ClockThứ Năm, 20/11/2014 06:12

Thiên chức “trồng người”

TTH - 20/11, thêm một lần nữa, ngày nhà giáo lại về. Tôi nhận ra điều này qua những con đường bỗng trở nên tươi tắn và ngát hương từ những shop hoa “tốc hành” chào đón lễ. Từ không khí hân hoan và thanh âm ríu ran của lũ trẻ sau mỗi buổi học bàn “lịch trình” thăm thầy cô nhân 20/11. Bỗng nghe lòng lâng lâng một niềm vui thanh khiết khi nhận ra tinh thần “tôn sư trọng đạo” vẫn luôn lan toả, và lay thức trong con tim của bao thế hệ. Kính thầy, trọng chữ. Đó là hạnh phúc, đó là phát triển. Như Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ IX của Đảng đã khẳng định: “giáo dục - đào tạo là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, là điều kiện để phát huy nguồn lực con người - yếu tố cơ bản để phát triển xã hội, tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững”. Trong miên man suy tưởng, chợt nhớ về câu chuyện cách đây mấy hôm...

Đêm ấy, chuẩn bị đi ngủ thì chuông điện thoại reo. Số máy của bà cô ruột. Có gì bất trắc mà cô gọi nửa đêm nửa hôm (?) Tôi vừa nhấc máy vừa lo. Bởi lẽ cô tôi là một nữ tu tuổi, nay đã ngoài sáu mươi, lại sống một mình ở chốn “thâm sơn cùng cốc”…

- Biết phiền, nhưng để mai sợ quên. Cháu làm răng tìm mua giúp cô cuốn sách về thầy Phạm Kiêm Âu. Cô thấy ti vi giới thiệu, nhưng tìm mua mãi không được.
Tôi thở phào. Vậy là không có gì bất ổn với cô cả. Sau một hồi thăm hỏi, tôi hứa sẽ tìm mua và mang sách về cho cô sớm.
Hôm sau, một trong những việc ưu tiên của tôi là đi nhà sách. Việc tưởng đơn giản, hoá ra không phải vậy. Lục tung từ Phương Nam, Lạc Việt cho chí Phú Xuân, rồi các nhà sách nhỏ lẻ, không nơi nào bán… Hoá ra đó là ấn phẩm “lưu hành nội bộ”. Cuối cùng, phải nhờ một chị đồng nghiệp, là láng giềng của thầy Bửu Nam- nghĩa tế của thầy Phạm Kiêm Âu, tôi mới có được cuốn sách.
Nhận được sách, cô tôi vui như trẻ. Lật đật chạy vào thư phòng, cô mang ra khoe tấm ảnh chụp sơ đồ lớp, mỗi vị trí đều có dán ảnh, bên dưới ghi tên học trò. Bây giờ tôi mới hiểu. Hóa ra, cô tôi là một học trò cũ của thầy Phạm Kiêm Âu
- Hồi cô học Đồng Khánh, thầy Âu dạy. Lớp mô cũng được thầy làm một cái sơ đồ như ri. Làm xong, thầy chụp ảnh, phát cho mỗi đứa mỗi tấm. Chừ coi lại, quý quá chừng. Càng nhớ thầy quá chừng...
Rồi mạch ký ức tuôn chảy, cô kể về những kỷ niệm sâu sắc mà người thầy đáng kính đã để lại cho cái lớp nữ sinh Đồng Khánh của cô cách đây gần nửa thế kỷ. Mà không chỉ có mỗi lớp của cô tôi. Nhiều thế hệ, nhiều lớp học trò đã được học thầy Phạm Kiêm Âu, đến bây giờ, họ đủ mọi lứa tuổi, ở mọi phương trời, làm đủ mọi nghề...Song, ai cũng nghĩ về thầy, nhớ về thầy với tất cả lòng tri ân, sự tôn kính. Đời một người làm nghề giáo, còn gì hạnh phúc, còn gì vinh danh hơn?
Thật tự hào, thật diễm phúc bởi dân tộc ta từ trước đến nay không hiếm những người thầy đã hy sinh cả đời mình, dồn tất cả tâm lực cho cái nghề cao quý mà mình đã chọn. Kể cả trong những ngày mưa bom bão đạn, hoặc trong những ngày đất nước phải đối diện với muôn vàn gian khó của thời kỳ khắc phục hậu quả chiến tranh... vẫn ngời sáng, vẫn lấp lánh tấm gương của rất nhiều những con người luôn canh cánh bên lòng lời răn “dạy người không mỏi” (hối nhân bất quyện) của các bậc tiền bối.
Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời đã từng nói: “Vì lợi ích mười năm trồng cây. Vì lợi ích trăm năm trồng người”. Trồng người là vì cái lợi lâu dài, chiến lược và bền vững cho đất nước. Quan trọng như thế, cho nên, vai trò của người thầy- kẻ “trồng người”- là vô cùng to lớn và nặng nề. Nó đòi hỏi người thầy không những phải vững chãi về mặt kiến thức để truyền thụ, mà còn phải là người có đạo đức, có tác phong, có nhân cách mẫu mực để làm gương cho học trò noi theo. Hay như cách nói của một số người, đó là “thân giáo”. Cái “thân giáo” ấy chính là “dưỡng chất”, là “nước”, là “phân tro” để bồi dưỡng, nuôi lớn cái cốt cách, cái “Tâm”, cái “Đức”- cũng chính là cái “Gốc” của người học. Mà điều đó lại vô cùng hệ trọng, vô cùng ý nghĩa đối với câu chuyện giáo dục. Chắc hẳn, không ai là không nhớ Hồ Chủ Tịch đã từng đề cập đến “cái tài và cái đức- cái gốc và cái ngọn” khi nói về phẩm chất người cán bộ. Trên thực tế, đạo đức, nhân cách của người thầy lại là cái đọng lại lâu nhất trong lòng các thế hệ học trò.
Thật đáng buồn, khi mà đời sống ngày mỗi dễ chịu hơn, vật chất ngày mỗi sung túc hơn, sự học ngày càng được chú trọng hơn thì cũng là lúc trong hàng ngũ những “kỹ sư tâm hồn” có người đã không còn giữ được tâm hồn trong sáng. Họ biến chuyện dạy và học thành chuyện “trao đi đổi lại”; xem giảng đường là nơi “mua- bán, xin- cho” hết sức thô thiển, hết sức đau lòng. Đến nỗi, đồng nghiệp của họ có người đã phải thốt lên: “Điều gì đang xảy ra? Nghĩa thầy trò có còn giá trị nữa không? Truyền thống “tôn sư trọng đạo” bao đời có bị xói mòn?”; Và rằng, “nếu đã có chút toan tính thiệt hơn thì tốt nhất đừng nên theo nghề giáo!”
Ngày 20/11, nói điều này ra có khi bất nhã. Nhưng biết đâu cũng chính ngày 20/11 lại là một dịp tốt, để những nhà giáo chúng ta, khi nhận những bông hoa tươi thắm của học trò, hãy lắng lòng đối diện lại với chính ta, rồi tự vấn ta đã làm tròn cái thiên chức mà ta đã chọn và cả xã hội đang kỳ vọng, ngóng chờ?
Hiền An
ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

Giảm nhựa với màng phân hủy sinh học BioDF

Hiện nay, các mặt hàng thực phẩm đang được tiêu dùng trên thị trường phần nhiều sử dụng bao bì làm từ nilon. Điều này phần nào gây nên tình trạng phát thải nhựa lớn. Dự án “Sản xuất màng phân hủy sinh học BioDF” của Khoa Môi trường, Trường đại học (ĐH) Khoa học, ĐH Huế cung cấp giải pháp bảo vệ môi trường và giảm rác thải nhựa.

Giảm nhựa với màng phân hủy sinh học BioDF
“Sắc Huế trong em”

Đây là chủ đề hội chợ trường học lần thứ V, năm học 2023 – 2024 do Trường tiểu học Vĩnh Ninh tổ chức ngày 24/3.

“Sắc Huế trong em”
Return to top