ClockThứ Hai, 21/01/2013 05:40

Thêm nguồn lực phát triển kinh tế

TTH - Phấn đấu để có miếng đất “cắm dùi” hay có diện tích đất sản xuất, trồng rừng, nuôi trồng thuỷ sản… là nguyện vọng chính đáng và nỗ lực phấn đấu của mỗi người dân. Và ai cũng mong muốn những tài sản hợp pháp đó được Nhà nước công nhận, giúp họ thuận lợi, yên tâm trong đầu tư phát triển sản xuất, ổn định nơi ăn chốn ở. Đây không chỉ là quyền lợi của mỗi người dân mà còn là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, có ý nghĩa quan trọng trong quản lý, sử dụng đất đai. 

Thực tế thời gian qua, các cơ quan quản lý Nhà nước, các địa phương có nhiều nỗ lực trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng các loại đất, nhưng kết quả đạt được chưa cao. Theo số liệu vừa công bố tại hội nghị triển khai kế hoạch cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn tỉnh năm 2013, đến đầu tháng 12-2012, tỷ lệ cấp giấy đối với đất ở đô thị chỉ đạt 72,7%, đất ở nông thôn đạt 74,1%; đất tổ chức kinh tế đạt 59,8%, đất sản xuất nông nghiệp đạt 38,7%; đất lâm nghiệp đạt 66,2%; đất nuôi trồng thủy sản đạt 37,1%... so với tổng diện tích đất cần cấp giấy. Năm 2013, UBND tỉnh đề ra mục tiêu đẩy nhanh và phấn đấu hoàn thành căn bản trên 90% diện tích đất được cấp giấy chứng nhận.

Để hoàn thành chỉ tiêu trên, UBND tỉnh đề ra các nhiệm vụ và nhiều giải pháp tích cực trong việc phối kết hợp, giao chỉ tiêu, trách nhiệm cụ thể và thực hiện ký cam kết đối với các địa phương, ngành có diện tích cần được cấp giấy... Đây là sự đổi mới về cách làm trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bởi, để làm được điều này, ngoài việc tăng cường đội ngũ cán bộ chuyên môn, kinh phí, các địa phương sẽ phải chủ động tổ chức cho người sử dụng đất kê khai chứ không thụ động chờ người dân đến làm thủ tục. Cán bộ địa chính các phường, xã sẽ phải đi sâu, đi sát người dân tuyên truyền, vận động để người dân hiểu quyền lợi và trách nhiệm của việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cùng người dân tháo gỡ khó khăn, hoàn thành chỉ tiêu được giao. Với sự ràng buộc như vậy, chắc chắn trách nhiệm của đội ngũ cán bộ cơ sở và lãnh đạo các địa phương sẽ nâng lên và hiệu quả công việc tốt hơn.
 
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đầu tư vào nhiều ngành không mang lại hiệu quả cao thì việc đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc ổn định kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, để huy động được nguồn vốn đầu tư cho lĩnh vực này thì nguồn lực quan trọng nhất vẫn phải dựa vào sức dân. Nhưng với người dân nông thôn, tài sản lớn nhất chủ yếu là ruộng vườn, đất rừng, ao hồ nuôi trồng thuỷ sản. Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, cần sớm hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và các tài sản khác gắn liền với đất để người dân có thể thế chấp vay vốn. Đây là một trong những giải pháp tích cực góp phần tăng nguồn lực đầu tư phát triển cho khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Hoàng Giang
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông

Ngày 19/4, Trung tướng Nguyễn Minh Đức, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội làm trưởng đoàn công tác đã khảo sát thực tế nút giao cao tốc Cam Lộ - La Sơn đoạn qua địa bàn huyện Phong Điền; sau đó làm việc với UBND tỉnh về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường bộ và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Cần giải pháp để giảm thiểu thiệt hại do tai nạn giao thông
Cần tiên lượng thời hạn giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân

Ngày 17/4, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương; UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Thanh Bình; Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thị Ái Vân; Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Đại biểu Quốc hội tỉnh Phạm Như Hiệp có buổi tiếp công dân định kỳ tháng 4.

Cần tiên lượng thời hạn giải quyết dứt điểm kiến nghị của công dân
Return to top