ClockThứ Năm, 12/05/2016 14:24

Thêm một lời nhắc nhở những người đang sống

TTH - Nhà văn Đỗ Kim Cuông, trước khi trở thành cán bộ “VIP” tại các cơ quan trung ương chỉ đạo văn học nghệ thuật, từng chiến đấu nhiều năm trên chiến trường Trị Thiên - Huế. Trong hơn hai chục tác phẩm đã xuất bản (có 13 tiểu thuyết), ông đã dành nhiều tâm huyết với cả ngàn trang sách miêu tả những năm tháng hào hùng và bi tráng của quân dân Thừa Thiên Huế mà ông là người trong cuộc. Vốn sống đó là một mỏ quý vô tận đối với người sáng tác.

Đúng dịp kỷ niệm 41 năm thống nhất đất nước, ông lại gửi đến bạn bè ở Huế cuốn tiểu thuyết vừa xuất bản: “Trang trại Hoa Hồng” (TTHH). Đọc tên sách và những trang đầu tiểu thuyết, cứ tưởng ông hướng ngòi bút về một vùng đất khác. Nhưng không, tác giả đã trân trọng ghi đầu trang 4: “Tưởng nhớ những người bạn của tôi đã hy sinh trên chiến trường Trị Thiên - Huế.” TTHH chủ yếu vẫn khai thác vốn quý mà ông thu lượm trong thời gian làm người lính trên mặt trận Trị Thiên - Huế trước 1975.

Tuy vậy, khác với tiểu thuyết “Phòng tuyến sông Bồ” (NXB Văn học, 2009) tập trung miêu tả cuộc chiến đấu của tiểu đoàn chủ lực “K10” từ sau Tết Mậu Thân đến ngày giải phóng Huế (3/1975), TTHH mở rộng không gian và thời gian, với một bút pháp ít nhiều đổi khác. Chính nhà văn, trong lời “Tự bạch” đã viết: “Những trang viết về chiến tranh cách mạng, về cuộc sống ngày hôm nay, phải khác với ngày hôm qua. Một độ lùi 30 năm đủ để cho nhà văn suy ngẫm một cách nghiêm túc nhất về hiện thực của đời sống, về chiến tranh cách mạng. Có những giá trị, chuẩn mực xã hội đã đổi thay. Nhà văn cần có một cái nhìn mới, cách nghĩ mới về cuộc sống, con người để làm sao đưa đến cho bạn đọc những trang viết chân thực nhất về cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của dân tộc, về cuộc sống và con người Việt Nam với bao niềm vui, nỗi buồn, hy vọng trong biến thiên của lịch sử…” (Sách “Nhà văn Việt Nam hiện đại” – Hội Nhà văn Việt Nam xuất bản lần thứ 4/2010).

Có lẽ, TTHH đã được tác giả viết với quan niệm và cách nhìn này, tuy nhiên, từ “lý thuyết” đến thực tiễn sáng tạo bao giờ cũng có một khoảng cách. Bằng một kết cấu đa chiều - cả về không gian, thời gian và giọng điệu nhân vật - nhà văn Đỗ Kim Cuông, qua 400 trang tiểu thuyết TTHH đã cố gắng phản ánh một hiện thực trong và sau chiến tranh phong phú, phức tạp, không dễ “kết luận” như nó vốn có và như ông đã từng chứng kiến.

Mở đầu tiểu thuyết là cuộc sống hôm nay, một nữ doanh nhân sau khi lo xuất hàng sang Singapore, lên xe Camry đi miền Tây thăm bạn cũ, rồi bay về Liên Khương (Đà Lạt) để gặp một chủ hàng mới… Một nhân vật như thế, tưởng như chẳng dính dáng chi cuộc chiến sinh tử gian khó ở dải đất hẹp gần nửa thế kỷ trước. Lần mở tiếp những trang sách, mới hay mẹ cô là Hương Giang, con gái Huế và oái oăm thay, bố cô lại là một người lính miền bắc nhưng vừa đi cải tạo về!...

Mạch truyện chủ yếu của TTHH chính là số phận trớ trêu của của người lính quê xã Đồng Tiến bên sông Hồng - anh Đệ, từng là “đại đội phó C3”, hy sinh ở ngoại ô Huế cuối năm 1969; gia đình anh đã nhận giấy báo tử năm 1971. Vậy mà, một người lính cùng làng trở về quê sau 1975, lại cho biết anh còn sống - một cảnh sống còn làm đau lòng người thân hơn cái chết, vì người lính cùng làng tình cờ gặp Đệ trong đám sĩ quan sư 22 bị quân giải phóng bắt sau khi họ tháo chạy khỏi Tây Nguyên tháng 3/1975!

Ông Đê - bố anh Đệ - nghe tin “động trời” ấy chết ngất đi; còn bà Mít. Mẹ anh Đệ, đã vượt qua bao gian khó, lặn lội vô Huế tìm sự thật. Bà nhất định không tin con mình đã “hồi chánh”. Một sự thật bị vùi lấp qua bao biến cố, người chứng kiến đã hy sinh hoặc tản mát khắp bốn phương, thật không dễ được làm sáng tỏ. Quá trình độc giả tìm đến “thật-hư” việc “anh Đệ hồi chánh” cũng đồng thời là dịp để hiểu thêm sự thật lớn lao hơn: Đó là những hy sinh to lớn và cuộc sống đa dạng của cả 3 miền Bắc-Trung-Nam trong cuộc chiến tranh vừa qua. Sự thật đó được thể hiện qua cuộc đời người nông dân ở làng Đồng Tiến bên sông Hồng, qua người dân sống trong lòng đối phương ở các đô thị miền Nam nhưng âm thầm che giấu, nuôi dưỡng các chiến sĩ cách mạng. Chính nhờ những con người nhân hậu và can đảm đó, như bố con ông Sáu, bé Xíu, “mụ chủ quán Tr.”… ở một làng ven Huế, anh Đệ - mà đồng đội tưởng đã hy sinh “mất xác” trong trận đánh Bầu Tháp (gần thôn Triệu Sơn), đã được cứu sống; hơn thế, Hương Giang - con gái cưng của ông Sáu đã dâng trọn trái tim lần đầu biết rung động vì tình yêu cho anh và với giấy tờ giả một “thương phế binh” mang tên Mai Văn Hoàng, ông Sáu nhờ người thân có “vai vế” trong chính quyền Sài Gòn đưa anh vào một thành phố phía trong vừa kiếm sống, vừa hoạt động cách mạng… 

Sau 1975, “Mai Văn Hoàng” phải đi “cải tạo” một thời gian rồi hai vợ chồng cùng con gái là “bé Bông” phải đi “kinh tế mới”. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng bom đạn vẫn tiếp tục gây chết chóc - Hương Giang đã cuốc phải mìn lúc khai hoang, bỏ lại bé Bông cho anh Đệ cô đơn… Mãi về sau, khi tìm thấy “Nhật ký song đôi” của anh Đệ và Hương Giang để lại, “bé Bông” mới hiểu được phần nào số phận oái oăm của bố mẹ mình.

Vượt qua vô vàn thử thách gian khổ những năm sau 1975 - hết cảnh thiếu đói thời “bao cấp” đến cuộc sống đảo lộn vì nạn “vượt biên”, rồi chiến tranh biên giới…- “bé Bông” mới trở thành nữ doanh nhân mà độc giả đã gặp đầu tiểu thuyết. Một kết cục “có hậu”, đồng thời chứng tỏ sức sống, ý chí quyết vượt lên mọi hoàn cảnh, không chỉ của một cô gái. Đây cũng là lời nhắc nhở thế hệ hôm nay phải biết sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh vô bờ bến của cả dân tộc trong cuộc chiến trường kỳ khốc liệt đã qua…

Bài, ảnh: NGUYỄN KHẮC PHÊ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Return to top