Người dân Yemen đang đối mặt với khủng hoảng nhân đọa nghiêm trọng do chiến tranh và lệnh phong tỏa của liên minh quân sự Saudi Arabia. Ảnh: OCHA
Quốc tế lên án
Yemen đang diễn ra cuộc chiến kéo dài hai năm giữa phiến quân Houthi liên minh với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh và quân liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu ủng hộ Tổng thống Abd-Rabbu Mansour Hadi. Trong giai đoạn chiến tranh, liên minh quân sự do Saudi Arabia đứng đầu đã ban bố lệnh phong tỏa tại các cửa khẩu, cảng biển và sân bay Sana'a của Yemen. Cho đến nay, lệnh phong tỏa đã tồn tại được gần 1 tháng. Mặc dù gần đây một phần lệnh cấm vận đã được dỡ bỏ, nhưng tình hình khủng hoảng nhân đạo vẫn đang diễn ra hết sức nghiêm trọng và là mối đe dọa cho mạng sống của hàng triệu người, nhất là trẻ em ở Yemen.
Trước đó, vào ngày 16/11, Liên Hiệp Quốc (LHQ) và 14 tổ chức phi chính phủ ở quốc gia này đã công bố một tuyên bố chung, thể hiện phẫn nộ của cộng đồng quốc tế về hành động của liên minh quân sự đối với Yemen khi ít nhất 7 triệu người đang trên bờ vực của nạn đói.
Cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF) và Chương trình lương thực thế giới (WFP) cũng nhấn mạnh về tính cấp bách trong công tác vận chuyển các gói hỗ trợ bao gồm thực phẩm, thuốc men và đồ tiếp nhiên liệu đến Yemen, để cứu sống hàng triệu người dân địa phương.
Yemen là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới, với tỷ lệ nhập khẩu các nhu yếu phẩm cần thiết lên đến 90%. Kể từ ngày bạo loạn xảy ra, cuộc chiến đã cướp đi mạng sống của hơn 8.600 người và gây ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của hàng triệu người dân nước này. Kể từ sau khi liên minh quân sự ban bố lệnh phong tỏa, cuộc sống của người dân Yemen ngày càng nảy sinh nhiều khó khăn. Việc thiếu lương thực, thực phẩm và nhất là nhiên liệu đã làm đường ống dẫn nước sạch ở đây tắc nghẽn và ngưng hoạt động trong nhiều ngày. Hậu quả kéo theo là khoảng 1 triệu trẻ em có nguy cơ tử vong do mắc các dịch bệnh truyền nhiễm như tả, nhiễm trùng mũi và họng, viêm màng não... Chỉ trong 1 tuần lễ từ ngày 13-19/11, giới chức Yemen ước tính có khoảng 14 trường hợp tử vong do bạch hầu và 120 trường hợp khác được chuẩn đoán mắc căn bệnh này.
Hợp tác giải quyết vấn nạn chung
Ngày 22/11, sau khi lực lượng quân sự nhất trí dỡ bỏ một phần lệnh phong tỏa, bằng cách mở cửa trở lại hai hải cảng và sân bay Sana’a của Yemen khi được cảnh báo về việc hàng ngàn người có thể thiệt mạng, quốc gia này đã chính thức tiếp nhận đợt hàng cứu trợ đầu tiên từ LHQ bao gồm 25.000 tấn lúa mỳ và 1,9 triệu liều vaccine vào ngày 26/11 vừa qua.
Phát biểu trước báo giới, Giám đốc phụ trách khu vực Trung Đông – Bắc Phi của UNICEF, ông Geert Cappelaere bày tỏ vui mừng về việc tái hoạt động của sân bay Sana’a, đồng thời nhấn mạnh những thành công của công tác nỗ lực kêu gọi giải thoát cho Yemen không thể dừng lại trong một lần duy nhất. Ngoài ra, văn phòng điều phối các vấn đề nhân đạo của LHQ (U.N.OCHA) cũng ngay lập tức phát thông báo về những kế hoạch hỗ trợ nhân đạo tiếp theo, cùng lúc lên danh sách các cung đường huyết mạch an toàn, nhằm tạo điều kiện tốt để các tổ chức quốc tế dễ dàng phân bố lực lượng tình nguyện viên, nhân viên và hàng hóa đến vùng cực bắc của Yemen.
Trong nguồn hàng cứu trợ, vaccine được xem sản phẩm cần thiết nhất để Chính phủ nước này nhanh chóng triển khai chiến dịch tiêm phòng cho hơn 600.000 trẻ em, trong bối cảnh cứ 10 phút sẽ có thêm 1 trẻ em thiệt mạng do ảnh hưởng từ những bệnh dịch có thể phòng chống được. Tuy nhiên, với nhu cầu sử dụng quá cao, số lượng 1,9 triệu liều vaccine của UNICEF đã cung cấp đang ngày càng cạn kiệt và cần thiết phải được bổ sung trong thời gian sớm nhất. Ngoài các nhu yếu phẩm cần thiết, nhiều nhà lãnh đạo cũng kêu gọi sự hỗ trợ của các sản phẩm tiếp nhiên nhiệu, để nhanh chóng nối điện, dẫn nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân địa phương.
Trước tình hình hiện tại của Yemen, sáu nhà hoạt động vì hòa bình bao gồm Mairead Maguire (Bắc Ailen), Rigoberta Menchú Tum (Guatemala), Jody Williams (Hoa Kỳ), Shirin Ebadi (Iran), Tawakkol Karman (Yemen) và Leymah Gbowee (Liberia) đại diện cộng đồng quốc tế kêu gọi Saudi Arabia và các đồng minh quân sự nhanh chóng chấm dứt chiến dịch phong tỏa, tạo điều kiện để người dân Yemen tái ổn định và xây dựng cuộc sống. Lời kêu gọi được tuyên bố vào ngày 26/11, cùng lúc chuyến tàu chở lương thực viện trợ đầu tiên của LHQ cập cảng Saleef.
Nhằm đảm bảo quá trình viện trợ diễn ra hiệu quả, trong thời gian tới, LHQ cam kết sẽ triển khai một đội ngũ chuyên gia thảo luận về các thủ tục giám sát, nhằm đảm bảo các vũ khí nguy hiểm sẽ không được nhập lậu trong quá trình vận chuyển hàng hóa, lương thực đến tay người dân. Trong trường hợp các chuyến bay và các chuyến hàng cứu trợ có thể tiếp tục hoạt động, nhiều khả năng những cuộc khủng hoảng gần nhất của Yemen sẽ có thể dịu đi.
Trong một động thái liên quan, Nhà Trắng tuyên bố “Hoa Kỳ tin rằng cuộc xung đột này và những đau khổ mà nó gây ra cần phải được chấm dứt, thông qua các cuộc đàm phán chính trị”.
HẠNH NHI (Tổng hợp từ UN News, OCHA & Dw)