Thế giới

Thị trường chứng khoán toàn cầu ngập sắc đỏ do giá dầu lao dốc

ClockThứ Bảy, 12/12/2015 11:07

Giao dịch viên làm việc tại sàn giao dịch chứng khoán New York ngày 17/9. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại New York, sau hồi chuông mở cửa, chỉ số công nghiệp Dow Jones Index đã giảm 1,1%. Tại phiên giao dịch đầu giờ chiều, chỉ số Stoxx Europe 600 cũng giảm 1,5 %, tiếp tục đà giảm trong ba ngày liên tiếp, làm cho mức suy giảm trong tuần lên tới 3,5 %.

Trước đó một ngày, chứng khoán Mỹ đã tăng nhẹ khi các nhà đầu tư mua vào các cổ phiếu năng lượng.

Tình hình lạc quan này đã không còn giữ được cho đến ngày 11/12, khi một lần nữa giá dầu Brent xuống dưới mức 40 USD/thùng, khép lại một tuần đầy biến động cho thị trường năng lượng sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đưa ra báo cáo tháng cảnh báo về tình trạng nguồn cung tiếp tục dư thừa.

Hiện, giá dầu Brent giao tháng 1/2016 đã giảm thêm 4,5%, xuống còn 37,93 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Tương tự, giá dầu thô WTI (West Texas Intermediate) tại New York giao tháng 1/2016 tới giảm 3,1% xuống 35,62 USD/ thùng, gần bằng mức đáy thiết lập hồi tháng 2/2009.

Các cổ phiếu dầu khí châu Âu trong ngày 11/12 cũng giảm 2%, trong đó cổ phiếu của Tullow Oil PLC giảm mạnh nhất, tới 6,4%.

Tại châu Á, chỉ số Hang Seng của Hong Kong mất 1,1 % và chỉ số Shanghai Composite Index giảm 0,6 %. Trong khi đó, chỉ số Nikkei 225 của Nhật lại tăng 1 %, phục hồi từ mức giảm 1,3 % hôm 10/12.

Ông Mike Bell, chiến lược gia về thị trường toàn cầu của JP Morgan Asset Management (công ty quản lý tài sản lớn thứ 6 ở Mỹ), cho biết: "Rõ ràng những câu chuyện hàng hóa đang làm tổn thương thị trường tại thời điểm này."

Ông cho biết thêm công ty của ông vẫn tin rằng giá dầu sẽ tăng trở lại mức 60USD/thùng vào cuối năm 2016, do nguồn cung sẽ chững lại và nhu cầu sẽ tăng lên. Tuy nhiên, rất khó để có thể xác định được mức giá thấp nhất, mặc dù công ty của ông cũng đang tìm kiếm cơ hội để mua vào các loại cổ phiếu trong các lĩnh vực năng lượng.

Như vậy, tuần qua, các chỉ số chứng khoán chính trên thế giới đã chịu nhiều áp lực, trong đó có việc Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định không cắt giảm sản lượng dầu.

Trong khi đó, nhiều nhà đầu tư vẫn chờ đợi vào kết quả cuộc họp chính sách của Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ diễn ra vào ngày 15-16 tới đây. Tại cuộc họp, các quan chức Fed dự kiến sẽ tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần một thập kỷ qua.

Giá dầu lao dốc xuống mức thấp nhất trong 7 năm trở lại đây đã đẩy đồng đôla Canada (CAD) xuống đáy mới với 72,75 cent đối một USD.

Phóng viên TTXVN tại Canada cho biết đây là lần đầu tiên đồng CAD được giao dịch dưới ngưỡng 73 cent, thấp nhất kể từ tháng 5/2004. Đáng lưu ý là xu hướng trượt giá CAD đã kéo dài từ cuối tuần trước và chưa có dấu hiệu dừng lại do giá dầu, mặt hàng xuất khẩu chính của Canada, vẫn đang lao dốc.

Giá dầu và CAD lao dốc khiến thị trường chứng khoán Toronto ngập sắc đỏ khi chỉ số S&P/TSX giảm 146,88 điểm xuống còn 12.869,71 điểm, thấp nhất trong hơn 2 năm trở lại đây./. 

Theo TTXVN
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Bảo đảm ổn định, phát triển bền vững thị trường chứng khoán

Thị trường chứng khoán vốn là một trong những “hàn thử biểu”, một kênh huy động vốn quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, gần đây thị trường này đang có một số dấu hiệu bất ổn, cần có những giải pháp quyết liệt để ổn định và phát triển bền vững.

Bảo đảm ổn định, phát triển bền vững thị trường chứng khoán
Return to top