ClockThứ Năm, 22/09/2016 13:33

Thi công ống thoát nước không ảnh hưởng đến ngập úng

TTH.VN - Mưa lớn từ chiều đến tối 21/9 làm ngập úng cục bộ gần như toàn bộ các tuyến đường trên địa bàn TP. Huế, có nơi nước ngập sâu từ 0,5-0,7m khiến nhiều người dân bức xúc…

Một số nơi vẫn còn ngập nhẹMưa lớn, ngập cục bộ nhiều tuyến đường

Liên quan đến vấn đề này, Ban quản lý dự án Cải thiện môi trường nước Tp. Huế khẳng định, việc thi công tuyến ống thoát nước hiện nay không ảnh hưởng đến hạ lưu thoát nước toàn bộ các tuyến đường trên địa bàn thành phố. Các tuyến đường cống đang thi công được triển khai độc lập, song song với các tuyến cống thoát nước cũ. Đơn vị cũng không chặn dòng hoặc tháo dỡ các hạ lưu thoát nước cũ. Chỉ có tuyến đang thi công ở ngã sáu Bến Nghé-Nguyễn Tri Phương trước đây có tháo dỡ hạ lưu nhưng vẫn đảm bảo thoát nước bình thường. Trong chiều 21/9, đơn vị đã cử người đến địa điểm này để kiểm tra, nạo vét đất bùn để đảm bảo dòng chảy.

Mưa lớn làm các tấm tôn che chắn tại công trình thi công tuyến cống thoát nước đường Lê Quý Đôn bị nghiêng ngả. Ảnh: Tâm Huệ

Ông Trần Quốc Khánh, Giám đốc Ban quản lý dự án Cải thiện môi trường nước Tp. Huế cho rằng, trận mưa kéo dài hơn 4h đồng hồ chiều 21/9, với lượng mưa lớn hơn 230mm là đột biến và chưa từng xảy ra trong vài năm trở lại đây. Với lượng mưa này, không có bất kỳ hệ thống thoát nước nào có thể đảm bảo thoát nước trong vòng một đến hai tiếng đồng hồ.

Hơn nữa, nếu do quá trình thi công đường cống thoát nước hiện tại ảnh hưởng đến hạ lưu thoát nước, chắn chắn tình trạng ngập úng cục bộ sẽ xảy ra ở phía Nam Tp. Huế, nơi đang triển khai thi công, trong khi chiều tối 21/9, ngập úng diễn ra toàn thành phố, kể cả một số địa phương lân cận. Do đó, ngập úng cục bộ chiều 21/9 là do hệ thống thoát nước cũ không đảm bảo. Đó là chưa kể đến quá trình đô thị hóa, người dân làm nhà, đường cao hơn cốt nền hiện tại, khi nước mưa dồn ứ về vùng thấp làm ngập nhanh và lâu thoát.

Tuy thế, ông Khánh cũng thừa nhận, việc thi công tuyến cống thoát nước hiện nay ít nhiều ảnh hưởng đến người đi đường, giao thông, do một số tường rào, mái che công trình bị lực nước khi có xe lưu thông đánh sập, nghiêng ngả, mưa xói lở đất ở những tuyến chưa hoàn trả mặt bằng… Với những sự cố này, ngay trong ngày 22/9, đơn vị đã tiến hành khắc phục, rào chắn tại các công trình đang thi công, gia cố lại các điểm sụt lún…

Nếu chặn dòng hạ lưu thoát nước để thi công như một số người dân phản ánh, chắn chắn khi hết mưa, nước vẫn không rút và phía Nam Tp. Huế vẫn ngập trong nhiều ngày, chứ không phải nước đã rút hết trong tối 21/9.

Đến khi thi công hoàn thành 92 tuyến đường chính, với khoảng 400 điểm hạ lưu thoát nước và kết nối toàn bộ hạ lưu thoát nước mới với thoát nước cũ (dự kiến khoảng đầu năm 2018) mà vẫn xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ như vừa qua mới là chuyện đáng bàn.

Ông Trần Quốc Khánh

Tâm Huệ

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030

Ngày 27/3, Ban Giám đốc Sở Y tế có buổi tiếp và làm việc với Đoàn khảo sát của Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) về khả năng triển khai dự án “Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025-2030”, trong khuôn khổ hợp tác song phương giữa Hàn Quốc và Việt Nam.

Nâng cao hiệu quả dự phòng, kiểm soát bệnh tật theo mô hình “Thành phố thông minh” giai đoạn 2025 -2030

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top