ClockThứ Ba, 20/09/2016 10:04

Thi THPT quốc gia 2017: Tranh luận trái chiều về thi trắc nghiệm

Nhiều luồng ý kiến khác nhau của các chuyên gia, giáo viên xung quanh những điểm mới của phương án thi này

Sau hơn 10 ngày Bộ Giáo dục công bố Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2017, đã có nhiều luồng ý kiến khác nhau của các chuyên gia, giáo viên xung quanh những điểm mới của phương án thi này.

Nhiều ý kiến xung quanh hình thức thi trắc nghiệm và bài thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội

Điểm thay đổi trong Dự thảo phương án thi, xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học cao đẳng năm 2017 được nhiều người đồng tình nhất đó là mỗi tỉnh, thành phố chỉ còn một cụm thi dành cho tất cả các thí sinh. Các Sở Giáo dục- Đào tạo sẽ chủ trì tổ chức kỳ thi này, các trường đại học cao đẳng chỉ tham gia với nhiệm vụ phối hợp, hỗ trợ và giám sát công tác tổ chức thi, coi thi, chấm thi. Thời gian thi trong tháng 6 sẽ thuận lợi hơn cho các địa phương, các trường đại học, cao đẳng trong tổ chức thi và xét tuyển sinh.

Nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau giữa các chuyên gia, giáo viên phổ thông, lãnh đạo các trường đại học, cao đẳng và cả học sinh, phụ huynh học sinh chính là hình thức thi trắc nghiệm và bài thi tổ hợp môn Khoa học tự nhiên và Khoa học xã hội.

Bà Nguyễn Phương Nga, Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục thuộc Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, phương án thi theo bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (gồm Vật lý, Hóa học, Sinh học), hoặc bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) sẽ kiểm tra được toàn diện kiến thức, năng lực của học sinh phổ thông. Tình trạng phân biệt môn chính, môn phụ và học tủ, học lệch ở bậc phổ thông cũng sẽ giảm, học sinh dần hướng đến “học gì thi nấy”. Hình thức thi trắc nghiệm (trừ bài thi Ngữ văn), chấm thi bằng máy sẽ hạn chế được tình trạng gian lận trong thi cử, chấm thi khách quan, công bằng hơn.

Bà Nguyễn Phương Nga nói: “Dạng thi trắc nghiệm hữu quan trừ môn Ngữ văn ra thì có nhiều câu hỏi hơn tự luận. Trắc nghiệm thì tối thiểu Ngoại ngữ 40 câu, Toán 50 câu, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội 60 câu thì phủ rộng hơn, đo được nhiều kiến thức hơn, nhiều kỹ năng hơn, nhiều câu hỏi phủ rộng chương trình hơn. Với dự thảo năm 2017, mỗi thí sinh một đề thi, nếu làm được như thế là lý tưởng, như vậy không thể chuyển đề thi ra ngoài được. Mỗi người một đề thi, đương nhiên chấm điểm trắc nghiệm bằng máy thì không còn hiện tượng thầy a, thầy b, thầy c dù có biểu điểm vẫn chấm lệch nhau”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến lại cho rằng, nếu thi theo bài thi tổ hợp thì sẽ gây khó khăn cho học sinh, vì các em đã học theo các khối thi truyền thống như: A, A1, B, C, D từ năm lớp 10. Phương thức thi trắc nghiệm, đặc biệt là với 2 môn Toán và Lịch sử thì không nên áp dụng ngay vì việc dạy và học, kiểm tra, đánh giá ở các trường phổ thông vẫn theo phương thức tự luận. Nếu thay đổi phương thức thi cần có thời gian để các trường thay đổi cách dạy, kiểm tra, đánh giá và học sinh thay đổi cách học với thời gian chuẩn bị ít nhất là 3 năm. Theo Giáo sư Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, với hình thức thi trắc nghiệm môn Lịch sử, dù có nhiều câu hỏi, nhưng sẽ chỉ kiểm tra được những kiến thức cơ bản, chứ không kiểm tra được khả năng vận dụng kiến thức của học sinh. Nếu thi trắc nghiệm, học sinh rất dễ quay trở lại lối học kiến thức nhồi nhét và đua nhau học thuộc lòng để đối phó với thi.

Giáo sư Phan Huy Lê nói: “Tôi chưa hiểu việc thi trắc nghiệm đề môn Sử sẽ thực hiện như thế nào. Nếu tổ chức các câu hỏi thì tôi chắc rằng sẽ trở về hỏi kiến thức, các sự việc, các nhân vật, các niên đại... Nếu quay trở lại hỏi kiến thức đó là bước thụt lùi, một sai lầm cực kỳ đáng tiếc. Như vậy sẽ quay trở lại một lối giáo dục môn Sử mà chúng ta đã phê phán rất gay gắt, tức là nặng về kiến thức và chỉ đo kiến thức, làm cho sách giáo khoa nặng nề, việc học của các em mất tính chất sáng tạo. Yêu cầu chủ yếu đối với môn Sử thì kiến thức có vai trò của nó, nhưng cái căn bản là tư duy Sử học thì bằng trắc nghiệm là rất khó đánh giá, rất khó thể hiện”.

Một băn khoăn nữa là thời gian chuẩn bị ngân hàng đề thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo liệu có đảm bảo về chất lượng và số lượng, đáp ứng được hai mục đích, xét tốt nghiệp và tuyển sinh đại học, cao đẳng.

Ông Hoàng Xuân Hiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Công nghiệp Dệt may Hà Nội cho rằng, với 4 trong tổng số 5 bài thi và tổ hợp bài thi trắc nghiệm, sẽ cần có một ngân hàng đề thi rất lớn, trong khi đó, thời gian chuẩn bị cho kỳ thi này không còn nhiều: “Với những tổ hợp môn thi THPT cộng với trắc nghiệm môn Toán thì việc làm đề thi cho các môn trắc nghiệm khá phức tạp. Thời gian từ giờ đến lúc ấy khoảng 9 tháng không biết có đủ làm bộ đề thi trắc nghiệm.

Tôi nghĩ cần hướng dẫn vì Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng chưa có, nên với các môn thi tổ hợp thì các trường sẽ tận dụng như thế nào, sẽ sử dụng kết quả thi THPT quốc gia như thế nào để tuyển sinh đại học, cao đẳng. Bộ nên có hướng dẫn sớm hoặc ban hành quy chế sớm để các trường căn cứ vào đó làm đề án riêng, cân nhắc phương thức tuyển đại học năm tới”. 

Những băn khoăn của các chuyên gia, nhà khoa học, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh không phải là không có cơ sở vì mấy năm gần đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo liên tục điều chỉnh phương án thi THPT và xét tuyển đại học cao đẳng, trong khi việc dạy và học thì thay đổi rất chậm chạp. Dẫu biết rằng không có phương án nào hoàn hảo, nhưng xã hội đều mong Bộ Giáo dục và Đào tạo lắng nghe ý kiến từ dư luận, đồng thời chuẩn bị chu đáo, để các phương án thi có tính ổn định hơn.

Theo VOV

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Không nên để thông tin trái chiều, dư luận xấu kéo dài

Mấy ngày gần đây, báo chí thông tin một sự việc thật đau lòng khi Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Lê Hải An rơi từ tầng 8, tử vong ngay trong trụ sở Bộ Giáo dục - Đào tạo. Tin phát ra đã gây xôn xao về sự tiếc thương đối với một vị lãnh đạo trẻ tuổi, nhưng cũng xuất hiện nhiều thông tin, bình luận trái chiều trên cộng đồng mạng.

Không nên để thông tin trái chiều, dư luận xấu kéo dài
Return to top