Thế giới

SOM ASEAN đề xuất đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông

ClockThứ Ba, 09/06/2015 13:55
TTH.VN - Theo phóng viên TTXVN tại Malaysia, Tổng Thư ký Bộ Ngoại giao Malaysia Othman Hashimn ngày 8/6 cho biết một trong những vấn đề mà Hội nghị Quan chức cấp cao ASEAN (SOM ASEAN) đề xuất bàn thảo tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 48 (AMM 48), dự kiến diễn ra vào tháng 8 tới tại Kuala Lumpur, là đàm phán về Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). 

Tại cuộc họp báo về kết quả Hội nghị SOM ASEAN tại Kuching, bang Sarawak, Malaysia, trả lời phóng viên về trường hợp nếu tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông gia tăng, ông Othman Hashimn cho biết vấn đề này đã được bàn thảo kỹ lưỡng tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 26 vừa qua tại Kuala Lumpur và Langkawi, vì vậy sẽ không thảo luận chi tiết tại AMM 48.

Ông Othman Hashimn cho biết, các đề xuất khác được đưa ra bàn thảo tại AMM 48 gồm nỗ lực xây dựng Đông Nam Á thành khu vực phi vũ khí hạt nhân và việc một số nước, trong đó có Na Uy và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đề nghị trở thành đối tác đối thoại của ASEAN.

Cụ thể, AMM 48 sẽ thảo luận Nghị định thư về Hiệp ước Khu vực phi vũ khí hạt nhân ASEAN có hiệu lực từ năm 1997, đồng thời tìm sự ủng hộ của các nước đối tác đối thoại của ASEAN và các quốc gia khác trong việc duy trì Hiệp ước, kiềm chế các nước sản xuất và sử dụng vũ khí hạt nhân.

Về việc Na Uy và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đề nghị trở thành đối tác đối thoại của ASEAN, ông cho rằng còn phụ thuộc vào một số tiêu chí, trong đó có quan hệ song phương giữa hai nước này với các nước thành viên ASEAN và cần thời gian để xem xét.

Theo chương trình, ngày 9/6, các quan chức cấp cao ASEAN và các đối tác đối thoại của ASEAN gồm Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc (ASEAN+3) sẽ họp tại Kuching để bàn về việc chuẩn bị cho Hội nghị AMM và các hội nghị cấp cao khác trong thời gian tới.

Bộ trưởng Ngoại giao và Hơp tác của Timor Leste, ông Hernani Coelho ngày 8/6 bày tỏ quan ngại về những căng thẳng gần đây trên Biển Đông sau khi Trung Quốc mở rộng xây dựng các bãi, đá ở quần đảo Trường Sa.

Trả lời câu hỏi của phóng viên TTXVN đang có mặt tại Timor Leste về quan điểm của Chính phủ Timor Leste đối với những tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông giữa Trung Quốc và một số nước thuộc khu vực Đông Nam Á, Bộ trưởng Coelho cho rằng vấn đề Biển Đông rất phức tạp, đòi hỏi thiện chí của tất cả các bên.

Theo ông, việc giải quyết mọi tranh chấp lãnh thổ cần được thực hiện thông qua các biện pháp hòa bình, tôn trọng các nguyên tắc của luật pháp quốc tế. Ông cũng kêu gọi các bên liên quan sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), bởi đây là cách tốt nhất để xử lý các tranh chấp chủ quyền trên biển.

Bộ trưởng Ngoại giao và Hợp tác Timor Leste nhấn mạnh COC có ý nghĩa rất quan trọng bởi nó sẽ đặt ra các nguyên tắc và chỉ dẫn để giải quyết các tranh chấp về biên giới, lãnh thổ, lãnh hải trên Biển Đông. Ông tuyên bố Timor Leste, với tư cách một nước đang xin gia nhập Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), rất ủng hộ việc ra đời COC vì văn bản này sẽ là công cụ mang tính ràng buộc pháp lý để các bên liên quan có thể sử dụng giải quyết những tranh chấp hiện nay.

Ông cũng khẳng định tầm quan trọng của việc thúc đẩy một môi trường hòa bình, thân thiện trên Biển Đông giữa ASEAN và Trung Quốc nhằm đảm bảo hòa bình, ổn định, tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng trong khu vực.

Về triển vọng quan hệ song phương với Việt Nam, Bộ trưởng Hernani Coelho cho biết Chính phủ và người dân Timor Leste rất tôn trọng và quý mến đất nước Việt Nam. Mặc dù hai nước xa cách về địa lý, nhưng những năm gần đây, quan hệ giữa Việt Nam và Timor Leste đã có nhiều bước tiến nhanh chóng trong bối cảnh Timor Leste ngày càng nhập khẩu nhiều hàng hóa, đặc biệt là nông sản của Việt Nam.

Quan hệ giữa hai nước thời gian qua đã được tăng cường. Việt Nam quan tâm tới lĩnh vực hạ tầng cơ sở của Timor Leste, Tập đoàn viễn thông quân đội Viettel của Việt Nam đã đầu tư vào lĩnh vực viễn thông của Timor Leste với thương hiệu Telemor và đã trở thành một trong những nhà cung cấp dịch vụ viễn thông hàng đầu và có uy tín tại Timor Leste.

Ông Coelho tái khẳng định Timor Leste rất mong muốn và đã sẵn sàng gia nhập ASEAN. Timor Leste đang chờ đợi báo cáo đánh giá cuối cùng của Nhóm công tác xem xét tác động của việc Timor Leste gia nhập ASEAN, và hy vọng sớm được kết nạp làm thành viên chính thức của ASEAN.

Theo Vietnam+
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Sau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến

Nắng nóng kỷ lục ở Philippines trong tháng này đã buộc các trường học phải cho học sinh về nhà để học trực tuyến, làm sống lại ký ức về đợt phong tỏa do đại dịch COVID-19 và làm dấy lên lo ngại rằng thời tiết khắc nghiệt hơn trong những năm tới có thể làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng về giáo dục.

Sau COVID, đến lượt nắng nóng buộc các trường học ở Indonesia chuyển sang học trực tuyến
Giá lương thực toàn cầu dự báo giảm trong năm 2024

Theo dự báo của hãng tư vấn kinh tế Oxford Economics, giá hàng hóa thực phẩm thế giới sẽ ghi nhận sự sụt giảm trong năm nay, làm giảm áp lực lên giá bán lẻ thực phẩm. Động lực chính đằng sau sự sụt giảm này là “nguồn cung dồi dào” đối với nhiều loại cây trồng quan trọng, đặc biệt là lúa mì và ngô.

Giá lương thực toàn cầu dự báo giảm trong năm 2024
Châu Phi cần 277 tỷ USD/năm để thích ứng với khí hậu

Tham dự một hội nghị cấp cao về tài chính khí hậu, Chủ tịch nhóm Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) Akinwumi Adesina vừa lên tiếng kêu gọi hành động khẩn cấp khi biến đổi khí hậu tiếp tục tàn phá nhiều quốc gia châu Phi.

Châu Phi cần 277 tỷ USD năm để thích ứng với khí hậu
Tổ chức Lao động quốc tế (ILO):
Người lao động thế giới ngày càng gặp rủi ro do biến đổi khí hậu

Hơn 70% lực lượng lao động toàn cầu phải đối mặt với những rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng mỗi năm, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) ngày 22/4 cho biết; đồng thời lưu ý, các chính phủ sẽ cần phải hành động khi những con số tăng lên.

Người lao động thế giới ngày càng gặp rủi ro do biến đổi khí hậu
Return to top