ClockThứ Năm, 08/09/2016 14:12

Thiện nguyện mùa Trung thu

TTH - Tết Trung thu, ngày vui của những “thiên thần nhỏ”, đang đến. Tại thời điểm này, nhiều hoạt động gây quỹ từ thiện được các nhóm tình nguyện triển khai với kỳ vọng mang lại một mùa trăng tròn đầy yêu thương, đặc biệt cho thiếu nhi thiệt thòi.

Quầy bánh gây quỹ giúp trẻ nghèo

Đó là quầy bánh của các bạn Đội Sinh viên tình nguyện Trường ĐH Sư phạm – ĐH Huế được đặt ngay trước cổng trường với lời kêu gọi “mua một chiếc bánh, tặng một yêu thương”. Lời mời chào của các bạn sinh viên bằng thông điệp này khiến nhiều người quan tâm, dừng lại mua nhằm góp một phần nhỏ vào quỹ giúp cho các em nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Cũng như nhiều quầy bánh khác, ở quầy bánh gây quỹ này có đủ loại bánh Trung thu, đáp ứng nhu cầu cho người mua. Đặc biệt, toàn bộ số tiền lời sẽ được sử dụng vào việc tổ chức chương trình “Thu yêu thương” 2016 cho các em nghèo ở xã A Roàng, huyện A Lưới vào giữa tháng 9.

Du khách nước ngoài mua bánh trung thu ủng hộ cho chương trình gây quỹ của Đội SVTN ĐH Sư phạm – ĐH Huế

Bạn Mai Thị Sang  (sinh viên năm 3, sư phạm vật lý), thành viên của đội kể rằng, giá bánh Trung thu của nhóm bằng giá trên thị trường, tuy nhiên khi thấy được hoạt động ý nghĩa nên được rất nhiều người hưởng ứng. Nhiều du khách nước ngoài khi dạo bộ đi ngang qua cũng thích thú và mua ủng hộ. “Các cô chú mua xong còn bảo sẽ giới thiệu người quen đến mua bởi biết được mục đích thiện nguyện của tụi mình. Cảm giác của người bán lẫn người mua rất hạnh phúc vì đã làm được một điều gì đó có ích cho những cảnh đời nghèo khó”, Sang tâm sự.

Để duy trì quầy bánh này, các thành viên của đội tình nguyện thay nhau bán. Ai học sáng thì bán chiều, ai học chiều thì bán tối. Quầy bánh mở cửa từ 6g sáng cho đến 9g tối để phục vụ nhu cầu của người mua. Bạn Huỳnh Đình Bình (sinh viên năm 3, sư phạm địa lý) chia sẻ, đây là năm thứ hai tham gia chương trình bán bánh gây quỹ tổ chức Trung thu cho trẻ em nghèo.

Tuy khá bận rộn vì vừa bước mới bước vào năm học mới, nhưng Bình vẫn tranh thủ lúc nào rảnh là chạy lên quầy bánh phụ bán với mọi người. Với Bình, đây vừa là niềm vui, vừa là trách nhiệm. “Mình sinh ra ở vùng quê nghèo nên hiểu được khó khăn của các em nhỏ, ước muốn một chiếc lồng đèn, bịch kẹo… mỗi dịp Trung thu về. Chỉ cần mọi người mua bánh thì đã góp một phần nhỏ giúp đỡ cho các em”, Bình kêu gọi. Không chỉ bán bánh tại chỗ, nhóm còn rao bán trực tuyến và đưa hàng đến tận nơi. Ngoài ra, thông qua mạng xã hội, chương trình được nhiều người ủng hộ.

Cô Nguyễn Thu Tâm (TP. Huế) hào hứng khi đến quầy bánh Trung thu này mua bánh. Với cô, được ăn một chiếc bánh ngon, nhưng góp một phần vào đó những sẻ chia với phận đời nghèo khó là niềm vui khó tả. Cô nói: “Bánh ở đâu giá cũng vậy, nhưng ý nghĩa hơn khi chúng ta đã góp một phần yêu thương gửi đến các em vùng sâu, vùng xa”. Dự tính, đến ngày 10/9, đội sẽ tổng kết chương trình bán bánh, toàn bộ tiền lời sẽ được trích ra mua áo quần, bánh kẹo, đèn lồng… Bên cạnh đó, kêu gọi thêm nhiều tấm lòng hảo tâm ủng hộ để tổ chức một chương trình Trung thu ý nghĩa cho các em học sinh nghèo A Roàng.

Móc khóa yêu thương vì trẻ em đầm phá

Đó là cách làm mà một nhóm bạn trẻ đang thực hiện thông qua mạng xã hội kêu gọi mọi người cùng mua móc khóa. Mỗi móc khóa làm bằng từ cây bút chì được bán ra sẽ góp vào quỹ từ 20.000 – 30.000 đồng ủng hộ cho trẻ em ở vùng đầm phá xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang vui Tết Trung thu. Người khởi xướng chương trình này là bạn Phan Trung (đang công tác ở một công ty trên địa bàn TP. Huế). Trung cho biết, khi còn là sinh viên ĐH Kinh tế - ĐH Huế từng hưởng ứng, tham gia nhiều hoạt động tình nguyện nên rất tâm huyết với công việc này. Đối tượng mà Trung và nhóm bạn hướng đến là trẻ em vùng đầm phá trên địa bàn tỉnh. Do vậy, cứ đến dịp lễ, tết các bạn cùng nhau lên kế hoạch chi tiết để giúp đỡ các em. “Từng xin ủng hộ, quyên góp nhưng lần này nhóm quyết định khắc bút chì gắn thành móc khóa để bán. Từ đây, người mua thấy được giá trị, ý nghĩa của mỗi chiếc móc khóa cầm trên tay sẽ giúp được một phần nhỏ cho các em có hoàn cảnh khó khăn”, Trung nói.

Thấy được mục đích tốt đẹp này, thông qua mạng xã hội có rất nhiều người đặt mua. Chị Nguyễn Thị Huyền (nhân viên văn phòng), người đặt mua móc khóa kể rằng, rất ấn tượng với cách làm gây quỹ từ thiện của nhóm Trung. Người mua không những được món hàng ưng ý mà còn làm được một việc thiện. “Chiếc móc khóa này nó nhắc nhở mình về một việc làm mà bạn đã chung tay vì các em nhỏ có hoàn cảnh khốn khó”, chị Huyền tâm tình.

Đến thời điểm này, có hàng trăm móc khóa được bán ra trong niềm vui mừng của cả nhóm. Bùi Văn Nhật, thành viên nhóm bán móc khóa gây quỹ vui mừng khi chương trình được rất nhiều người ủng hộ, đông đảo trong số đó là các bạn học sinh, sinh viên. Nhiều người còn mua để làm quà bởi cho rằng món quà này ý nghĩa, đặc biệt hơn so với những món hàng “xa xỉ” khác.

Nhóm đang kêu gọi các em thiếu nhi trên địa bàn TP. Huế ủng hộ bánh, kẹo, đồ chơi để tổ chức chương trình “Rước đèn – rước yêu thương” cho những em có hoàn cảnh khó khăn thôn Định Cư, xã Phú Mỹ (huyện Phú Vang). “Chúng mình dự định ngoài tổ chức đêm Trung thu ý nghĩa, có múa lân, có chị Hằng, chú Cuội để các em vui chơi thì sẽ chụp ảnh chân dung, in tặng từng em một”, Trung lên kế hoạch.

PHAN THÀNH

ĐÁNH GIÁ
Hãy trở thành người đầu tiên đánh giá cho bài viết này!
  Ý kiến bình luận

BẠN CÓ THỂ QUAN TÂM

'Luồng gió mới' để văn học thiếu nhi phát triển

Một thời gian dài, văn học thiếu nhi có phần bị xao nhãng, thậm chí bị bỏ trống và chưa đáp ứng được nhu cầu của thiếu nhi. Cuộc vận động sáng tác cho văn học thiếu nhi như một “luồng gió mới” khiến cho văn học thiếu nhi đang dần thức tỉnh.

Luồng gió mới để văn học thiếu nhi phát triển
Hành trình bao gạo nghĩa tình của thầy giáo trẻ

Bao gạo nghĩa tình của thầy giáo trẻ Trần Văn Anh bắt đầu từ năm 2015 đến nay đã được 9 năm đồng hành cùng với quý người già neo đơn, nghèo khó. Đây là chương trình giúp đỡ và bảo trợ đến những hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn các địa phương Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Nam Đông, A Lưới (Thừa Thiên Huế) và Hải Lăng (Quảng Trị).

Hành trình bao gạo nghĩa tình của thầy giáo trẻ
“Nồi cháo yêu thương”

Những phần cháo dù nhỏ, giá trị không lớn, nhưng lại chứa đựng tấm lòng yêu thương của những sinh viên Trường đại học Luật, Đại học Huế.

“Nồi cháo yêu thương”
Return to top