ClockThứ Hai, 29/01/2018 06:21
KỶ NIỆM 50 NĂM CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG VÀ NỔI DẬY XUÂN MẬU THÂN 1968

Thế trận lòng dân ở Quảng Điền

TTH - Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 góp phần tạo thế và lực mới trong cuộc chiến chống đế quốc Mỹ. Trong đó, lực lượng an ninh huyện Quảng Điền đóng góp một phần không nhỏ vào thắng lợi chung.

Thế trận lòng dân

Ông Lê Thanh Phong, nguyên Đội trưởng Đội Trinh sát an ninh huyện Quảng Điền

Thành lập Ban An ninh huyện

Năm 1964, theo yêu cầu nhiệm vụ chính trị, Ban An ninh huyện Quảng Điền được thành lập.

Sau khi thành lập, Đội trinh sát an ninh huyện cùng với an ninh xã Quảng Ninh (Quảng Thọ) phối hợp với đơn vị K105 thọc sâu, đột kích diệt tên ấp trưởng kiêm bí thư chi bộ Đảng Cần lao Nhân vị ở Phước Yên, Quảng Ninh. Đây là trận diệt ác trừ gian đầu tiên ở vùng phía nam huyện, cạnh Giáo xứ Dương Sơn (Hương Toàn, Hương Trà) nơi được xem là pháo đài chống cộng của địch, làm cho bọn ác ôn hoang mang lo sợ. Cũng trong thời gian này, tổ trinh sát an ninh phối hợp với lực lượng vũ trang huyện đánh vào trụ sở xã diệt tên ác ôn khét tiếng là Xã trưởng Quảng Lợi.

Cuối năm 1967, Khu ủy Trị Thiên Huế và Thành ủy Huế nhận được chỉ thị của Bộ Chính trị và mệnh lệnh Bộ Quốc phòng về tiến công nổi dậy toàn miền. Theo đó, Quảng Điền đã xây dựng kế hoạch tiến công và nổi dậy của địa phương, mục tiêu là Chi khu quân sự quận Quảng Điền và chợ Sịa, dọc đường Sịa-An Lỗ, kết hợp “hai chân, ba mũi” để tiến công và nổi dậy.

Ngày 29/1/1968, Nguyễn Quốc Tròn (quê ở Niêm Phò), Nguyễn Đình Cuộc (quê ở Cao Ban) đi vào Bộ Chỉ huy Trung đoàn 3, Sư đoàn 1 bộ binh ngụy đóng tại đồn Tứ Hạ (Hương Trà) để vừa thực hiện nhiệm vụ đưa thư, đồng thời thăm dò tình hình địch trước giờ G của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968, nhưng cả 2 đồng chí đã bị địch bắn chết ở bến đò phía Tứ Hạ (đối diện bến đò Hạ Lang).

Ngày 25 tháng chạp năm Đinh Mùi, Khu ủy được Trung ương chính thức thông báo giờ nổ súng, kế hoạch được bảo mật đến phút cuối. Lực lượng an ninh huyện đề ra kế hoạch đánh địch, diệt ác trừ gian, tạo thế cho quần chúng nổi dậy giành chính quyền. Ngoài nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng dân quân, bộ đội trong cuộc chiến, lực lượng an ninh còn là lực lượng nòng cốt trong các chiến dịch diệt ác trừ gian.

Trong thời gian chiến dịch, lực lượng an ninh huyện tham gia cùng bộ đội địa phương và du kích xã Quảng Hòa, Quảng Thuận đánh chiếm đồn Phổ Lại, phá cầu, đánh tan một trung đội địa phương quân, một trung đội nghĩa quân, tiến công uy hiếp buộc địch ở lô cốt Đức Trọng, cầu Kẽm phải bỏ chạy. Trước đó, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền trong quần chúng, nhiều gia đình có người thân là binh lính ngụy kéo đến các đồn kêu gọi chồng con quay về gia đình. Lực lượng an ninh phối hợp với bộ đội địa phương huyện khởi nghĩa ở xã Quảng Phước, tiến công nổi dậy mạnh mẽ, giải phóng các thôn Thạch Bình, An Gia, Thủ Lễ, bao vây Chi khu quân sự quận Quảng Điền, làm chủ chợ Sịa…, khiến địch hoang mang.

Bám dân, bám đất

Những ngày tiếp theo, ở các vùng giải phóng, các đội công tác đi sâu phát động quần chúng xây dựng cơ sở, lập các ban tự quản thôn, ấp, sẵn sàng phản kích, nhất là hướng An Lỗ, Tứ Hạ về Sịa. Toàn huyện chỉ còn thôn Uất Mậu, vài xóm của Tráng Lực, Khuông Phò, Thủ Lễ và xã Quảng Ngạn còn bị địch kiểm soát, những nơi khác đều đã được giải phóng.

Ngày 8/2/1968, quân Mỹ được tiếp viện để chiếm lại Huế. Địch bắt đầu tập trung lực lượng, hỏa lực phản kích hòng chiếm lại vùng đất mới mất.

Người dân hỗ trợ lực lượng an ninh và lực lượng cách mạng, đào hầm, tiếp tế lương thực, chăm sóc bộ đội, dân quân địa phương… Nhờ đó, lực lượng cách mạng được duy trì và bảo toàn.

Cuối tháng 2 đầu tháng 3/1968, lực lượng Mỹ ngụy được tăng cường. Chúng san ủi làng mạc, nhà cửa nhằm đẩy quân ta ra khỏi đồng bằng, đồng thời đánh phá cơ sở, làm tiêu hao lực lượng cách mạng. Những ngày này, dưới sự lãnh đạo của Huyện ủy, lực lượng an ninh và bộ đội địa phương liên tục bám dân, bám đất chống lại các đợt càn quét của địch.

Trong toàn chiến dịch, lực lượng an ninh huyện đã bắt và xử lý một số tên ác ôn ngoan cố, kêu gọi ra hàng, đầu thú 216 đối tượng. Lực lượng địa phương kịp thời tổ chức các trại cải tạo, giáo dục. Ở huyện đã cải tạo được 49 đối tượng, các xã cải tạo được 110 đối tượng trở về với chính nghĩa. Tranh thủ lúc phong trào đang lên, vùng giải phóng đã mở ra, an ninh huyện đã bổ sung lực lượng phục vụ chiến đấu lâu dài.

Với sự tham gia tích cực trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, lực lượng an ninh Quảng Điền đã góp phần cùng với các lực lượng cách mạng trong huyện đánh sập từng mảng hệ thống ngụy quyền từ quận lỵ đến xã, thôn, mở ra những vùng giải phóng rộng lớn liên hoàn, tạo nên cục diện mới trong tương quan lực lượng giữa ta và địch. Đây không chỉ là thắng lợi của địa phương mà còn tác động kéo căng, dàn mỏng lực lượng của địch, làm cho chúng bị động đối phó, không ứng cứu nhanh được cho hướng chủ yếu là Huế.

Hoàng Loan

(theo lời kể của ông Lê Thanh Phong, nguyên Đội trưởng Đội Trinh sát an ninh huyện Quảng Điền)

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Báo động tình trạng trộm ở chung cư

Một đường dây trộm mô tô tại các chung cư (CC) đã bị lực lượng nghiệp vụ Công an TP. Huế triệt xóa. Các đối tượng thực hiện hành vi này đều đang trong lứa tuổi thanh, thiếu niên (TTN). Đây là vấn đề đáng báo động trong xã hội hiện nay và việc quản lý an ninh tại các CC cũng cần phải chặt chẽ hơn.

Báo động tình trạng trộm ở chung cư
Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế

Phục vụ cho việc đánh giá, so sánh tiềm năng của xe máy điện trong lĩnh vực giao vận, UNDP (Chương trình phát triển Liên hợp quốc) và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thực hiện dự án thử nghiệm xe máy điện giao hàng tại TP. Huế.

Tiềm năng phát triển giao vận xanh ở Huế
Return to top