ClockThứ Năm, 04/01/2018 08:38

Thay trầm tư bằng hành động mạnh mẽ

TTH - Sáng 2/1/2018, ngày làm việc đầu tiên của năm mới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với lãnh đạo và nhân dân Thừa Thiên Huế.

Xây dựng Huế trở thành một nơi đáng sốngThủ tướng Chính phủ làm việc với Tập đoàn Banyan Tree, Vườn Quốc gia Bạch Mã, Đại học Huế

Qua chương trình thời sự trên VTV1 về buổi nói chuyện tại Đại học Huế, tôi được nghe vị Thủ tướng, quê ở Quảng Nam, hóm hỉnh đọc một vài câu thơ.  Đó là những vần thơ đã đi sâu vào văn hóa Huế từ rất lâu, bằng giọng đọc "đậm đà" của một người con miền Trung: "Huế dịu dàng pha lẫn nét trầm tư!". Thủ tướng còn đọc tiếp mấy câu thơ: "Học trò xứ Quảng ra thi, gặp cô gái Huế bỏ đi không đành!". Và Thủ tướng nhắc nhở cán bộ lãnh đạo tỉnh phải mạnh dạn trong việc phát triển kinh tế tỉnh nhà, không thể chầm chậm mãi, cũng như lãnh đạo Đại học Huế phải thật sự "tự chủ" để thay đổi, đưa Đại học Huế xứng đáng là một trong những trung tâm giáo dục hàng đầu của Việt Nam và vươn tầm ra thế giới nếu không thì: "Học trò xứ Quảng ra thi, gặp cô gái Huế phải đành bỏ đi"!

Cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã "gãi đúng chỗ ngứa" và quyết liệt yêu cầu các cấp lãnh đạo và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phải mạnh dạn thay đổi trong tư duy và hành động, không thể cứ "chần chừ" mãi trong khi Huế có rất nhiều điều kiện, tiềm năng để phát triển, trong đó quan trọng nhất vẫn là mũi nhọn là phát triển ngành du lịch.

Tôi là người sinh ra và lớn lên ở Huế. Sau nhiều năm học tập và bôn ba làm việc ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương... trái tim tôi luôn hướng về Huế với mong mỏi khát khao Cố đô Huế sẽ phát triển xứng tầm với vị trí địa lý, lịch sử, văn hóa, nơi vùng đất có "5 di sản" được Tổ chức Unesco công nhận. Mong muốn là vậy, nhưng tôi và bạn bè tôi vẫn cảm nhận rằng Huế đẹp và nên thơ nhiều năm trôi qua vẫn dịu dàng, trầm tư như  "nàng công chúa Hoàng Cung" vẫn đang còn "ngái ngủ", phải cần phải đánh thức.

Công bằng mà nói, nhiều năm qua, cả hệ thống chính trị và nhân dân Thừa Thiên Huế đã giúp Huế thay da đổi thịt, hàng loạt dự án quan trọng được dầu tư ở Huế. Tiêu biểu như dự án của Tập đoàn Banyan Tree của Singapor làm chủ đầu tư Khu du kịch Laguna Lăng Cô đã hoàn thiện giai đoạn 1 và chuẩn bị đầu tư vào giai đoạn 2 với đề xuất tăng vốn từ 875 triệu USD lên 2 tỷ USD; dự án Trung tâm thương mại - Khách sạn - Chung cư cao cấp do Tập đoàn Vinhome đang gấp rút hoàn thiện tại trung tâm thành phố Huế... và nhiều dự án quan trọng khác vẫn đang được triển khai đồng bộ.

Về hoạt động dịch vụ du lịch, Di tích Cố đô Huế đã khai trương "Đêm hoàng cung" nhằm tạo ra những dịch vụ vào buổi tối vốn rất thiếu ở Huế để đón du khách tham quan Hoàng thành Huế, cũng như việc khai trương tuyến phố đi bộ ở trục đường Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu. Bên cạnh đó là hàng loạt hoạt động dịch vụ nhà hàng, quán bar được mọc lên xung quanh các tuyến phố đi bộ. Tuy nhiên, chừng đó là chưa đủ để giúp "người đẹp Hoàng cung" bừng tỉnh giấc.

So sánh với sự phát triển với các thành phố khác như ở TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng, cho thấy, điều quan trọng là bên cạnh việc các cấp chính quyền cùng vào cuộc quyết liệt thì giới trẻ ở Huế - những chủ nhân tương lai - phải thay đổi tư duy "trầm tư" và hành động "mạnh mẽ", như gợi ý của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Đó là:

Đối với giới trẻ:

1. Các bạn trẻ phải thay đổi từ tư duy "chờ đợi" sang tư duy "gõ cửa", chủ động tìm kiếm việc làm. Thay đổi từ tư duy "cục bộ" gia đình, dòng họ... sang tư suy "đoàn kết" chia sẻ thành công cùng giúp nhau làm giàu, chủ động khởi nghiệp. Không trông chờ, ỷ lại vào "điều kiện" của gia đình, bố mẹ "đặt đâu" con làm đó.

2. Kiểm soát thời gian học tập làm việc, không tụ tập "giết" thời gian trong các quán café. Có thể nhận thấy rất rõ, một số bộ phận không ít các bạn trẻ ở Huế dành rất nhiều thời gian "tán gẫu" trong các quán café ngày một mọc lên càng nhiều tại Huế.  

Đối với các cấp chính quyền địa phương:

1. Chủ động tạo nhiều công ăn việc làm cho các bạn sinh viên mới ra trường, tiến dần tới công khai minh bạch trong khâu tuyển dụng, đào tạo và phát triển người tài để giữ chân họ ở lại với Huế.

2. Có kế hoạch đề ra các giải pháp khắc phục cũng như hỗ trợ ứng phó với tình hình mưa lũ vẫn thường xuyên diễn ra ở Huế vào các tháng cuối năm để giúp dân nghèo ở nông thôn vượt qua khó khăn trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt...

Nguyễn Anh Tuấn

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top