với học sinh có nội dung chưa hoàn thành hoặc có khả năng vượt trội nhằm tự mình nắm bắt thông tin và sử dụng khi cần.

Thay đổi căn bản này sẽ giúp cho giáo viên thuận lợi hơn khi thực hiện đánh giá học sinh, có nhiều thời gian hơn để quan tâm đến việc hỗ trợ học sinh trong quá trình dạy học.

Thông tư 22 quy định khen thưởng những học sinh hoàn thành xuất sắc các nội dung học tập và rèn luyện và những học sinh có thành tích vượt trội hay tiến bộ vượt bậc về từng nội dung đánh giá.

Quy định như vậy sẽ cụ thể hơn, giúp cho giáo viên và nhà trường thuận lợi hơn trong vấn đề khen thưởng học sinh mà vẫn đảm bảo yêu cầu không gây áp lực cho học sinh, phụ huynh và nhằm hạn chế bệnh thành tích trong giáo dục.

Triển khai không gây “sốc”

Một điểm thay đổi quan trọng nữa trong Thông tư 22 là quy định thêm về các bài kiểm tra định kì giữa các kì học cho khối 4 và khối 5 đối với hai môn Tiếng Việt và Toán nhằm giúp giáo viên, cán bộ quản lí giáo dục, phụ huynh có thêm thông tin về quá trình học tập của học sinh với hai môn học này. Học sinh qua đó cũng được làm quen dần với cách thức kiểm tra đánh giá của bậc học tiếp theo.

Thông tư 22 cũng quy định trách nhiệm chỉ đạo việc ra đề bài kiểm tra định kì cho hiệu trưởng, khắc phục được những bất cập trong việc thực hiện trước đây với Thông tư 30.

Ngoài ra, các bổ sung, thay đổi cũng sẽ làm rõ hơn quyền, trách nhiệm của giáo viên trong đánh giá học sinh và tăng trách nhiệm của các cấp quản lí giáo dục trong tổ chức, triển khai thực hiện đánh giá học sinh tiểu học.

Thông tư 22 sẽ bắt đầu triển khai từ ngày 06/11/2016 thay thế Thông tư 30. Đây là thời điểm giữa học kỳ I của năm học nên việc đánh giá sẽ bắt nhịp ngay để không tạo ra bất kỳ sự xáo trộn nào cho học sinh và giáo viên.

Phát huy, kế thừa và cụ thể hóa tinh thần nhân văn của Thông tư 30, Thông tư 22 sẽ mang lại diện mạo mới cho giáo dục tiểu học và đặc biệt sẽ góp phần tăng niềm tin của xã hội vào những chủ trương đổi mới của ngành Giáo dục.

Thời gian tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo triển khai tập huấn, hướng dẫn, tuyên truyền rộng rãi nhằm làm rõ các vấn đề mà giáo viên có thể còn băn khoăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện.

Theo Dân trí

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh tiểu học có nên đem smartphone đến lớp?

Đang giờ học, tiếng chuông điện thoại reo liên tục, cả lớp nháo nhác không biết tiếng kêu phát ra từ đâu. Ngay “chính chủ” cũng ngồi im re, một lúc sau mới phát hiện có người gọi qua facebook… Cô giáo không hài lòng khi khó quản lý lớp học bởi tình trạng đem điện thoại đến lớp vẫn diễn ra.

Học sinh tiểu học có nên đem smartphone đến lớp
Hơn 300 học sinh tiểu học trải nghiệm nông nghiệp hữu cơ

Sáng 11/3, tại Viện Công nghệ Sinh học, Đại học Huế, hơn 300 học sinh tiểu học của thành phố Huế tham gia chương trình “EDUBIOFARM - Hướng nghiệp và trải nghiệm về công nghệ sinh học và ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp hữu cơ”.

Hơn 300 học sinh tiểu học trải nghiệm nông nghiệp hữu cơ
Quan tâm phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đại học

Sáng 7/10, Hiệp hội các trường đại học (ĐH), cao đẳng Việt Nam phối hợp với ĐH Huế tổ chức hội thảo khoa học quốc gia: “Phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đại học trong bối cảnh mới”. Đến dự hội thảo có PGS.TS. Hoàng Minh Sơn, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Quan tâm phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đại học
Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện gắn với phát triển tài năng

Nội dung này được Chủ tịch UBND TP. Huế Võ Lê Nhật nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022- 2023 diễn ra chiều 29/8. Tham dự còn có UVTV Tỉnh uỷ, Bí thư Thành uỷ Phan Thiên Định; lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD & ĐT), các đơn vị trường học trên địa bàn.

Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện gắn với phát triển tài năng
Giúp trẻ an toàn hơn khi tham gia giao thông

Ngày 19/8, tại TX. Hương Thủy khai mạc lớp tập huấn trực tuyến “Tài liệu điện tử giáo dục an toàn giao thông dành cho học sinh tiểu học”, thu hút gần 120 giáo viên tiểu học đến từ 9 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh tham gia. Đây là lớp tập huấn do Bộ Giáo dục & Đào tạo tổ chức.

Giúp trẻ an toàn hơn khi tham gia giao thông
Return to top