Thế giới

The ASEAN Post: Công nghệ y tế từ xa nổi lên trong đại dịch

ClockThứ Sáu, 17/07/2020 06:49
TTH.VN - Công nghệ hiện đại thực sự thay đổi cuộc sống của chúng ta theo cách tốt hơn, từ việc chuyển đổi giao tiếp và cách mọi người giữ liên lạc với nhau, đến những thông tin và cập nhật tin tức có sẵn trên đầu ngón tay.

Singapore sẽ chi thêm 30% vào công nghệ thông tin và truyền thôngHướng đến các thành phố xanh, sạch, thông minh hơn sau dịch COVID-19Ứng dụng công nghệ trong cuộc chiến chống COVID-19 ở châu Á

Bệnh nhân được khám bệnh từ xa. Ảnh minh hoạ: TTXVN

Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng COVID-19, công nghệ mở đường cho việc học tại nhà và làm việc tại nhà trong thời gian thực hiện các biện pháp cách ly hay phong toả để ngăn chặn dịch bệnh. Trong những năm gần đây, công nghệ cũng giúp cải thiện việc chăm sóc sức khỏe.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) định nghĩa, công nghệ y tế từ xa (telehealth) là việc sử dụng công nghệ viễn thông và công nghệ trực tuyến để cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe bên ngoài những cơ sở chăm sóc sức khỏe truyền thống, mở rộng phạm vi chăm sóc chất lượng cao và chuyên môn sâu đến tận nhà, cũng như đến những cộng đồng xa xôi hẻo lánh và cô lập. Thị trường công nghệ y tế từ xa toàn cầu được dự báo ​​sẽ đạt trị giá 82,03 tỷ USD vào năm 2027.

Theo Trung tâm Y tế Học thuật Phi lợi nhuận Mayo Clinic (Mỹ), một số mục tiêu của công nghệ y tế từ xa bao gồm: giúp đưa chăm sóc sức khỏe đến những người sống ở các khu vực nông thôn, cải thiện việc thông tin liên lạc và phối hợp chăm sóc giữa các thành viên của nhóm chăm sóc sức khỏe và bệnh nhân, để hỗ trợ tự quản lý chăm sóc sức khỏe và làm cho các dịch vụ trở nên sẵn có hoặc thuận tiện hơn cho những người hạn chế về khả năng di chuyển, thời gian hay phương tiện vận chuyển.

Hơn nữa, bà Ivy Lai, Giám đốc Công ty Philips tại Singapore nhận định, công nghệ y tế từ xa cũng có thể làm tăng hiệu quả. “Thông qua việc tạo điều kiện cho hoạt động chăm sóc được phân phối một cách nhanh chóng qua các múi giờ và khu vực địa lý, công nghệ y tế từ xa có thể giảm các chi phí chung và thúc đẩy kết quả tốt hơn. Chẳng hạn như, điều này có thể thúc đẩy sự hợp tác bằng cách cho phép chia sẻ an toàn thông tin y tế giữa các bác sĩ lâm sàng tại những địa điểm khác nhau”, bà Ivy Lai giải thích.

Mặc dù công nghệ y tế từ xa tương đối mới, một số quốc gia thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhanh chóng áp dụng. Tại Singapore, 64% chuyên gia chăm sóc sức khỏe hiện đang sử dụng một số hình thức của công nghệ chăm sóc được kết nối cho hoạt động chẩn đoán, điều trị hoặc quản lý bệnh nhân. Một báo cáo về “Chỉ số Sức khỏe Tương lai” của Philips cho thấy, 1/2 dân số của quốc gia này đã sử dụng một số hình thức của công nghệ chăm sóc được kết nối để theo dõi các chỉ số sức khỏe, chẳng hạn như lượng đường và liều lượng thuốc.

Cho đến nay, Indonesia, quốc gia đông dân nhất ở khu vực Đông Nam Á đã xác nhận hơn 78.000 trường hợp nhiễm COVID-19, trong khi số ca tử vong tăng lên gần 4.000 người. Các báo cáo phương tiện truyền thông cho rằng, quốc gia này thiếu thiết bị bảo hộ và bác sĩ, khi chỉ có 3 bác sĩ cho mỗi 10.000 người dân Indonesia, và các cơ sở chăm sóc sức khỏe cũng hạn chế. Tính đến tháng 4, có ít hơn 4.000 giường bệnh cho bệnh nhân COVID-19 bị bệnh nặng ở một quốc gia có 270 triệu người. Điều này gây áp lực rất lớn lên hệ thống chăm sóc sức khỏe của Indonesia.

Nhằm giảm bớt căng thẳng, Chính phủ Indonesia đã hướng dẫn công dân đến các công ty cung cấp công nghệ y tế từ xa; thông qua đó, họ có thể tiếp cận những hướng dẫn y tế đã được xác minh, nhận tư vấn qua điện thoại hoặc tin nhắn, và thậm chí nhận được thuốc được kê đơn.

"Do có các cơ sở chăm sóc sức khỏe hạn chế, đặc biệt là ở quận của tôi, người dân của chúng tôi cần thêm thông tin dễ sử dụng mà không cần phải đến bệnh viện", bác sĩ Mohammad Risandi Priatama tại Indonesia cho hay.

Trong khi đó, một số công ty công nghệ y tế từ xa ở Indonesia như Halodoc và Alodokter đã chứng kiến ​​việc sử dụng tăng vọt trong những tháng gần đây.

"Khi các bệnh viện đã chật cứng, Chính phủ muốn đảm bảo chỉ những bệnh nhân ưu tiên sẽ đến phòng cấp cứu và những bệnh nhân không cần nhập viện khẩn cấp có thể được hỗ trợ trực tuyến", ông Nathanael Faibis, Tổng giám đốc điều hành của Công ty Alodokter nói thêm.

Điều trị từ xa

Chiron Health, một công ty phần mềm điều trị từ xa (telemedicine) cho biết, điều trị từ xa là một tập hợp con của công nghệ y tế từ xa, chỉ đề cập đến việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa, thông qua việc sử dụng công nghệ truyền thông.

“Công nghệ y tế từ xa khác với điều trị từ xa, vì nó đề cập đến một phạm vi rộng hơn các dịch vụ chăm sóc sức khỏe từ xa. Trong khi điều trị từ xa đề cập cụ thể đến các dịch vụ lâm sàng từ xa, công nghệ y tế từ xa có thể đề cập đến các dịch vụ phi lâm sàng từ xa”, Chiron Health giải thích.

Theo Health Advances, một công ty tư vấn chiến lược tập trung vào ngành chăm sóc sức khỏe, Trung Quốc, Singapore, và Australia được coi là những quốc gia đã áp dụng điều trị từ xa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trước cuộc khủng hoảng COVID-19, các quốc gia này đã nổi bật bởi các nền tảng điều trị từ xa mạnh mẽ và sự hỗ trợ của Chính phủ. Trong khi đó, Nhật Bản và Indonesia có khả năng đẩy nhanh việc áp dụng điều trị từ xa sau đại dịch COVID-19.

Một báo cáo gần đây của Hãng Nghiên cứu và Tư vấn Kinh doanh Inventure Indonesia dự báo, các công ty khởi nghiệp về điều trị từ xa ở Indonesia sẽ phát triển nhanh hơn sau đại dịch và sự cạnh tranh để tạo ra dịch vụ tốt nhất sẽ trở nên khốc liệt hơn.

“Một khi người tiêu dùng có được trải nghiệm thỏa mãn, và nhận thấy sự tiện lợi, ít tốn kém và tiết kiệm thời gian, dịch vụ này sẽ bước vào giai đoạn xu hướng với một thị trường lớn hơn. Trong điều kiện như vậy, có khả năng người dẫn đầu thị trường về loại dịch vụ này sẽ là kỳ lân tiếp theo”, báo cáo lưu ý.

Lê Thảo (Lược dịch từ The ASEAN Post)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Chuyên gia bày tỏ lo ngại về bệnh cúm gia cầm lây sang người

Sự lây lan toàn cầu đang diễn ra của các ca nhiễm “cúm gia cầm” sang động vật có vú trong đó có con người là một mối quan ngại lớn về sức khỏe cộng đồng, các chuyên gia y tế cấp cao của Liên hợp quốc (LHQ) ngày 18/4 cho biết, khi họ công bố các biện pháp mới nhằm giải quyết những bệnh lây truyền qua đường không khí.

Chuyên gia bày tỏ lo ngại về bệnh cúm gia cầm lây sang người
Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở

Cùng với cả nước, trong tháng 4 này, Thừa Thiên Huế đồng loạt ra quân và tăng tốc thực hiện điều tra dân số và nhà ở giữa kỳ năm 2024. Với sự trợ giúp từ phần mềm CAPI (một mô-đun phỏng vấn cá nhân và phỏng vấn thực địa chuyên dụng) trên thiết bị điện tử đã giúp các lực lượng điều tra viên “tăng tốc” trong quá trình thực hiện điều tra.

Ứng dụng công nghệ trong điều tra dân số và nhà ở
Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống

Các nước trên toàn thế giới đã dành 2 năm qua để soạn thảo một hiệp ước quốc tế về phòng ngừa, chuẩn bị và ứng phó với đại dịch. Nhưng hiện vẫn còn khá xa để đạt được đồng thuận về các vấn đề quan trọng như công bằng vaccine và giám sát mầm bệnh.

Hiệp ước đại dịch - Niềm tin về hỗ trợ sự sống
Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.

Nông nghiệp huyện Phú Lộc đang từng bước chuyển dịch theo hướng hàng hóa, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ mới nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Sản xuất gắn với bảo quản, chế biến, quảng bá và liên kết tiêu thụ sản phẩm nên người dân yên tâm.

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất nông nghiệp
Chip bán dẫn - Cốt lõi của kỷ nguyên công nghệ

Sáng 4/4, diễn giả Nguyễn Trung Dân, Phó giáo sư của Trường đại học Arizona Mỹ có buổi talkshow, chia sẻ với giảng viên, sinh viên và học sinh Trường đại học Khoa học, Đại học Huế với chủ đề “Chip bán dẫn – Cốt lõi của kỷ nguyên công nghệ”

Chip bán dẫn - Cốt lõi của kỷ nguyên công nghệ
Return to top