ClockThứ Bảy, 13/02/2016 14:52

Hòa bình Syria: “Cần biến lời nói thành hành động”

Nỗ lực đơn lẻ của Nga hay một số nước liên quan là không đủ, mà trách nhiệm lớn nhất thuộc về các bên tại Syria.

Thỏa thuận đạt được hôm qua giữa các cường quốc phương Tây về một lệnh ngừng bắn tại Syria dù được đánh giá là mong manh song lại được xem là con đường duy nhất mang lại hy vọng khôi phục tiến trình hòa bình và chấm dứt 5 năm nội chiến tại quốc gia Trung Đông này.

“Hãy biến lời nói thành hành động” là lời kêu gọi được nhắc tới nhiều nhất trong ngày hôm qua, sau khi các cường quốc phương Tây nhất trí được một thỏa thuận ngừng bắn tại Syria trong vòng 1 tuần tới. Tuy nhiên, lời kêu gọi này cũng một lần nữa cho thấy sự đối đầu về lập trường giữa Nga và phương Tây trong giải quyết cuộc nội chiến Syria. 

Cơ sở hạ tầng ở Syria bị tàn phá nặng nề sau gần 5 năm nội chiến. Ảnh: AP

Đức, nước chủ nhà Hội nghị an ninh Munich thường niên, hôm qua hối thúc các bên liên quan hãy biến lời nói thành hành động, song nhấn mạnh, trách nhiệm trước tiên thuộc về nước Nga. Người phát ngôn Chính phủ Đức Christiane Wirtz thậm chí còn cho rằng, với việc hỗ trợ quân sự cho chính quyền Tổng thống Bashar Al-Assad, Nga rõ ràng là một mối nguy cơ đối với tiến trình chính trị và giai đoạn trước lệnh ngừng bắn không nên bị sử dụng để tăng cường các vụ không kích.          

Chia sẻ quan điểm với Đức, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean Yves Le Drian cảnh báo, thỏa thuận đạt được chỉ có thể giúp cải thiện tình hình  nếu Nga chấm dứt các vụ không kích.

"Thỏa thuận đạt được có thể tạo ra những bước tiến nếu đi tới một lệnh ngừng bắn thực sự, mở đường cho các hoạt động nhân đạo và bao gồm cả việc Nga và quân đội Syria chấm dứt các vụ không kích. Vì thế chúng tôi sẽ theo dõi sát sao tình hình để đánh giá hành động của các bên", ông Le Drian nói.

Giữa tháng 9 năm ngoái, Chính phủ Nga đã quyết định tiến hành không kích nhằm hỗ trợ chính quyền Syria truy quét các phần tử khủng bố hoạt động tại nước này. Tuy nhiên, Mỹ và phương Tây, vốn đang phát động các chiến dịch chống nhóm Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Syria lại cho rằng, hành động của Nga chủ yếu nhằm vào các lực lượng đối lập và gây cản trở cho cuộc chiến chống khủng bố.

Phát biểu bên lề Hội nghị an ninh Munich, Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg một lần nữa nhấn mạnh lập trường này và cho rằng, chiến dịch không kích của Nga sẽ gây tổn hại tới các nỗ lực tìm kiếm một giải pháp chính trí cho cuộc khủng hoảng Syria.

Đáp trả, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, thỏa thuận ngừng bắn đạt được là một bước tiến quan trọng nhằm khởi động đàm phán hòa bình, song văn kiện không được áp dụng đối với các tổ chức khủng bố như IS hay Mặt trận Al-Nusra.

Ông Lavrov đồng thời cảnh báo âm mưu biến tiến trình chuyển tiếp chính trị tại Syria thành một cuộc đảo chính với sự hỗ trợ từ bên ngoài và nhấn mạnh tiến trình này phải được thực hiện qua sự thỏa thuận giữa chính quyền và phe đối lập mang tính đại diện đầy đủ.

Ngoại trưởng Nga nói: “Tôi muốn nhấn mạnh tới nhiệm vụ khôi phục bàn đàm phán hòa bình Syria vốn bị đình trệ khi một số nhóm đối lập giữ lập trường không xây dựng và cố gắng đặt ra điều kiện tiên quyết cho đàm phán. Hòa đàm Syria phải được khôi phục sớm nhất có thể và tuân thủ chặt chẽ Nghị quyết 2254 của Liên Hợp Quốc về việc không đặt điều kiện tiên quyết. Các cuộc hòa đàm cũng phải bao gồm nhiều lực lượng đối lập tại Syria”.

Rõ ràng, một lệnh ngừng bắn có thể giúp nối lại tiến trình chính trị khi chỉ 2 tuần trước đó, các cuộc đàm phán gián tiếp giữa chính phủ và phe đối lập Syria đã bị ngưng trệ hồi đầu do phe đối lập từ chối tham gia thảo luận với lý do xung đột leo thang tại khu vực.

Tuy nhiên, việc hiện thực hóa thỏa thuận lại là không chắc chắn khi vẫn còn đó những bất đồng sâu sắc giữa các “ông lớn”. Nỗ lực của Nga thôi là không đủ, mà trách nhiệm lớn nhất là thuộc về các bên tại Syria. Cho đến nay, các phe đối lập chính tại Syria vẫn chưa đưa ra quyết định liệu có thông qua lệnh ngừng bắn hay không. Ngay hôm qua, lực lượng này tuyên bố, đã nhận được một lượng lớn tên lửa từ các đồng minh nước ngoài để đối phó với cuộc tấn công của quân đội Syria./.

Theo Thu Hoài/VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Ngân hàng Thế giới: Động đất gây thiệt hại 5,1 tỷ USD tại Syria

Ngân hàng Thế giới ngày 3/3 cho biết trận động đất nghiêm trọng và các đợt dư chấn tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria hồi tháng trước đã gây ra thiệt hại vật chất trực tiếp lên đến khoảng 5,1 tỷ USD ở Syria, làm tăng thêm nhiều khó khăn cho quốc gia vốn đã bị chiến tranh tàn phá này.

Ngân hàng Thế giới Động đất gây thiệt hại 5,1 tỷ USD tại Syria
Cùng nhau chịu trách nhiệm cho bi kịch ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria

Mức độ nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng là quá lớn, gây áp lực đáng kể lên lực lượng cứu hộ ở hai nước Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, đồng thời làm cạn kiệt các nguồn lực quan trọng cần thiết để đẩy nhanh quá trình phục hồi.

Cùng nhau chịu trách nhiệm cho bi kịch ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria
Return to top