ClockThứ Sáu, 01/10/2021 15:02

Thích ứng an toàn trước dịch bệnh

Tình hình thay đổi thì nhiệm vụ thay đổi, tổ chức thực hiện, lãnh đạo, chỉ đạo phải thay đổi; cần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19… là chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 vào giữa tuần trước. Đây là cách tiếp cận mới, nhằm thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch hiệu quả, vừa phát triển kinh tế trong bối cảnh hiện nay.

Cách đây gần 2 năm, khi dịch COVID-19 mới bùng phát, mục tiêu kép trên đã được chính phủ đề ra. Cùng với thực hiện 5K, biện pháp giãn cách xã hội, phong tỏa, cách ly được áp dụng trên diện quy mô rộng cả huyện, cả tỉnh, dù cái giá phải trả trong phát triển kinh tế là không hề nhỏ. Nhờ vậy, nước ta đã đạt nhiều thành công trong việc khống chế dịch bệnh và phát triển kinh tế, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái “bình thường mới”.

Trong đợt dịch thứ tư này, để chống lại biến thể Delta có tốc độ lây lan nhanh, lại kéo dài, ngoài áp dụng các biện pháp hiệu quả như đợt đầu còn bổ sung thêm vắc-xin, công nghệ, trang thiết bị y tế, thuốc men, nâng cao hiệu quả chống dịch. Tuy đạt nhiều kết quả khả quan, cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, nhưng để loại trừ hoàn toàn COVID-19 trong cộng đồng là một thách thức, chưa biết khi nào mới đạt được. Đây cũng là nhận định chung của các chuyên gia y tế và cách đánh giá, tiếp cận của nhiều nước, ngay cả các quốc gia phát triển có tỷ lệ tiêm chủng đạt mức 90%.

Thực tế cho thấy, một số địa phương ở phía nam đã thực hiện phong tỏa, giãn cách xã hội trên diện rộng, có nơi kéo dài 2-3 tháng khiến cả guồng máy xã hội bị ngưng trệ. Sức chống chịu của doanh nghiệp - xương sống của nền kinh tế - gần như cạn kiệt. Hệ lụy, hàng triệu lao động mất việc làm, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế, an sinh xã hội. Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 3/2021 ước tính giảm 6,17% so với cùng kỳ năm trước, là mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP quý đến nay.

Mở cửa hay tiếp tục các biện pháp giãn cách xã hội đến khi không còn COVID-19 trong cộng đồng mới đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường là một quyết định khó khăn và cần những giải pháp phù hợp. Trả lời câu hỏi này, Thủ tướng cũng nêu 6 nguyên tắc xây dựng hướng dẫn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Trong đó, y tế là trụ cột, là trung tâm; kinh tế là cơ sở, là nền tảng; dữ liệu khoa học, công nghệ là then chốt; ổn định chính trị - xã hội là trọng yếu và thường xuyên; vắc-xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết; an toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn.

Hiện nay, các bộ, ngành đang triển khai thực hiện, hoàn thiện hướng dẫn trên, như xây dựng tiêu chí an toàn phòng, chống dịch, thống nhất một app (ứng dụng) trong phòng, chống dịch, chuyển cấp mã QR vận tải luồng xanh cho Bộ Công an…

Với Thừa Thiên Huế, các bộ tiêu chí an toàn nhà máy, chợ, trường học, bệnh viện… sớm được ban hành và thực hiện hiệu quả. Các ứng dụng quản lý, giám sát dịch bệnh trên Hue-S nay được tích hợp vào hệ thống quốc gia, tạo sự thống nhất. Cùng với đó, việc triển khai thống nhất trên phạm vi toàn quốc 6 nguyên tắc được Thủ tướng chỉ rõ, tạo điều kiện để Thừa Thiên Huế khống chế dịch bệnh hiệu quả hơn, thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, điều cần quan tâm, sau ngày 30/9, nhiều địa phương bắt đầu nới lỏng giãn cách, mở cửa trở lại, Thừa Thiên Huế sẽ chịu nhiều áp lực khi số lượng công dân trở về địa phương được nhận định sẽ tăng mạnh. Vì vậy, cũng cần chuẩn bị lực lượng và có cách tiếp cận mới trong việc đón, sàng lọc, phân loại và thực hiện các biện pháp cách ly, giám sát y tế phù hợp để thích ứng an toàn với dịch bệnh trong bối cảnh hiện nay.

Hoàng Minh

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Xây dựng môi trường lao động an toàn

Đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong lao động, sản xuất được doanh nghiệp (DN), các cấp công đoàn chủ động thực hiện nhằm hạn chế tối đa mọi rủi ro gây ra.

Xây dựng môi trường lao động an toàn
Cần phương án đảm bảo an toàn trên tuyến cao tốc và quốc lộ

Mới đây, Cục Đường bộ Việt Nam thông tin, từ ngày 4/4 tới, các đơn vị liên quan triển khai phương án điều tiết xe tải lớn hơn 6 trục (30 tấn), xe sơmi-rơ moóc (xe container), xe khách trên 30 chỗ không đi vào cao tốc Cam Lộ-La Sơn mà được phân luồng đi trên QL1A.

Cần phương án đảm bảo an toàn trên tuyến cao tốc và quốc lộ
Để phụ nữ an toàn trên không gian mạng

Sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ làm kinh tế. Tuy nhiên, họ cũng chính là những nạn nhân của các vụ lừa đảo trên không gian mạng bởi chính sự nhẹ dạ, cả tin và thiếu kiến thức trong ứng dụng công nghệ số.

Để phụ nữ an toàn trên không gian mạng
Đồng ý cấm xe khách trên 30 chỗ, xe tải trọng lớn vào cao tốc Cam Lộ-La Sơn

Sáng 30/3, thông tin từ Cục Đường bộ Việt Nam, cơ quan này đã thống nhất với đơn vị liên quan về phương án điều tiết, phân luồng xe đi vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn nhằm giảm tải cho tuyến đường này. Theo đó, xe tải lớn hơn 6 trục (30 tấn), xe sơmi - rơ moóc (xe container), xe khách trên 30 chỗ không đi vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn mà được phân luồng đi trên QL1A.

Đồng ý cấm xe khách trên 30 chỗ, xe tải trọng lớn vào cao tốc Cam Lộ-La Sơn
Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4: Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tỉnh) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là bước tiến quan trọng. Tỉnh đã nhanh chóng bắt tay vào việc triển khai, thực hiện quy hoạch. Một thành phố trực thuộc Trung ương đang được hình thành, và Huế hứa hẹn sẽ trở thành nơi đáng sống, an toàn và thịnh vượng.

Mở không gian, tạo động lực phát triển - Kỳ 4 Hướng đến thành phố đáng sống, an toàn và thịnh vượng

TIN MỚI

Liên kết hữu ích
Return to top