ClockThứ Ba, 21/06/2016 10:19

Thị trường bán lẻ cạnh tranh không cân sức

Các chuyên gia nhận định với dự báo đến năm 2020 thị trường bán lẻ hiện đại sẽ đáp ứng được 40% nhu cầu tiêu dùng, đây là cơ hội lớn nhưng đồng thời cũng là thách thức bởi các nhà bán lẻ Việt Nam sẽ phải cạnh tranh không cân sức với các doanh nghiệp nước ngoài.

Tại Tọa đàm trực tuyến “Nâng cao sức cạnh tranh cho thị trường bán lẻ Việt Nam” do Cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 20/6 tại Hà Nội, ông Võ Văn Quyền, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) nhận định, với dân số đông, cơ cấu dân số vàng, thu nhập ngày càng cao nên dư địa phát triển kênh phân phối rất lớn. Trong những năm gần đây, thị trường Việt Nam còn trở thành nơi thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài nên cơ hội để phát triển bán lẻ hiện đại ngày càng lớn hơn. Tuy nhiên, sự xuất hiện hùng mạnh của các nhà bán lẻ nước ngoài cũng là thách thức đòi hỏi doanh nghiệp nội phải rất nỗ lực để đứng vững trên thị trường.

Đại diện cho doanh nghiệp bán lẻ nội, ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Coop cho rằng, bất cứ sự cạnh tranh nào cũng tạo ra động lực để doanh nghiệp hoàn thiện năng lực. Thị trường bán lẻ với sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài cũng tạo động lực để nâng cao năng lực cạnh tranh, học hỏi kinh nghiệm. Việc phát triển bán lẻ hiện đại thể hiện phát triển của nền kinh tế. Lộ trình cùng phát triển với các nhà bán lẻ nước ngoài cần có chính sách để cạnh tranh và phát triển.

Sức ép cạnh tranh tại thị trường bán lẻ ngày càng lớn. Ảnh: Thanh Vũ -TTXVN

Tại buổi tọa đàm, không dưới 10 lần các chuyên gia, nhà quản lý và đại diện của các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực phân phối bán lẻ đã đề cập đến vấn đề năng lực tài chính của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế. Bên cạnh đó là hàng loạt những vấn đề về nguồn nhân lực, khó khăn trong thu xếp mặt bằng bán lẻ, trung tâm logistic, chi phí quảng bá bị khống chế bởi trần 10% (và hiện nay là 15%) tổng chi phí của doanh nghiệp/năm (trong khi các doanh nghiệp phân phối bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi trần chi phí này do tổng chi phí của các công ty mẹ ở nước ngoài là rất lớn). Đồng thời, sự hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng, các địa phương cũng chưa đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp phân phối bán lẻ trong nước.

Một minh chứng điển hình là sau gần 10 năm thành lập, Liên doanh VDA (giữa 4 nhà phân phối bán lẻ lớn nhất Việt Nam gồm Hapro, Satra, Phú Thái và Saigon Co.op) vốn được kỳ vọng sẽ tạo sức bật lớn trong lĩnh vực phân phối bán lẻ đã không thành công như mong đợi. Có một phần nguyên nhân là VDA chưa được tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng logistic, trong khi một chân lý đã được đúc kết “ngành phân phối bán lẻ chỉ có thể thành công nếu tổ chức được logistic và phát triển được mạng lưới điểm bán hàng”.

Bà Đinh Thị Mỹ Loan thừa nhận, năng lực cạnh tranh chính là mối quan tâm lớn nhất của Hiệp hội các Nhà bán lẻ và các doanh nghiệp hội viên, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn, sức mua đi xuống khiến thị trường ngày càng giảm sút như hiện nay. Dù rằng thời gian qua, các doanh nghiệp trong nước đã từng bước nâng cao sức cạnh tranh và vươn lên. Hiệp hội các Nhà bán lẻ Việt Nam cũng rất quan tâm đến nhiệm vụ số 1, nhiệm vụ sống còn của Hiệp hội là củng cố, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp trong ngành. Cùng với đó, Hiệp hội đã tích cực tham gia xây dựng chính sách và văn bản pháp luật, tạo khung pháp lý cho hoạt động của ngành công nghiệp dịch vụ bán lẻ. Những nhiệm vụ quan trọng khác như đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp thành viên, đào tạo năng lực lãnh đạo, quản trị, CEO của ngành bán lẻ; tạo sự liên kết giữa các thành viên, liên kết giữa các nhà sản xuất với các thành viên, giữa các thành viên với Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng...

Bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam khuyến cáo các doanh nghiệp cần vượt qua các thách thức từ mô hình mua sắm truyền thống sang hình thức mua sắm hiện đại và đầu tư vào chuỗi các cửa hàng, siêu thị bán lẻ, liên kết để phát triển các hình thức bán lẻ mới. Ngoài ra, các doanh nghiệp bán lẻ trong nước và các siêu thị lớn nhỏ của Việt Nam phải có những biện pháp kiểm soát hàng nhập để kích thích sự phát triển của hàng Việt Nam chất lượng cao, từ đó tạo điều kiện cho nền kinh tế trong nước phát triển.

Bài toán liên kết lại một lần nữa được đặt ra, nhưng phải là liên kết thật hiệu quả. Nếu các doanh nghiệp trong nước không có liên kết ngang, liên kết dọc, có chiến lược và bước đi thích hợp, tự nâng cao năng lực và cơ quan quản lý không tạo ra một sân chơi bình đẳng thì cạnh tranh sẽ là vấn đề vô cùng khó khăn với các doanh nghiệp Việt Nam. 

Theo TTXVN

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa

Chương trình giao lưu văn hóa Việt Nam – Nhật Bản với sự tham gia của hàng trăm học sinh đến từ Nhật Bản và Huế do Hội Hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức, khai mạc sáng 28/3 tại 16 Lâm Hoằng, TP. Huế.

Học sinh Huế và Nhật Bản tham gia giao lưu văn hóa
Việt Nam - Indonesia: Điểm tựa Mỹ Đình

Chưa bao giờ đội tuyển Việt Nam lại bị dư luận phản ứng nhiều như hiện tại. Điều đó đang tác động rất lớn đến tâm lý của thầy trò HLV Philippe Troussier.

Việt Nam - Indonesia Điểm tựa Mỹ Đình
Quốc hội Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế tại IPU-148

Theo phóng viên TTXVN tại Geneva, thực hiện chương trình hoạt động đối ngoại năm 2024 của lãnh đạo cấp cao, nhận lời mời của Chủ tịch và Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dẫn đầu đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Đại hội đồng IPU lần thứ 148 (IPU-148) và các hội nghị liên quan tại Thụy Sĩ.

Quốc hội Việt Nam tiếp tục củng cố vị thế tại IPU-148
Return to top