ClockThứ Năm, 23/03/2017 13:26

Thi công dự án cải thiện môi trường nước TP. Huế: Người dân lo cho “sức khỏe” của cây

TTH - Biên bản ghi rõ, phía đơn vị thi công múc đường rãnh thoát nước chưa đúng với yêu cầu kỹ thuật, thay vì cách gốc cây tối thiểu là 1,5m, song đơn vị thi công múc đường rãnh cách cây chỉ 50cm, đã ảnh hưởng đến bộ rễ của cây.

Hàng cây trên đường Lê Lợi - một trong những điểm nhấn cho không gian xanh ở Huế. Ảnh: Lê Tấn Thanh

Hạn chế đứt rễ lớn

Vỉa hè đoạn từ quán cà phê Cây Si đến Bia Quốc Học hiện đang được đào xới để lắp đặt, thi công hệ thống cống thoát nước. Một đoạn ngắn đã hoàn thành, hiện đang hoàn trả mặt bằng, dầm đất để hạn chế sụt lún trước khi lát đá trả lại hiện trạng ban đầu. Đoạn gần Bia Quốc Học đang thi công cống thoát nước. Đáng nêu là, do việc đào xới ngay giữa vỉa hè, sát hàng cây long não cổ thụ có tuổi thọ hơn 100 năm và một số loại cây lâu năm khác khiến rất nhiều rễ cám của cây bị đứt. Có cây bày rễ nhánh bắt qua vỉa hè, vị trí đào khá gần gốc khiến người dân lo lắng đến sự phát triển, sinh trưởng của cây.

Khi phát hiện sự việc trên, Trung tâm Công viên cây xanh Huế, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, chăm sóc, bảo vệ hệ thống cây xanh trên địa bàn TP. Huế đã thành lập tổ kiểm tra đến hiện trường ghi nhận, chụp ảnh, đồng thời yêu cầu các bên liên quan làm việc, ký văn bản xử lý vụ việc. Theo đó, các bên liên quan gồm đơn vị thi công trực tiếp là Công ty TNHH Tư vấn xây dựng tổng hợp Quảng Ninh và đại diện Ban quản lý dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế thừa nhận sự việc vừa nêu, trong đó ghi rõ phía đơn vị thi công múc đường rãnh thoát nước chưa đúng với yêu cầu kỹ thuật, thay vì cách gốc cây tối thiểu là 1,5m, song đơn vị thi công múc đường rãnh cách cây chỉ 50cm, đã ảnh hưởng đến bộ rễ của cây. Trung tâm Công viên Cây xanh Huế yêu cầu đơn vị thi công chấp hành đúng các yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật, lắp hố ga ở khoảng trống giữa hai cây, đồng thời, nắn tuyến sao cho ít ảnh hưởng đến cây nhất.

Hiện trạng đào xới trên vỉa hè đường Lê Lợi những ngày vừa qua. Ảnh: Tâm Huệ

Đối với những cây có nguy cơ ảnh hưởng cao, có khả năng nghiêng, đổ đơn vị quản lý cây xanh cũng yêu cầu phải có biện pháp chống đỡ cây hợp lý. Theo đó, cọc chống phải bằng sắt, cao 2m, đường kính 35cm để đảm bảo an toàn. Ở trên đoạn đường đang thi công hiện có 2 trụ chống đỡ do Trung tâm Công viên cây xanh Huế thực hiện. Đường Phan Bội Châu cũng có một số cây do ảnh hưởng của quá trình thi công có dấu hiệu nghiêng nên cũng được làm trụ đỡ để giữ cây khỏi đổ. Song, cũng có ý kiến cho rằng, trụ chống đỡ chưa được đẹp mắt, chưa đúng yêu cầu kỹ thuật…

Các đơn vị thi công, Ban quản lý dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế, Trung tâm Công viên cây xanh Huế đều thừa nhận, việc thi công khó có thể tránh khỏi ảnh hưởng đến cây xanh. Tuy nhiên, họ sẽ áp dụng các giải pháp nhằm hạn chế sự ảnh hưởng đến mức thấp nhất, nhất là đối với các rễ đột, rễ nhánh quan trọng; riêng rễ cám của cây thì không thể không ảnh hưởng.

Một nhánh rễ cây lâu năm bị đào lộ thiên

Bất khả kháng

Nhiều người đặt câu hỏi: Tại sao các đơn vị thi công không chọn giải pháp thi công ở lòng đường để giảm ảnh hưởng đến cây xanh, nhất là những cây cổ thụ, có tuổi thọ hàng trăm năm? Ban quản lý dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế khẳng định: "Nguyên tắc thi công các hạ tầng kỹ thuật, bao gồm các loại cáp viễn thông, cấp thoát nước đều phải thực hiện trên vỉa hè, vừa thuận lợi trong quản lý vận hành với tầm nhìn hàng chục năm sau, vừa tránh ảnh hưởng đến giao thông; chỉ những tuyến đường vỉa hè nhỏ hẹp hoặc không có vỉa hè mới buộc phải thi công xuống lòng đường".

Tuy vậy, đơn vị thi công cũng không chọn phương án thi công ở vỉa hè bằng mọi giá. Ở những tuyến đường dù có khả năng thi công ở vỉa hè, song nếu xét thấy sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ thống cây xanh, các đơn vị liên quan cũng xem xét để bố trí phương án khác nhằm giảm sự ảnh hưởng. Ví như đường Bến Nghé, thay vì thi công ở vỉa hè, Ban quản lý dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế đã cho điều chỉnh phương án thi công ở lòng đường do mật độ cây xanh dày đặc, nếu thi công sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến bộ rễ đột của cây.

Các hố ga phải đảm bảo cách cây 1,5m

Đại diện đơn vị thi công cũng cho rằng, do mật độ cây xanh trên địa bàn TP. Huế khá lớn, trong khi hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, lòng đường hẹp, vỉa hè nơi có nơi không, do đó, khi thi công ở bất kỳ tuyến đường cũng khó tránh khỏi ảnh hưởng. Đa số cống thoát nước của dự án đều có đường kính, độ sâu lớn, khi đào đường dù đã ứng dụng công nghệ tiên tiến nhất, có sự giám sát của các cơ quan chức năng, song cũng khó tránh khỏi sụt lún, ảnh hưởng đến cây xanh.

Trung tâm Công viên Cây xanh Huế khẳng định, việc thi công dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế làm đứt rễ cám không ảnh hưởng nhiều đến sự sinh trưởng, phát triển của cây, quan trọng là bộ rễ đột, nếu để ảnh hưởng đến bộ rễ này cây mới khó phát triển. Qua kiểm tra, quản lý, đơn vị chưa phát hiện trường hợp nào ảnh hưởng đến bộ rễ đột của cây.

Ở các nước tiên tiến, khi thi công bất kỳ dự án nào đều có biện pháp bảo đảm cho cây xanh phát triển tốt, mà giải pháp được thực hiện thường xuyên là di dời đi nơi khác bằng thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, đơn vị quản lý cho rằng do cây xanh của họ trồng theo quy hoạch và đã được tính toán kỹ từng khả năng xảy ra, cộng với hạ tầng tốt, phương tiện kỹ thuật hiện đại, trong khi đó, ở Huế và cả Việt Nam, hệ thống cây xanh đa số được thừa hưởng, hạ tầng không đảm bảo, thiếu phương tiện, thiết bị, thì giải pháp vừa nêu khó khả thi.

Ông Phan Hữu Thành, ở đường Nguyễn Huệ (Huế): Lo cho cây xanh Huế

Mấy ngày nay đi qua tuyến đường Lê Lợi thấy họ đào vỉa hè thi công đường cống thoát nước tôi thấy lo cho hàng cây long não, sợ cây gãy đổ, ảnh hưởng đến người đi đường và mất đi giá trị của con đường đẹp nhất, nhì Huế.

Tôi sống gần cả đời người trên mảnh đất ông cha, không biết cây long não được trồng từ bao giờ nhưng từ khi tôi còn bé tí đi qua đây đã thấy hàng cây này, chỉ không rõ tên gọi. Sau này thấy cơ quan Nhà nước đóng bảng tên cho cây tôi mới biết là cây long não. Cũng chưa rõ việc thi công dự án thoát nước ảnh hưởng thế nào đến cây, nhưng mong là sẽ không làm cây chết, cây gãy, đổ không chỉ với hai hàng cây long não mà còn rất nhiều tuyến đường khác, nơi có khá nhiều cây cổ thụ có tuổi đời hàng trăm năm như ở đường Nguyễn Trường Tộ, Ngô Quyền, Phan Đình Phùng...

Ông Lê Như Chinh, Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Công viên Cây xanh Huế: Luôn theo dõi, giám sát hoạt động thi công

Trước khi thi công bất kỳ tuyến đường nào, nếu có hệ thống cây xanh, chúng tôi cũng bàn bạc, làm việc với Ban quản lý dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế để thống nhất các phương án nhằm hạn chế ảnh hưởng đến cây xanh. Ngoài ra chúng tôi còn thành lập tổ kiểm tra, giám sát việc thi công để kịp thời phát hiện khi có sự cố và yêu cầu khắc phục, xử lý. Sự việc hàng cây long não ở đường Lê Lợi bị phơi rễ, hố ga gần gốc cây đều được chúng tôi phát hiện kịp thời và yêu cầu xử lý. Đối với những tuyến có khả năng ảnh hưởng cao đến cây xanh, chúng tôi yêu cầu đơn vị thi công phải nắn tuyến làm sao để giảm thiểu sự ảnh hưởng.

Ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Ban quản lý dự án Cải thiện môi trường nước TP. Huế: Chưa có cây xanh nào chết do thi công hệ thống thoát nước

Xin khẳng định là đến thời điểm hiện nay, chưa có cây xanh nào bị chết do thi công hệ thống thoát nước trên địa bàn TP. Huế. Không phải bây giờ mà từ rất lâu, Công ty CP Công trình và Môi trường đô thị Huế thường xuyên thi công trong lĩnh vực hạ tầng đô thị, là lĩnh vực thường xuyên “va chạm”, ảnh hưởng đến cây xanh; tuy nhiên, rất hiếm nếu không muốn nói là gần như không có trường hợp nào cây xanh bị ảnh hưởng nặng nề đến khó phát triển. Một số trường hợp chúng tôi buộc phải phối hợp với đơn vị quản lý cây xanh di dời đi nơi khác, khi thi công xong sẽ trồng lại. Tuy nhiên, cách làm đó chỉ hữu hiệu với cây có kích thước nhỏ, với cây đại thụ là điều không thể. Do đó, chúng tôi buộc phải thi công dù biết khó tránh khỏi ảnh hưởng, nhất là rễ cám của cây. Chúng tôi luôn  yêu cầu các đơn vị thi công phải cẩn trọng, chấp hành đúng quy trình, quy chuẩn kỹ thuật. Đơn vị nào để xảy ra sai sót, ảnh hưởng đến rễ cây đều phải chịu trách nhiệm bồi thường, thậm chí là cắt hợp đồng, thay thế đội thi công khác.

Bài, ảnh: TÂM HUỆ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bộ Tư lệnh Quân khu 4:
Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74

Ngày 17/4, Đoàn công tác Bộ Tư lệnh Quân khu 4, do Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tư lệnh Quân khu làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74 Nam Đông - A Lưới.

Kiểm tra tiến độ thi công tuyến đường 74
Đưa những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống

Ngày 17/4, Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh tổ chức Hội nghị phổ biến Luật Đất đai năm 2024 đến cán bộ các sở ban, ngành, tổ chức, đơn vị phòng chuyên môn thuộc tỉnh, thành phố, huyện, thị xã. Đến dự và chủ trì hội nghị có ông Nguyễn Thanh Bình, UVTV Tỉnh uỷ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh.

Đưa những điểm mới của Luật Đất đai năm 2024 vào cuộc sống
Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Chiều 15/4, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh cùng các đơn vị liên quan đã có buổi khảo sát nhằm phục vụ công tác chuẩn bị đầu tư Dự án (DA) mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Khảo sát mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn
Nỗi niềm người dân làm du lịch

Dịch vụ du lịch xứng đáng là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Thừa Thiên Huế khi tạo ra công ăn việc làm cho doanh nghiệp và hộ kinh doanh. Tuy nhiên, chúng ta cần phát triển đúng định hướng phát triển của tỉnh và xu hướng du lịch thế giới là chuyên nghiệp hóa hoạt động dịch vụ, thỏa mãn nhu cầu khách du lịch.

Nỗi niềm người dân làm du lịch
Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

Từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND), Hội Nông dân (HND) các cấp đã giải ngân, tổ chức nhiều dự án (DA) sinh kế mang lại hiệu quả thiết thực cho hội viên, nông dân (HVND).

Nhiều dự án sinh kế từ Quỹ Hỗ trợ nông dân

TIN MỚI

Return to top