ClockThứ Sáu, 09/09/2022 07:05

Thêm cơ hội an cư cho người dân các xã đặc biệt khó khăn

TTH - Sau một thời gian triển khai, những hộ dân ở các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), thôn ĐBKK vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (ĐBDTTS&MN) đầu tiên đã được giải ngân vốn đầu tư đất ở, nhà ở theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022 của Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Nhu cầu lớn nhưng thiếu nguồn cung - Bài 1: Mong có chốn an cưVay vốn nhà ở xã hội: Nhu cầu lớn, nguồn vốn hẹp

Đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn sẽ có thêm cơ hội tiếp cận nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế

An cư

Anh Hồ Xuân Nho (dân tộc Tà Ôi), thôn Cân Sâm, xã Hồng Thượng là một trong những hộ đầu tiên trên địa bàn huyện A Lưới được giải ngân vốn từ chương trình tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBDTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ 2021-2025.

Theo anh Nho, gia đình thuộc diện hộ nghèo, bản thân lại mang trong mình bệnh tim, không thể làm được việc nặng nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Đến nay, gia đình vẫn chưa có nhà, phải ở nhờ nhà người thân. Mới đây, gia đình được UBND huyện phê duyệt danh sách được hỗ trợ nhà ở từ ngân sách Nhà nước và vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện A Lưới để đầu tư xây dựng nhà ở nên gia đình rất vui, nỗi lo cuộc sống tạm bợ cũng vơi đi phần nào.

Theo quyết định của UBND huyện A Lưới trên địa bàn huyện có 23 hộ nghèo DTTS đủ điều kiện vay vốn hỗ trợ nhà ở theo Nghị định số 28. Mới đây, NHCSXH huyện A Lưới phối hợp với địa phương, hội nhận ủy thác và tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) xã Hồng Thượng hoàn thành hồ sơ thủ tục theo quy định và đã tiến hành giải ngân hỗ trợ nhà ở cho 5 hộ nghèo là người DTTS với số tiền 200 triệu đồng.

Ông Lê Quang Thắng, Giám đốc NHCSXH A Lưới chia sẻ: Chúng tôi chủ động tham mưu cho UBND huyện, Ban Đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH huyện kịp thời triển khai việc cho vay để hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất, hỗ trợ học nghề, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cho đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo; DN, HTX sử dụng lao động là người DTTS thuộc đối tượng vay vốn. Đồng thời, phối hợp các ban ngành, cấp ủy, chính quyền cấp xã tiến hành rà soát đối tượng thụ hưởng và đẩy mạnh tuyên truyền Nghị định 28 đến với Nhân dân. Công tác giải ngân sẽ tiếp tục được đẩy mạnh triển khai để tăng thêm cơ hội cho người dân sớm ổn định cuộc sống.

Số liệu từ NHCSXH tỉnh, đến nay ngân hàng này đã giải quyết cho vay số tiền 920 triệu đồng cho 23 hộ nghèo là hộ ĐBDTTS để xây dựng nhà ở. Trong đó, NHCSXH huyện Nam Đông đã cho vay 8 hộ, số tiền 320 triệu đồng; NHCSXH huyện A Lưới đã cho vay 5 hộ với số tiền là 200 triệu đồng; NHCSXH huyện Phú Lộc cho vay 6 hộ với số tiền là 240 triệu đồng và NHCSXH thị xã Hương Trà cho vay 4 hộ với số tiền là 160 triệu đồng. Đây là những hộ gia đình người ĐBDTTS đầu tiên trên địa bàn được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi từ Nghị định số 28.

Tăng cơ hội tiếp cận vốn

Nghị định số 28 có hiệu lực từ 26/4/2022 quy định khá cụ thể về đối tượng được vay vốn ưu đãi để trang trải chi phí đất ở, chi phí xây mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở. Theo đó, đối tượng vay vốn hỗ trợ đất ở, nhà ở bao gồm hộ nghèo DTTS; hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú hợp pháp ở xã ĐBKK, thôn ĐBKK vùng ĐBDTTS&MN.

Mức cho vay và thời hạn cho vay do NHCSXH và khách hàng vay vốn thỏa thuận, nhưng không vượt quá 50 triệu đồng/hộ đối với cho vay hỗ trợ đất ở, 40 triệu đồng/hộ đối với cho vay hỗ trợ nhà ở. Thời hạn cho vay tối đa là 15 năm và trong 5 năm đầu, khách hàng chưa phải trả nợ gốc; lãi suất cho vay là 3%/năm.

Được biết, trên cơ sở nguồn vốn tín dụng cho vay theo Nghị định số 28, NHCSXH Việt Nam đã phân bổ cho Thừa Thiên Huế số tiền là 28.950 triệu đồng. NHCSXH Thừa Thiên Huế đã tham mưu cho Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh phân bổ nguồn vốn tín dụng này về cho các NHCSXH huyện, thị xã gồm: A Lưới 22 tỷ đồng; Nam Đồng 5 tỷ đồng; Phú Lộc 850 triệu đồng và thị xã Hương Trà 1,1 tỷ đồng để tổ chức thực hiện cho vay.

Ông Nguyễn Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc NHCSXH Thừa Thiên Huế cho biết, UBND tỉnh đã ban hành công văn về việc triển khai và giao cho UBND cấp huyện phê duyệt danh sách đối tượng đủ điều kiện thụ hưởng chính sách vay vốn ưu đãi theo Nghị định số 28. Để công tác cho vay được thuận lợi, NHCSXH tỉnh chỉ đạo các phòng giao dịch phối hợp với chính quyền địa phương, các hội đoàn thể, tổ TK&VV tập trung rà soát đối tượng thụ hưởng theo đúng quy định. Một khi có danh sách được phê duyệt, NHCSXH sẽ triển khai giải ngân kịp thời nguồn vốn ưu đãi.

"Đi đôi với công tác giải ngân vốn vay của chương trình tín dụng này, NHCSXH Thừa Thiên Huế sẽ chỉ đạo các phòng chuyên môn nghiệp vụ tại Hội sở tỉnh và các phòng giao dịch cấp huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quá trình vay vốn, sử dụng vốn và trả nợ của đối tượng vay vốn, bảo đảm vốn vay được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả và khả năng thu hồi vốn vay khi đến hạn trả nợ", ông Tuấn thông tin.

Bài, ảnh: Hoàng Loan

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Đưa những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống

Ngày 17/4, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Đất đai năm 2024 đến cán bộ các sở ban, ngành, tổ chức, đơn vị phòng chuyên môn thuộc tỉnh, thành phố, huyện, thị xã. Đến dự và chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Đưa những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống
Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ

Là hoạt động thường niên, triển lãm mỹ thuật trẻ vừa là sân chơi, vừa là cơ hội để các họa sĩ tuổi đời dưới 45 của Thừa Thiên Huế bộc lộ tài năng, chứng tỏ hoạt động nghệ thuật của bản thân với giới chuyên môn và những người yêu “nghệ thuật của cái đẹp” Cố đô.

Mở ra cơ hội giao lưu nghệ thuật cho người trẻ
Nỗi niềm người dân làm du lịch

Dịch vụ du lịch xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế khi tạo ra công ăn việc làm cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Tuy nhiên, chúng ta cần phát triển đúng định hướng phát triển của tỉnh và xu hướng du lịch thế giới là chuyên nghiệp hóa hoạt động dịch vụ, thỏa mãn nhu cầu khách du lịch.

Nỗi niềm người dân làm du lịch
“Ngôi nhà 5.000 đồng”

Bằng việc huy động đóng góp của mỗi sinh viên chỉ 5.000 đồng và từ đó, “Ngôi nhà 5.000 đồng” đầu tiên đã được hình thành, giúp sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vững niềm tin với giấc mơ đại học của mình.

“Ngôi nhà 5 000 đồng”
Một cuộc đời ngừng lại, nhiều sự sống thắp lên

Chiều 8/4, tại Hà Nội, Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia (TTĐPGTQG) tổ chức họp báo thông tin “Điều phối đa tạng của bệnh nhân chết não từ bệnh viện tuyến tỉnh”. Đây là trường hợp mà 3 tạng hiến (tim, gan, thận) được ghép cho 3 bệnh nhân tại Huế ngày 2/4.

Một cuộc đời ngừng lại, nhiều sự sống thắp lên

TIN MỚI

Return to top