ClockThứ Tư, 08/11/2017 05:11

Thầy Vũ sáng chế

TTH - Lý thuyết phải gắn với thực hành, có thế người học mới dễ dàng tiếp thu kiến thức, áp dụng vào đời sống thực tế. Với ý nghĩ đó, thầy giáo trẻ Nguyễn Trường Vũ, bộ môn vật lý Trường quốc tế Phượng Hoàng (phường Kim Long, TP. Huế) đã tìm tòi, làm ra nhiều thiết bị dạy học rất thiết thực, lại rẻ tiền.

Mỗi thiết bị thí nghiệm vật lý khi áp dụng vào từng tiết học cụ thể đã khơi gợi niềm đam mê sáng tạo, sự thích thú trong từng học sinh.

Việc học môn vật lý với nhiều học sinh trở thành niềm vui khi được tham gia, tiến hành thử nghiệm các sáng chế của thầy Vũ

Ứng dụng thực tế vào việc học

Tốt nghiệp chuyên môn Vật lý tiên tiến Trường đại học Sư phạm – ĐH Huế, thầy giáo 29 tuổi Nguyễn Trường Vũ có một năm du học tại Hoa Kỳ trước khi về lại Huế gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ”. Câu hỏi luôn quẩn quanh trong đầu Vũ là làm sao để mỗi tiết học đều giúp các em vừa dễ hiểu bài và luôn vui cười. “Không thể sách vở lý thuyết suông hoài được mà phải có những vật dụng thực hành cụ thể để học sinh dễ hình dung, khơi gợi sự sáng tạo ở các em”, thầy Vũ nói.

Tận dụng những vật dụng xung quanh bỏ đi, thầy Vũ cùng nhóm học sinh mày mò sáng chế. Thiếu cái gì tự bỏ tiền túi đi mua cái đó, miễn sao cho ra một sản phẩm “nên hồn”, đưa lên lớp học sinh có thể ứng dụng được. Có mặt tại một buổi học của thầy Vũ, mới hiểu hết sự thú vị và hào hứng trên mỗi khuôn mặt học sinh.

“Gấp hết sách vở lại, bắt đầu chia nhóm để thực hành thôi”, vừa nói khi tiết học bắt đầu, thầy Vũ vừa hướng dẫn học sinh lớp 9 bơm hơi vào chiếc hũ nhựa có quả bóng bên trong. Hơi vào hũ nhựa càng nhiều, quả bóng bên trong cũng phình theo. Lý giải về điều này với học sinh, thầy Vũ nói đó là sự co giãn của không khí trong quả bóng khi đặt chúng trong môi trường chân không. “Tiết học nói về môi trường chân không bắt đầu như vậy đó, có thế các em mới hứng thú và nhanh hiểu bài”, thầy Vũ diễn giải.

Những vật dụng làm nên sáng chế của thầy Vũ tuy có vẻ hiện đại, nhưng lại  dễ mua. Khi hoàn thành, những sáng chế ấy rẻ hơn rất nhiều lần so với thị trường. Nhắc đến thầy Vũ, nhiều học sinh trong trường liên tưởng đến nhiều sáng chế khác, như máy trộn màu, bàn điện tích, bút thử điện, ống kính chụp quang phổ, động cơ tịnh tiến dao động… Tất cả được áp dụng vào lớp học một cách thực tế.

Chia sẻ lên mạng xã hội

Mỗi tiết học của thầy Vũ đều đem lại ấn tượng nhất định đối với học sinh bởi tâm lý thoải mái, không gây cảm giác nhàm chán. "... không phải là những giờ học khô cứng mà cả lớp ai cũng được nhìn, được sờ thấy, thậm chí còn được thầy hướng dẫn tự làm đồ dùng thí nghiệm nữa", Nguyễn Tôn Nữ Bảo Ngọc (học sinh lớp 9) hào hứng khi nói về tiết học vật lý của thầy Vũ.

Thầy Vũ cũng trăn trở trước việc dạy và học các môn có liên quan đến thí nghiệm, thực hành hiện nay ở hệ thống giáo dục phổ thông. Riêng với môn vật lý, đa số kiến thức học sinh nắm được từ những buổi thí nghiệm, nhưng hiện nay việc này còn hạn chế. Chính vì vậy, người thầy trẻ tâm niệm phải sáng chế được nhiều vật dụng bằng mọi cách đơn giản nhất, rẻ tiền nhất nhưng hiệu quả để áp dụng trong từng tiết dạy.

Những mô hình, sáng chế không nằm trong phòng thực hành hay một lớp học nhất định mà còn được thầy Vũ đưa ra trước sân trường để biểu diễn cho các học sinh khác xem và thử nghiệm. Từ đó, tìm cách truyền cho học sinh cảm hứng sáng tạo từ những đồ dùng bỏ đi. Bên cạnh đó, tất cả những sáng chế cũng được quay phim lại, số hóa đưa lên mạng xã hội, youtube để chia sẻ với học sinh trong và ngoài nước tham khảo. Nhiều ý kiến đánh giá cao về những sáng chế đã như một động lực để thầy Vũ tiếp tục theo đuổi đam mê.

Thầy giáo Vũ đang gấp rút chuẩn bị những khâu cuối cùng để cho ra đời trung tâm thí nghiệm vật lý ấp ủ bấy lâu nay. “Từ ấp ủ ấy, tôi chia sẻ với trường và được trường hoàn toàn ủng hộ. Dịp công tác Hà Nội gần đây, tôi kết nối được Trung tâm thí nghiệm vật lý Edison và hai bên đi đến quyết định sẽ mở trung tâm tại Huế, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm nay”, thầy Vũ hồ hởi.

Thầy giáo Nguyễn Cao, Hiệu trưởng Trường quốc tế Phượng Hoàng nhìn nhận, những sáng chế của thầy Vũ khơi gợi niềm đam mê sáng tạo khoa học, kỹ thuật, đưa học sinh tiếp cận với môi trường nghiên cứu từ khi còn học phổ thông, nhờ đó mà nhiều em đạt giải ở các hội thi sáng chế. Tiến sĩ Bùi Thắng, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật tỉnh cũng đánh giá cao những sáng chế được học sinh Trường quốc tế Phượng Hoàng do thầy Vũ hướng dẫn gửi đi dự thi. “Rất hay và thực tế”, ông Thắng tâm đắc.

Bài, ảnh: PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Số đơn đăng ký bằng sáng chế toàn cầu giảm lần đầu tiên sau 14 năm

Số đơn đăng ký bằng sáng chế quốc tế trong năm ngoái đã giảm lần đầu tiên sau 14 năm, do lãi suất cao hơn và tình trạng bất ổn kinh tế; trong đó, Ấn Độ nằm trong số ít các quốc gia đi ngược lại xu hướng này, Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới (WIPO) của Liên hiệp quốc (LHQ) cho biết trong một báo cáo thường niên.

Số đơn đăng ký bằng sáng chế toàn cầu giảm lần đầu tiên sau 14 năm
Sáng chế robot đa năng phòng dịch

Đam mê với công nghệ, Hoàng Minh Nhật và Trương Viết Bảo Châu, hai nam sinh Trường THPT Thừa Lưu (Phú Lộc) đã nghiên cứu và chế tạo thành công robot đa năng góp phần phòng dịch COVID – 19.

Sáng chế robot đa năng phòng dịch
Thầy giáo sáng chế Nguyễn Trường Vũ: “Học sinh là nguồn cảm hứng cho tôi”

“Tôi luôn trăn trở để giúp học sinh cảm thấy thú vị khi học vật lý. Học sinh là nguồn cảm hứng cho tôi. Khi nhìn thấy các em phấn khích vì thí nghiệm thì đó cũng là niềm phấn khích của tôi. Thông qua những thí nghiệm thú vị, các em yêu học vật lý hơn”, thầy giáo Nguyễn Trường Vũ (32 tuổi, Trường TH&THCS Phượng Hoàng, phường Kim Long, TP. Huế) chia sẻ.

Thầy giáo sáng chế Nguyễn Trường Vũ “Học sinh là nguồn cảm hứng cho tôi”
Return to top