ClockThứ Bảy, 22/08/2015 07:05

Thị trường thực phẩm chức năng: Thả nổi

TTH.VN - Hàng loạt vụ thực phẩm chức năng như Collagen, Omega, sữa ong chúa hay Glucosamine bị lực lượng công an và quản lý thị trường phát hiện gần đây cho thấy những mặt hàng này đang bị làm giả với số lượng lớn và gióng lên nỗi lo cho người sử dụng.

Đội lốt “hàng xách tay”

Thực phẩm chức năng (TPCN) là mặt hàng kinh doanh không điều kiện, có thể bày bán công khai ở các địa điểm kinh doanh, đảm bảo các tiêu chí theo quy định và hội đủ các điều kiện cho phép. Trong đó TPCN trong nước phải có nguồn gốc xuất xứ, tên nhà sản xuất, hạn dùng và bao bì nhãn mác rõ ràng. Nếu là sản phẩm do nước ngoài sản xuất phải có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, hồ sơ hải quan, có nhãn phụ bằng tiếng Việt và nguồn gốc nhập khẩu… Tuy nhiên, qua khảo sát tại thị trường Huế, dường như sản phẩm này đang thả nổi cả về chất lượng và giá cả.

Trong vai một khách hàng có vấn đề về da mặt, tôi tìm đến các quầy thuốc tây để mua TPCN. Sau khi đến một vài điểm song vẫn chưa tìm ra sản phẩm cần mua, một dược sĩ chỉ đến các cửa hàng tạp hóa và áo quần hàng hiệu với lời giải thích ở đó bán rất nhiều loại TPCN “xách tay” từ nước ngoài về.

Không khó để tìm mua các loại TPCN ở bên trong các shop áo quần hay các tiệm kinh doanh sữa, tạp hóa bất cứ đâu trên địa bàn TP Huế, song giá cả các loại TPCN ở mỗi nơi mỗi khác và dường như các loại TPCN bày bán ở đây đều không có hóa đơn chứng từ hay hồ sơ nhập khẩu hải quan.

QLTT tịch thu các loại TPCN đang trên đường đưa đi tiêu thụ tại TP Huế

“Mình bị nám ở mặt nhưng dùng thuốc tây nhiều sợ tác dụng phụ. Một người bạn giới thiệu có người quen ở Mỹ gửi về loại TPCN hiệu Collagen nên dùng thử. Dùng đến hộp thứ 3 nhưng vẫn không bớt nám, sau đó mới biết đây là hàng nhập lậu vì không có nhãn phụ bằng tiếng Việt và giấy hướng dẫn sử dụng”, chị Nguyễn Thị Thúy ở đường Điện Biên Phủ nói.  

Tại Shop thời trang My My nằm trên đường Hai Bà Trưng, nhìn bên ngoài, đây là shop chuyên bán áo quần, giày dép chứ ít ai biết bên trong có bán TPCN. Sau khi hỏi mua hộp TPCN làm đẹp da, chị chủ shop đưa cho chúng tôi xem hàng chục loại với lời giới thiệu đây là hàng “xách tay” do người thân mang về từ Mỹ và Nhật, như Omega, Collagen, Royal Jslly có tác dụng làm đẹp da; Glucosamine giúp xương chắc khỏe; Fish Oil giúp sáng mắt; Tran Sino trị nám… có giá từ 700.000- 3,2 triệu đồng/hộp.

“Đây là hàng xách tay chính hiệu nên giá cao hơn so với trên thị trường, song chị vẫn tiêu thụ mạnh bởi toàn bán cho khách quen và uy tín lâu năm. Còn nếu muốn mua hàng giá rẻ thì em có thể ghé qua nhiều điểm khác có mẫu mã giống nhau, song chất lượng viên bên trong hoàn toàn khác và có giá rẻ hơn 30% hàng của chị”, chị chủ shop Phan Thị Ánh chia sẻ.

Dạo quanh một vòng trên các tuyến phố lớn của thành phố Huế mới chứng kiến không khí mua bán khá sôi động với đủ loại TPCN. Các sản phẩm này không treo bảng giới thiệu hay quảng cáo mà chủ yếu “ẩn mình” bên trong các shop áo quần, giày dép và hàng tạp hóa dưới hình thức hàng “xách tay” từ nước ngoài về.

Tại một shop thời trang ở đường Hùng Vương, giá một hộp TPCN hiệu Royal Jelly loại 365 viên nang có giá 900.000đ trong khi bán ở cửa hàng tạp hóa nằm trên đường Phan Bội Châu có giá tới 1,1 triệu đồng; hộp Glucosamine có chỗ để giá 900.000đ, song ở các quầy thuốc tây chỉ có giá 750.000đ. Song, khi hỏi về hóa đơn chứng từ hay nhãn phụ bằng tiếng Việt để xem công dụng thì các cửa hàng đều nêu lý do không có bởi đây là hàng xách tay do người thân mang về để sử dụng, dùng không hết thì mang bán nên không có các loại giấy tờ trên!

Siết chặt quản lý

Trước thực trạng bát nháo thị trường TPCN, ngày 12/8 Ban chỉ đạo (BCĐ) 389/TTH ban hành kế hoạch triển khai đợt cao điểm về đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm và TPCN. Qua đó, Sở Công thương chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường (QLTT) tăng cường kiểm tra, kiểm soát phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN trên thị trường; chú trọng kiểm tra chất lượng hàng hóa trong khâu lưu thông, phát hiện, xử lý nghiêm đối với hàng lậu hàng giả, hàng hóa vi phạm chất lượng và các hành vi gian lận thương mại; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan tiến hành kiểm tra điều kiện kinh doanh, giấy phép, mặt bằng, niêm yết giá, điều kiện bảo quản hàng hóa...

Nói về kế hoạch kiểm tra sắp tới, Phó Trưởng BCĐ 389/TTH, Chi cục trưởng Chi cục QLTT - ông Nguyễn Thanh cho biết: “Để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, từ nay đến hết ngày 15/10, BCĐ 389/TTH dưới sự chủ trì của Sở Y tế, Chi cục QLTT và Công an tỉnh đang đẩy mạnh công tác kiểm tra các loại dược phẩm, mỹ phẩm và TPCN trên địa bàn tỉnh, trong đó sẽ tịch thu tất cả các loại TPCN không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hồ sơ hải quan và cơ quan nhập khẩu; đồng thời xử lý nghiêm các cơ sở không niêm yết giá rõ ràng và không treo bảng giới thiệu sản phẩm”.

Chi cục QLTT vừa tổ chức tiêu hủy trên 152 hộp TPCN hiệu Glucosamine New, Cacium Vitamine De, Omega và Calcium Fort do nước ngoài sản xuất không rõ nguồn gốc xuất xứ, đồng thời đang tạm giữ gần 100 hộp TPCN hiệu Cefuroxim 250mg, Cophadroxil 250 không có hóa đơn chứng từ.      

 

Khánh Thư
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi

Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cũng như cơ quan chức năng liên quan đang gấp rút chạy đua để thực hiện mục tiêu đến 31/3/2024 hoàn thành triển khai xuất hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng đối với lĩnh vực xăng dầu.

Tăng cường quản lý xuất hoá đơn sau khi chuyển đổi

TIN MỚI

Return to top