ClockThứ Tư, 24/09/2014 22:17

Thị phần còn trống

TTH - Du lịch khám chữa bệnh đã trở thành một thị trường phát triển trên thế giới. Ở châu Á, thông tin từ Công ty Kiểm toán Deloitte cho thấy, đây là thị trường có mức doanh thu đến 4 tỷ USD/năm, mức tăng trưởng từ 20%-30%/năm. Với người dân Việt Nam, thuật ngữ du lịch khám chữa bệnh không còn là cụm từ mới mẻ nữa.

Xét ở góc độ vĩ mô, đây gần như là khoảng trống của thị trường trên phạm vi cả nước, cho dù không phải là Việt Nam không có tiềm năng khi có trong tay nhiều bệnh viện được trang bị phương tiện hiện đại; đội ngũ y bác sĩ, chuyên gia có tay nghề cao, được thế giới thừa nhận, nhiều kỹ thuật phức tạp đã được thực hiện thành công, mang lại cơ hội sống cho đông đảo người bệnh. Chính vì thế, nếu kết hợp được du lịch tham quan, nghỉ dưỡng với khám chữa bệnh dựa trên lợi thế cảnh quan, di sản thiên nhiên, văn hóa, lịch sử và cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cũng như đội ngũ chuyên gia có chuyên môn sâu, đây sẽ là một thị trường thu hút được một nguồn ngoại tệ lớn để tái đầu tư trở lại cho phát triển y tế và xã hội. Tuy nhiên, với người dân trong nước, đây vẫn là một loại hình mang tính hướng ngoại khi hàng năm, có khoảng 40.000 lượt người ra nước ngoài để khám chữa bệnh với chi phí lên đến hàng tỷ USD.

Chưa có chủ trương và sự kết nối, bàn bạc và thẩm định từ Chính phủ tới các bộ ngành liên quan như Y tế, Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Kế hoạch đầu tư và đang tập trung giải quyết tình trạng quá tải, chú trọng khám chữa bệnh cho người dân là chính; chưa phải là thời điểm thích hợp để có những chính sách phát triển du lịch khám chữa bệnh khi nguồn lực đầu tư chưa sẵn sàng... nên đây vẫn là một thị phần còn trống và khiến Việt Nam chưa được định danh trên bản đồ du lịch toàn cầu về khám chữa bệnh.

Thế nên, có lẽ cũng là điều dễ hiểu khi có đến 189 cơ sở y tế, trong đó có 24 bệnh viện, 8 phòng khám đa khoa với 4647 giường bệnh; trong đó Bệnh viện TW Huế là đơn vị được xếp hạng đặc biệt cũng như là cơ sở y tế đầu tiên của Việt Nam được đưa vào bản đồ ghép tim của thế giới, bên cạnh đó là rất nhiều kỹ thuật cao trong khám và điều trị bệnh...nhưng việc tạo ra một thị trường du lịch khám chữa bệnh ở Huế gần như cũng không được đề cập đến.

Chúng tôi chưa có một con số chính thức, nhưng nếu chỉ kể đến lượng bệnh nhân từ nhiều tỉnh, thành trong nước về Huế khám, chữa bệnh sẽ là một con số không hề nhỏ. Chỉ riêng ở một số cơ sở y tế tư nhân mà chúng tôi có dịp tham gia giám sát với Ban Văn hóa xã hội của HĐND tỉnh trong thời gian gần đây như Bệnh viện đa khoa Hoàng Viết Thắng, Phòng khám đa khoa Medic, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình – phẫu thuật tạo hình Huế... thì con số này đã chiếm tỷ lệ từ 20% đến 30%.

Việc “hướng nội” với lượng khách nhiều nơi trong nước đến Huế chắc hẳn sẽ là một thị trường ngách có tiềm năng. Vấn đề là ngay cả ở các bệnh viện, phòng khám tư nhân, điều này vẫn còn mang tính tự phát, hữu xạ tự nhiên hương và chưa hình thành được một chiến lược cụ thể. Thế nên, quả là tiếc khi ngoài cơ sở hạ tầng, các trang thiết bị hiện có, một đội ngũ y bác sĩ có tay nghề, thậm chí có cơ sở chuẩn bị đưa vào hoạt động một máy CT 128 lớp cắt với kinh phí đầu tư 18 tỷ đồng vào cuối tháng 9 này nhưng vẫn chưa hề nghĩ đến việc mở rộng thị phần của mình ra xa hơn...

Hạnh Nhi
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Quẩn quanh chuyện ăn

Những thông tin cụ thể, chi tiết và chính xác mà công luận được tiếp nhận gần đây, và với mật độ ngày một dày hơn trên các kênh thông tin truyền thông, mạng xã hội lại một lần nữa đặt ra một câu hỏi nghi ngại. Nó không chỉ dừng lại ở chúng ta đang ăn gì, như thế nào mà là trong những thứ mà chúng ta đang ăn mỗi ngày, có bao nhiêu thực phẩm - cả lương thực nữa - là an toàn?      

Quẩn quanh chuyện ăn
Return to top